Thoát nghèo bằng đôi chân... khuyết

Ở xã Nặm Lịch, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên, không ai không biết đến thương binh Cà Văn Diên, người đàn ông dân tộc Thái đã để lại cho cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 10 năm tuổi xuân và cả ống chân phải. Bằng nghị lực được tôi luyện nơi chiến trường của người lính Cụ Hồ, ông Diên đã hăng say lao động, từng bước đưa gia đình thoát nghèo, vươn lên.

Thương binh Cà Văn Diên "tàn nhưng không phế". Ảnh: dienbientv.vn


Từ chân thật đến... chân giả


Sinh ra trên miền quê nghèo Điện Biên, năm 1971, tròn 20 tuổi, thanh niên Cà Văn Diên cũng như bao trai bản khác đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Ông tham gia Trung đội B7C3D4 thuộc Quân khu Tây Bắc, tham gia kháng chiến tại nước bạn Lào. Nhớ lại những năm tháng chiến tranh ác liệt, ông Diên bồi hồi kể: Sau một trận đánh cam go và ác liệt ở Luông Pha Băng, trong số 23 đồng đội cùng chiến đấu với tôi, 18 người đã hy sinh, chỉ còn lại 5 người mang thương tích đầy mình. Lúc ấy tôi bị trúng đạn ở chân phải và buộc phải cắt bỏ từ đầu gối trở xuống.

Sau những năm tháng tham gia chiến đấu tại Lào, ông Diên xuất ngũ trở về với thương tật 3/4. Đôi nạng gỗ trở thành người bạn giúp ông Diên tiếp tục xây dựng gia đình và phát triển kinh tế. Năm 1987, ông được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cấp cho chân giả với chu kỳ mỗi năm hai lần để ông có thể thuận tiện trong việc đi lại. Có "chân mới", ông Diên bắt đầu làm quen để có thể đi lại hoạt bát, nhanh nhẹn. Ông kể: Lúc đầu chỉ quen với nạng gỗ, từ sau khi được Nhà nước cấp cho cái chân giả tôi đi lại thuận tiện hơn, tôi có thể đi xe máy, lên rẫy trồng ngô và trồng sắn với gia đình. Cái chân giả thực sự đã khiến tôi cảm thấy mình như là người lành lặn.

Tàn nhưng không phế

Cùng với chiếc chân giả và khoản tiền 30 triệu đồng vay vốn Nhà nước hỗ trợ cựu chiến binh, ông Diên mạnh dạn vay thêm tiền ngân hàng để phát triển kinh tế vườn - ao - chuồng. Từ một trong những hộ nghèo nhất của xã, gia đình ông Diên vươn lên, xóa đói giảm nghèo, trở thành gia đình tiêu biểu trong làm ăn kinh tế của xã Nặm Lịch. Năm 2012, gia đình ông Diên được tỉnh Điện Biên trao Bằng khen “Thương binh làm kinh tế giỏi”.

Hiện nay, gia đình ông có hơn 6.000 m2 ruộng gieo cấy lúa nước, ao cá rộng 1ha chuyên nuôi cá trắm, cá rô phi, 20 con lợn và đàn gia cầm hơn 200 con cùng gian hàng tạp hóa. Bằng việc phát triển kinh tế, mỗi năm gia đình ông Diên thu nhập gần 100 triệu đồng. Với số tiền tích cóp được, ông Diên xây dựng nhà và giúp 5 người con lớn phát triển kinh tế theo mô hình của bố; cô con gái út đang học phổ thông tại huyện.

Bên cạnh việc phát triển kinh tế gia đình, ông Cà Văn Diên luôn tích cực tham gia các phong trào xã hội, hướng dẫn các hội viên Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi trong xã phát triển kinh tế.

Nói về người thương binh giàu nghị lực Cà Văn Diên, Trưởng bản Quàng Văn Dương cho biết: Trong bản, ông Diên rất giỏi làm kinh tế, sống hòa đồng với láng giềng và được mọi người quý mến. Ông luôn nhiệt tình hướng dẫn và giúp đỡ những hộ gia đình khác phát triển kinh tế. Ông Diên thực sự là một tấm gương “tàn nhưng không phế” để tất cả bà con noi theo.

Với những cống hiến trong kháng chiến và nghị lực vượt khó vươn lên trong thời bình, ông Cà Văn Diên đã được Nhà nước trao tặng “Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất”, “Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhì” và “Bằng khen Chiến sĩ thi đua Quyết thắng”.


Xuân Tư
Từ thương binh trở thành... tỷ phú
Từ thương binh trở thành... tỷ phú

Với suy nghĩ “phải tìm một việc làm để không chỉ phát triển kinh tế gia đình mà còn giúp đỡ, tạo việc làm cho mọi người", thương binh Huỳnh Văn Châu, 69 tuổi, trú tại huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi, đã luôn hăng say lao động và trở thành tỷ phú từ việc khai thác đá phụ gia, đá xây dựng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN