Từ Trợ lý tác huấn, Phó Tiểu đoàn Trưởng, rồi Tiểu đoàn Trưởng, dù ở cương vị nào Thiếu tá Cường cũng nhiệt tình, trách nhiệm với công việc; luôn chủ động khắc phục mọi khó khăn, trở ngại và không ngừng phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Với Thiếu tá Nguyễn Quốc Cường, thật vinh dự khi được chỉ huy một đơn vị anh hùng từng tham gia bảo vệ Tổ quốc trong chiến tranh biên giới Tây Nam và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng cách đây tròn 40 năm (7/1/1979 - 7/12019). Tiểu đoàn 207 cũng là đơn vị mà nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng từng là Thượng úy Chính trị viên trong thời kỳ chiến tranh biên giới Tây Nam.
Từ khi được điều về làm Trợ lý tác huấn Ban Chỉ huy Quân sự huyện đảo Phú Quốc, để tham mưu tốt cho người chỉ huy trong việc chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, Thiếu tá Cường đã chủ động nghiên cứu kỹ các văn bản hướng dẫn của cấp trên; đặc điểm tình hình, nhiệm vụ của đơn vị và đặc biệt là kinh nghiệm làm tham mưu của các cán bộ đi trước để tham mưu chính xác cho người chỉ huy trong từng nhiệm vụ.
Qua đó, bản thân tự điều chỉnh, sắp xếp lịch làm việc hợp lý, phương pháp lưu trữ văn bản khoa học; thường xuyên bám nắm cơ quan chuyên môn cấp trên để giúp người chỉ huy chủ động trong chỉ đạo và điều hành đúng ý định cấp trên, điều chỉnh hệ thống văn bản đúng hướng dẫn, kết quả công việc hoàn thành đúng thời gian quy định.
Cuối năm 2015, Thiếu tá Nguyễn Quốc Cường được điều về giữ chức vụ Phó Tiểu đoàn Trưởng Tiểu đoàn Bộ binh 519 rồi Tiểu đoàn Trưởng Tiểu đoàn 207. “Đây là điều kiện tốt để tôi tiếp tục rèn luyện, phấn đấu nâng cao trình độ chuyên môn và tác phong, phương pháp chỉ huy cao nhất của phân đội”, Thiếu tá Cường chia sẻ.
Ở nhiệm vụ mới, bước đầu Thiếu tá Cường gặp không ít khó khăn về kinh nghiệm trong quản lý, chỉ huy đơn vị độc lập, nhất là với đơn vị cấp tiểu đoàn và có bề dày truyền thống lịch sử như Tiểu đoàn 207. Bên cạnh đó, Ban chỉ huy Tiểu đoàn lại thường xuyên thay đổi, trình độ và năng lực cán bộ thuộc quyền không đồng đều, cơ sở vật chất phục vụ huấn luyện còn thiếu thốn; công tác quản lý tư tưởng, quản lý kỷ luật của bộ đội vẫn là vấn đề nan giải, đặc biệt là đối tượng chiến sĩ mới…
Đó là những vấn đề Thiếu tá Cường cũng như các đồng chí trong Ban chỉ huy luôn trăn trở, suy nghĩ tìm giải pháp và hướng đi mới cho đơn vị. Riêng anh nhận thấy rằng, chỉ có phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, sự đoàn kết của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì các cấp thì đơn vị mới hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Thiếu tá Cường xác định: “Là cán bộ chỉ huy, trước tiên mình phải là người đầu tàu gương mẫu từ lời nói đến việc làm, phải xung phong đi đầu trong những khó khăn, vất vả của đơn vị. Có như vậy thì sự tín nhiệm, lòng tin của cấp dưới, của đơn vị sẽ cao hơn, mệnh lệnh của chỉ huy mới thực hiện được triệt để và hiệu quả nhất.
Bản thân tôi và các anh em trong Ban chỉ huy Tiểu đoàn luôn đi đầu trong thực hiện nền nếp, chế độ, quy định của đơn vị, sắp xếp hài hòa chuyện công và chuyện tư không để lẫn lộn chi phối làm ảnh hưởng đến kết quả hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị. Đây cũng là vấn đề nhạy cảm của hầu hết cán bộ hiện nay, luôn bị chi phối lớn bởi gia đình…”.
Nhiệm vụ của Tiểu đoàn 207 là huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu, trong đó có nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ mới. Để thực hiện tốt nhiệm vụ hàng năm, trước khi bước vào huấn luyện, Thiếu tá Nguyễn Quốc Cường đã cùng đơn vị quán triệt, nắm chắc nội dung, chỉ tiêu Nghị quyết, Chỉ thị, Mệnh lệnh, hướng dẫn và kế hoạch của cấp trên.
Theo đó, tập trung chỉ đạo làm tốt công tác chuẩn bị từ nơi ăn, ở, sinh hoạt học tập, khung cán bộ quản lý đến việc chuẩn bị thao trường, bãi tập, mô hình, học cụ, vật chất huấn luyện. Kết hợp nguồn kinh phí cấp trên và đơn vị để bổ sung, làm mới hoàn chỉnh hệ thống mô hình học cụ huấn luyện hàng năm; đẩy mạnh phong trào sáng kiến, cải tiến mô hình, học cụ phục vụ tốt cho nhiệm vụ huấn luyện của đơn vị.
Thiếu tá Nguyễn Quốc Cường cho biết, do điều kiện thao trường huấn luyện hạn chế nên đã chỉ đạo xếp lịch điều hành huấn luyện theo kiểu cuốn chiếu, xoay vòng giữa các đại đội, trung đội; tận dụng triệt để các khu vực đất của đơn vị và nhân dân xung quanh đơn vị để bố trí thao trường, bãi tập sát với thực tế. Đồng thời, tăng cường chỉ đạo các đơn vị tổ chức luyện tập thêm ngoài giờ với những nội dung thực hành có tiếng nổ để nâng cao yếu lĩnh động tác và rèn luyện tâm lý vững vàng cho bộ đội; tham mưu, đề xuất với chỉ huy cấp trên tăng cường cho bộ đội được tiếp xúc nhiều hơn với đạn, vật liệu nổ thật.
Nhờ đó kết quả huấn luyện của Tiểu đoàn 207 đã nâng lên theo từng năm, tỉ lệ khá, giỏi tăng từ 3 - 5%. Năm 2018, kiểm tra kết thúc huấn luyện chiến sĩ mới có 9/11 môn đạt giỏi, trong đó có 3 tiếng nổ, đơn vị đạt huấn luyện giỏi. Đó cũng chính là động lực và niềm tin về hướng đi và giải pháp đúng của đơn vị trong công tác huấn luyện, để tiếp tục vận dụng cho những năm tiếp theo, phấn đấu đạt tiểu đoàn huấn luyện giỏi, thể lực giỏi.
Trong tham luận của mình tại Đại hội Thi đua Quyết thắng giai đoạn 2013 - 2018 tỉnh Kiên Giang, Thiếu tá Nguyễn Quốc Cường cho rằng những kết quả đạt được của bản thân trong những năm qua mới chỉ là thành tích ban đầu, anh vẫn tiếp tục phấn đấu nhiều hơn nữa để lãnh đạo chỉ huy đơn vị tô thêm truyền thống vẻ vang của Tiểu đoàn 207 Anh hùng.
Bản thân luôn phải gương mẫu đi đầu trong mọi công việc trên tinh thần “lấy tình thương, trách nhiệm làm chuẩn mực, hiệu quả công việc làm thước đó”. Từ đó tạo ra môi trường cởi mở, dân chủ, đoàn kết, thống nhất cao để tạo động lực và niềm tin to lớn giúp chiến sĩ trong đơn vị phấn đấu luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.