“Không thể có danh hiệu Bệnh viện xuất sắc toàn diện khi các bệnh viện chỉ có tỷ lệ 1 bác sỹ/1,8 điều dưỡng viên (ĐDV). Thiếu ĐDV sẽ ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc bệnh nhân, chất lượng điều trị, tăng nguy cơ nhiễm trùng bệnh viện và ảnh hưởng đến an toàn người bệnh. Thiếu ĐDV bệnh viện thiếu xanh, sạch đẹp và thiếu đi nụ cười...”. Đây là ý kiến phát biểu của PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế tại Đại hội Đại biểu lần thứ VI của Hội Điều dưỡng Việt Nam vừa được tổ chức tại Hà Nội.
Phải đạt chuẩn
Trước đây, nhân lực ĐD chủ yếu được đào tạo trình độ trung cấp và sơ cấp, sau đó là trình độ cao đẳng. Năm 2001, hệ ĐD trình độ đại học bắt đầu được đào tạo. Đến nay, trên cả nước có 29 cơ sở đào tạo ĐD. Tuy nhiên, ngành ĐD đang đứng trước nhiều khó khăn thách thức như thiếu giáo viên, thiếu chuyên gia đầu ngành về ĐD. Có tới 70% đội ngũ giáo viên giảng dạy điều dưỡng là bác sỹ. Khoa học điều dưỡng chưa phát triển kịp với những tiến bộ của điều dưỡng thế giới. Người điều dưỡng chưa được đào tạo để thực hiện nhiệm vụ chăm sóc người bệnh một cách chủ động và chuyên nghiệp; nguồn nhân lực mất cân đối về cơ cấu dẫn đến khi sử dụng chưa phân biệt rõ trình độ đào tạo, kỹ năng, tay nghề. Việc thiếu trang thiết bị, cũng như cơ sở thực hành khiến chất lượng điều dưỡng chưa đáp ứng nhu cầu và đòi hỏi của xã hội.
Nhằm nâng cao năng lực điều dưỡng Việt Nam, Bộ Y tế đã ban hành “Chuẩn năng lực cơ bản của Điều dưỡng Việt Nam” để các cơ sở đào tạo và sử dụng điều dưỡng nghiên cứu, áp dụng và thông tin cho các nước trong khu vực và thế giới về chuẩn năng lực điều dưỡng Việt Nam. Bộ tài liệu đưa ra những tiêu chuẩn thuộc ba lĩnh vực là: năng lực thực hành; năng lực quản lý và phát triển nghề nghiệp; năng lực hành nghề theo pháp luật và đạo đức nghề nghiệp.
GS.TS Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo cho biết, trước đây trong ngành y vẫn coi điều dưỡng là trợ lý của bác sỹ (y tá) nhưng trong những năm gần đây, theo xu hướng thế giới và đòi hỏi khách quan về chăm sóc y khoa, điều dưỡng đã trở thành một ngành chăm sóc độc lập và nghề điều dưỡng đã phát triển thành một ngành dịch vụ công thiết yếu. Nhu cầu về dịch vụ chăm sóc có chất lượng ngày càng gia tăng. Do đó, tài liệu Chuẩn năng lực cơ bản của Điều dưỡng Việt Nam góp phần nâng cao trình độ điều dưỡng Việt Nam, đồng thời thước đo đánh giá chất lượng đào tạo đầu ra của điều dưỡng, thúc đẩy điều dưỡng nước ta sớm hòa nhập với trình độ điều dưỡng trong khu vực và thế giới.
Phải thân thiện với người bệnh
Thiên chức của ĐDV là chăm sóc, hướng dẫn và giúp người bệnh trong các hoạt động hàng ngày như vệ sinh, ăn, uống, phục hồi... nếu không thân thiện thì sẽ không đạt được sự hợp tác của người bệnh và không thể làm tốt được nhiệm vụ. Vì vậy, ĐDV phải xây dựng mối quan hệ thân thiện với người bệnh để người bệnh tin tưởng, giúp người bệnh vơi đi nỗi đau bệnh tật và yên tâm điều trị. Tại Đại hội, Hội Điều dưỡng đã đưa ra 8 tiêu chuẩn đạo đức của ĐDV. Đó là: Bảo đảm an toàn cho người bệnh; Tôn trọng người bệnh và người nhà người bệnh; Thân thiện với người bệnh và người nhà người bệnh; Trung thực khi hành nghề; Duy trì và nâng cao năng lực hành nghề; Tự tôn nghề nghiệp; Thật thà đoàn kết với đồng nghiệp và Cam kết với cộng đồng và xã hội.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, một tiêu chuẩn rất quan trọng là người điều dưỡng phải có nụ cười với người bệnh. Năm 2012, ngành y tế tập trung cải tiến toàn diện Khoa Khám bệnh của các bệnh viện. Các bệnh viện phải chọn lựa những điều dưỡng có kỹ năng, vui vẻ, nhiệt tình ở Khu đón tiếp người bệnh để đem lại sự hài lòng cho người bệnh ngay từ phút đầu tiên. Đặc biệt, khi các bệnh viện thực hiện thay đổi giá dịch vụ khám, chữa bệnh, các bệnh viện càng phải nâng cao tinh thần, thái độ, phục vụ người bệnh, Bộ trưởng cho biết.
Tuy nhiên ThS Phạm Đức Mục, Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh cũng thừa nhận rằng việc thiết lập mối quan hệ thân thiện giữa người điều dưỡng và người bệnh đang bị thách thức bởi sự quá tải công việc, tỷ lệ điều dưỡng viên nước ta so với giường bệnh và so với vạn dân thấp nhất các nước trong khu vực ASEAN, điều dưỡng viên lại phải thực hiện quá nhiều các công việc hành chính chuyên môn (thanh toán viện phí, công khai vật tư tiêu hao, thanh toán bảo hiểm y tế...) dẫn đến không có nhiều thời gian tiếp xúc nói chuyện với người bệnh. Vấn đề trên đây đòi hỏi hành động khắc phục từ bản thân người điều dưỡng và cả lãnh đạo các bệnh viện thì mới hiệu quả.
Lê Hoàng
Bài cuối: Phấn đấu phát triển nguồn nhân lực