Hiện nay, gần 90% kinh phí phòng, chống tác hại thuốc lá phải trông chờ vào sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. Nhưng tới đây, nguồn kinh phí này sẽ còn thiếu hụt trầm trọng hơn do các nhà tài trợ quốc tế đang “rút” dần vì Việt Nam đã “ thoát” khỏi danh sách các nước nghèo (có thu nhập bình quân đầu người dưới 1.000 USD/năm).
Kinh phí eo hẹp
“Tại địa phương, theo báo cáo các tỉnh về thực hiện Nghị quyết 12/2000/NQ - CP của Chính phủ về phê duyệt chính sách quốc gia về phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) giai đoạn 2000 - 2010 (NQ12), đa số các tỉnh không phân bổ kinh phí cho hoạt động này. Tại TƯ, ngân sách nhà nước cấp cho hoạt động này cũng chỉ khoảng 47.000 USD, tương đương 0,5% kinh phí của Thái Lan trong khi số người hút thuốc tại nước này chỉ bằng 2/3 số lượng người hút thuốc tại Việt Nam”, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết.
Thanh niên tham gia các hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá. |
Cụ thể, từ năm 2009 đến nay, ngân sách cấp cho PCTHTL chỉ vẻn vẹn khoảng 1 tỷ đồng, trong khi các tổ chức quốc tế hỗ trợ khoảng 7 - 8 tỷ mỗi năm. Như vậy, kinh phí cho hoạt động PCTHTL là rất hạn hẹp. Theo ước tính của các ngành chức năng, để triển khai công tác PCTHTL hiệu quả thì cần nguồn kinh phí khoảng 700 tỷ đồng/năm. Như vậy nguồn kinh phí hiện có mới đáp ứng được 1,4% nhu cầu.
Theo ông Lương Ngọc Khuê, do không có nguồn lực bền vững nên nhiều năm nay Chương trình PCTHTL quốc gia không đủ kinh phí để triển khai các chiến dịch truyền thông toàn diện nhằm nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe, kinh tế, môi trường và giảm tình trạng tiếp xúc thụ động với khói thuốc. Hoạt động triển khai và nhân rộng các mô hình cộng đồng, cơ quan, tổ chức không khói thuốc lá, hỗ trợ công tác phòng chống buôn lậu thuốc lá... cũng bị hạn chế. Vậy nên, sau 10 năm thực hiện NQ 12 cho thấy phần lớn các mục tiêu đề ra đều không đạt được. Đặc biệt là mục tiêu giảm tỷ lệ người hút thuốc. Theo đó, năm 2000, tỷ lệ nam giới hút thuốc là 56,1% thì đến năm 2010 chỉ giảm xuống 47,4%, giảm chưa được 10% trong khi mục tiêu là giảm còn 20%.
Đã vậy, thời gian tới, việc huy động nguồn kinh phí cho PCTHTL sẽ còn gặp khó khăn hơn do các nguồn tài trợ quốc tế ngày càng giảm. Đây là vấn đề rất đáng lo ngại vì theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam vẫn là 1/15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Tổng chi phí xã hội do ba loại bệnh phổ biến có nguyên nhân từ thuốc lá (ung thư phổi, nhồi máu cơ tim, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính) ước trên 1.000 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, theo dự báo của WHO, đến năm 2030 số người chết do thuốc lá tại Việt Nam sẽ tăng lên tới 70.000 người/năm, nhiều hơn số người chết do HIV/AIDS và tai nạn giao thông mỗi năm.
Cần thành lập Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá
“Việc thành lập Quỹ nâng cao sức khỏe sẽ giúp Việt Nam có nguồn lực bền vững để triển khai các hoạt động PCTHTL. Thực tế cho thấy, sau khi xây dựng Quỹ nâng cao sức khỏe để hỗ trợ các hoạt động PCTHTL, nhiều quốc gia trên thế giới đã đạt được những kết quả khả quan”, BS Graham Harrison, cán bộ của WHO tại Việt Nam, khẳng định.
Hiện nay, trên thế giới có 30 quốc gia đã thành lập Quỹ nâng cao sức khỏe để hỗ trợ thực hiện hoạt động PCTHTL. Điển hình nhất là mô hình xây dựng Quỹ nâng cao sức khỏe ThaiHealth ở Thái Lan từ năm 2010 với tổng kinh phí quỹ 109 triệu USD. Thông qua quỹ này, Thái Lan đã thực hiện nhiều hoạt động hiệu quả: Vận động thành công các chính sách cấm quảng cáo, khuyến mại, tài trợ; thường xuyên tăng thuế thuốc lá, in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh; giảm tỉ lệ người hút thuốc trong nhà từ 86% năm 2000 xuống còn 59% năm 2006; thiết lập dịch vụ điện thoại và trung tâm tư vấn liệu pháp cai thuốc lá trên toàn quốc...
Quy định thành lập Quỹ PCTHTL và nâng cao sức khỏe cộng đồng tại VN đã được đưa vào Dự thảo Luật PCTHTL, dự kiến được Quốc hội xem xét và thông qua vào ngày 18/6 này. Hiện nay, có 2 luồng ý kiến khác nhau về nguồn hình thành Quỹ: Một là, từ khoản đóng góp bắt buộc của người sử dụng thuốc lá, cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc lá tính bằng tỷ lệ phần trăm trên giá bán chưa có thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng nhưng tối đa không quá 2% và được thu cùng với thuế tiêu thụ đặc biệt; Hai là, từ việc trích thuế tiêu thụ đặc biệt, mức trích tối đa bằng 2% trên giá chưa có thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá. (Nguồn: Bộ Y tế) |
Tại Ôxtrâylia, Quỹ nâng cao sức khỏe của Ôxtrâylia với các hoạt động PCTHTL từ năm 1971 đến năm 1998 đã giảm được 17.400 ca tử vong sớm, trong đó 6.900 ca tử vong do bệnh tim, 4.000 ca tử vong do ung thư phổi, 3.600 ca tử vong do bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, 2.900 ca tử vong do đột quỵ và các bệnh ung thư khác. Lợi ích kinh tế do hoạt động PCTHTL tạo ra là 7.812 triệu USD, lớn hơn gấp nhiều lần chi phí thực hiện hoạt động là 136 triệu USD (nghiên cứu năm 2011).
Vậy nên, theo khuyến cáo của WHO, Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm của các nước về việc xây dựng Quỹ nâng cao sức khỏe để đáp ứng nhu cầu về nguồn kinh phí bền vững cho hoạt động PCTHTL, nhất là sau khi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá được thông qua và ban hành (dự kiến tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII đang diễn ra).
Phương Liên