Hiện nay, xe máy điện và xe đạp điện đã trở nên phổ biến, trở thành phương tiện chủ yếu của học sinh, sinh viên. Song, việc đăng ký xe đạp điện, xe máy điện theo Thông tư 54/2015/TT-BCA trong những ngày qua vẫn chưa tiến hành triệt để, phần lớn người sử dụng vẫn chạy xe trên đường phố khi chưa có biển kiểm soát.
Làm thủ tục cà số khung xe máy điện tại Điểm đăng ký phương tiện cơ giới quận Hoàn Kiếm. |
Có mặt tại các điểm đăng ký phương tiện cơ giới của các quận huyện thuộc Phòng CSGT Hà Nội những ngày qua, phóng viên ghi nhận rất ít người dân đến đăng ký. Bên cạnh số ít phụ huynh học sinh các trường trung học phổ thông đi đăng ký xe cho con em mình để “yên tâm” tham gia giao thông, còn lại hầu hết chủ xe đạp điện, xe máy điện vẫn thờ ơ với chủ trương này. Theo Trung tá Đào Văn Xuyến, Trưởng phòng Đăng ký xe cơ giới quận Hoàn Kiếm, bình quân mỗi ngày tại điểm đăng ký xe quận Hoàn Kiếm chỉ làm thủ tục đăng ký cho khoảng 10 xe đạp điện, xe máy điện. Trung tá Xuyến lý giải: Bên cạnh việc không ít chủ phương tiện nhận thức hạn chế về việc bắt buộc phải đăng ký xe đạp điện, xe máy điện, cũng có thể nhiều người dân còn chưa biết về chủ trương này.
Tại trụ sở Đội CSGT Trật tự - Phản ứng nhanh quận Đống Đa, chị Phan Thị Bích Thủy (ở phường Trung Tự) cho biết qua thông báo tại phường và báo, đài, chị đã xin nghỉ một buổi làm để mang giấy tờ đi đăng ký 2 xe máy điện cho hai con. Tưởng có nhiều người tới đăng ký, nên chị đi từ sớm. Nhưng đến nơi lại thấy quá vắng, chỉ 15 phút đã làm xong thủ tục.
Trần Tuấn Anh, học sinh Trường Trung học phổ thông Đống Đa cho biết, ở lớp và ở trường nhiều bạn vẫn không biết thông tin về chủ trương này.
Rất ít xe đạp điện, xe máy điện đến đăng ký tại Điểm đăng ký phương tiện cơ giới quận Hoàn Kiếm. |
Theo Thông tư số 54/BCA, người đến làm thủ tục đăng ký xe đạp điện cần mang bản sao sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân và giấy tờ mua bán xe (nếu có) để làm thủ tục khai báo. Mọi thông tin cá nhân được nhập vào hệ thống quản lý phương tiện. Lực lượng CSGT các điểm đăng ký sẽ rà số khung, số máy phương tiện để hoàn tất hồ sơ, sau khi hoàn tất các thủ tục cần thiết, người dân bấm chọn biển số ngẫu nhiên giống như đăng ký xe máy, ô tô. Phòng CSGT sẽ cấp biển kiểm soát cho chủ phương tiện khi hoàn tất thủ tục, còn giấy đăng ký xe sẽ nhận sau 2 ngày. Từ ngày 6/12/2015 - 30/6/2016, người dân đăng ký xe đạp điện, xe máy điện sẽ không phải đóng thuế trước bạ, không thu lệ phí đăng ký xe. Từ ngày 1/7, khi đăng ký sẽ phải đóng thuế trước bạ và lệ phí.
Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị tăng cường quản lý với xe đạp điện, xe máy điện, trong đó có đề xuất các địa phương thống kê lại số lượng xe tồn kho để quản lý thuế.
Từ ngày 1/7/2016, học sinh từ 14 - 16 tuổi đi xe không đăng ký sẽ phạt 75.000 đồng/trường hợp, từ trên 16 tuổi sẽ bị phạt phạt 150.000 đồng/trường hợp, người điều khiển không xuất trình được giấy tờ mua bán phương tiện sẽ bị tạm giữ xe 7 ngày. |
Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, tổng hợp từ cơ quan thuế, hải quan giai đoạn 2010 - 2015, tổng số lượng xe máy điện sản xuất, lắp ráp trong nước thời gian này là 16.722 chiếc và xe nhập khẩu là 2.091 chiếc. Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Công an, trong thời gian qua, có hàng triệu xe máy điện không rõ nguồn gốc hợp pháp đang lưu hành. Do đó, Bộ Tài chính đã đề xuất Bộ Công an chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, xử phạt các trường hợp sử dụng xe đạp điện, xe máy điện vi phạm giao thông để tạo sức ép cho người dân đến đăng ký xe, cũng như kiểm tra được tình hình đăng ký xe đạp điện, xe máy điện.
Còn hơn 6 tháng nữa mới đến thời điểm xử phạt xe máy điện, xe đạp điện không đăng ký khi lưu thông theo Thông tư số 54/BCA. Tuy nhiên thực tế trên cho thấy, các cơ quan chức năng, lực lượng CSGT, các gia đình và nhà trường cần tăng cường tuyên truyền tới người dân thực hiện quyết liệt việc xử phạt, để tránh tình trạng “đánh trống, bỏ dùi” trong việc quy định đăng ký đối với xe máy điện, xe đạp điện.