Phát biểu khai mạc Tọa đàm, bà Ngô Tố Nhiên, Giám đốc Điều hành Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam cho biết, Việt Nam đang nỗ lực thực hiện các giải pháp trong dài hạn để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 như cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26). Để hiện thực hóa mục tiêu tham vọng này, Việt Nam cần kết hợp nhiều giải pháp cũng như huy động nguồn lực khả thi và sáng tạo. Trong đó, công cụ định giá carbon (bao gồm thuế carbon và thị trường carbon) được coi là một trong những giải pháp để giảm phát thải khí nhà kính một cách hiệu quả; đồng thời thúc đẩy công nghệ phát thải thấp.
Thị trường carbon đã được đề cập trong các văn bản quy phạm pháp luật như Luật Bảo vệ môi trường 2020 và gần đây nhất là Nghị định 06/2022/NĐ-CP. Đặc biệt, ngày 18/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 01/2022 về Danh mục các ngành, phân ngành và cơ sở phải thực hiện kiểm kê phát thải khí nhà kính và được phân bổ hạn ngạch phát thải bao gồm gần 2.000 cơ sở thuộc các ngành Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng và Tài nguyên - Môi trường. Thị trường carbon được kỳ vọng sẽ đóng góp vào thực hiện cam kết khí hậu quốc gia, là động lực giảm phát thải một cách hiệu quả về chi phí và mang lại nguồn tài chính để thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ phát thải thấp. Đồng thời sẽ kết nối Việt Nam với thị trường carbon quốc tế, hỗ trợ các doanh nghiệp nội địa tương thích với những cơ chế quốc tế mới có ảnh hưởng không nhỏ tới xuất khẩu hàng hóa Việt Nam như cơ chế điều chỉnh biên giới carbon.
Chia sẻ lý thuyết và thực tiễn về các công cụ định giá carbon trên thế giới, ông Wolfgang Mostert, chuyên gia quốc tế về chính sách năng lượng và khí hậu cho rằng, định giá carbon là một công cụ chính sách hướng đến tính hiệu quả và tính kinh tế nhằm đạt được các mục tiêu giảm phát thải đề ra với chi phi thấp nhất bằng cách cân bằng chi phí giảm phát thải giữa các ngành và các nguồn phát thải khí nhà kính. Trong đó, thị trường carbon đóng vai trò quan trọng nhưng để xây dựng và vận hành thị trường này là một quá trình dài, đòi hỏi đầu tư nhiều về kỹ thuật, nhân lực và tài chính. Việt Nam có tiềm năng lớn để hình thành thị trường carbon và chứng minh hiệu quả của thị trường này trong việc giảm phát thải, tiến tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0”.
Về định giá carbon tại Việt Nam, hiện trạng và lộ trình, bà Trương An Hà, chuyên gia phân tích, Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam cho biết, với việc xây dựng và vận hành thị trường carbon trong nước, Việt Nam sẽ nắm bắt được những cơ hội trong việc giảm phát thải carbon một cách hiệu quả, tăng khả năng tương thích với các cơ chế định giá carbon quốc tế, tạo cơ hội liên kết với thị trường carbon trên thế giới và trong khu vực, cũng như tăng tính cạnh tranh của các sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế. Hơn nữa, thị trường carbon còn là một cơ chế tạo nguồn lực để thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ phát thải thấp, hướng đến nền kinh tế trung hòa carbon.
Tại Tọa đàm, các chuyên gia cũng đề xuất giải pháp để giảm phát thải khí nhà kính một cách hiệu quả. Trong đó, nhấn mạnh tới việc các cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính theo kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp cơ sở, theo lộ trình.
Giai đoạn đến hết năm 2025, thực hiện kiểm kê khí nhà kính, xây dựng và thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện, công nghệ, quản lý của cơ sở. Giai đoạn từ năm 2026 đến hết năm 2030, thực hiện kiểm kê khí nhà kính, xây dựng và thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo hạn ngạch do Bộ Tài nguyên và Môi trường phân bổ phù hợp với mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; được phép trao đổi, mua bán hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon trên sàn giao dịch tín chỉ carbon.