Vẫn còn nhiều khoảng trống
Là một cán bộ về hưu, không có con, vợ đã mất, nên tuổi già của cụ Nguyễn Lưu Khánh (79 tuổi ở Hoàn Kiếm, Hà Nội) chỉ biết trông cậy vào sự chăm sóc của nhân viên điều dưỡng Viện dưỡng lão Diên Hồng (Hà Đông, Hà Nội). Cụ Khánh cho biết, trước kia cụ sống cùng với cháu, nhưng do cháu thường xuyên đi công tác xa, những lúc đau yếu không biết trông cậy vào ai. Bằng khoản lương hưu và tiền tiết kiệm của mình, cụ đăng ký vào viện dưỡng lão để có người chăm sóc thường xuyên. “Viện dưỡng lão có nhiều người hoàn cảnh giống tôi. Cũng có người còn con cháu đề huề, nhưng bị bệnh tật ốm đau, ở viện dưỡng lão có nhân viên điều dưỡng chăm sóc khoa học hơn, nên cũng đăng ký vào đây. Ngoài việc được chăm sóc từ bữa ăn, giấc ngủ, chúng tôi còn được điều trị các bệnh mãn tính nên rất yên tâm”.
Người cao tuổi cần được chăm sóc cả về sức khỏe và tinh thần. |
Tuy nhiên những người có điều kiện kinh tế để được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc tại nhà hoặc tại các viện dưỡng lão như cụ Khánh không phải là nhiều. Nhất là trong hoàn cảnh số lượng người cao tuổi ngày càng tăng lên, trong khi các dịch vụ xã hội, chăm sóc y tế lại chưa đáp ứng đủ. Phần lớn những NCT hiện nay được chăm sóc tại gia đình bởi những người chưa được đào tạo hoặc phải tự chăm sóc cho mình.
Theo thống kê của Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi, cả nước hiện có gần 10 triệu NCT, chiếm khoảng 10,5% dân số. Tuy nhiên, mới có hơn 2 triệu NCT được khám sức khỏe định kỳ; 1,7 triệu NCT được lập sổ theo dõi sức khỏe ban đầu... Theo các chuyên gia, dù dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho NCT đã được xã hội hóa, nhưng các dịch vụ này vẫn chưa nhiều và chưa thực sự phát triển. Bên cạnh đó, việc thực hiện các chính sách y tế cho NCT cũng còn nhiều khoảng trống.
Tại các bệnh viện, dịch vụ chăm sóc NCT cũng còn thiếu thốn. Hiện nay cả nước mới chỉ có 1 bệnh viện tuyến cuối là Bệnh viện Lão khoa Trung ương có nhiệm vụ chuyên trách chăm sóc, khám chữa bệnh lão khoa, phục hồi chức năng cho NCT. Còn tại tuyến tỉnh, mới chỉ có khoảng 40% các bệnh viện có khoa lão khoa, số còn lại, bệnh nhân là người cao tuổi vẫn được chăm sóc chung như các bệnh nhân khác. Bên cạnh đó, cán bộ có chuyên môn, được đào tạo chăm sóc lão khoa cũng còn rất ít, thậm chí nguồn nhân lực trong lĩnh vực này lại đang ngày càng giảm. Đây là sự đầu tư chưa thỏa đáng khi NCT mới là nhóm chiếm tỷ lệ chi phí y tế cao nhất.
Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương Nguyễn Trung Anh: “Chi phí y tế cho người già cao gấp 7 - 10 lần người trẻ. Thống kê cho thấy, NCT sử dụng đến 50% tổng lượng thuốc và xu hướng tử vong trong các cơ sở y tế cũng rất cao. Hầu hết bệnh nhân là NCT mắc từ 3 đến 4 bệnh trở lên, bình quân mỗi NCT từ 70 tuổi trở lên phải sử dụng từ 3 - 5 loại thuốc, có những bệnh nhân phải dùng đến 8 loại thuốc để điều trị nhiều bệnh phối hợp”.
Cần nhiều chính sách ưu tiên
Trong khi số lượng NCT đang tăng lên nhanh chóng, việc quan tâm chăm sóc sức khỏe NCT một cách phù hợp sẽ là giải pháp hiệu quả để giảm gánh nặng về y tế. Theo ông Nguyễn Trung Anh, việc đào tạo đủ nguồn nhân lực trong chăm sóc NCT rất cần thiết trong điều kiện năng lực của các cơ sở đào tạo hiện nay còn hạn chế. Thời gian qua, Bệnh viện Lão khoa Trung ương đã mở các lớp đào tạo chuyên ngành lão khoa cho 36/63 tỉnh, thành. Bên cạnh đó, cũng cần thiết phải tăng cường các khoa lão khoa tại các bệnh viện tuyến dưới cũng như mở các chuyên ngành đào tạo về lão khoa tại các cơ sở đào tạo để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe NCT.
“Trước tiên, cần quan tâm hơn tới những NCT có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật bằng việc tạo điều kiện cho họ được chăm sóc sức khỏe tốt nhất từ nhiều nguồn lực, trong đó có các nguồn từ xã hội hóa. Đặc biệt cần quan tâm đến hỗ trợ BHYT cho những NCT khó khăn vì hiện nay có tới 30% NCT ở nước ta không có bất kỳ loại bảo hiểm y tế nào”, ông Ngô Trọng Vịnh, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam đề xuất.
Để quan tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 35 về hướng dẫn thực hiện chăm sóc sức khỏe NCT.
“Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ đưa mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng vào đề án tăng cường y tế cơ sở, trong đó sẽ tích hợp mô hình bác sỹ gia đình để nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ngay tại cộng đồng và khuyến khích các mô hình tương tự phát triển. Bộ cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với đơn vị, địa phương để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về các kỹ năng phòng bệnh, chữa bệnh và tự chăm sóc sức khỏe cho NCT. Bên cạnh đó sẽ tập trung nâng cao năng lực của hệ thống cung ứng dịch vụ y tế từ cơ sở đến Trung ương để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho NCT”, PSG.TS Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết.