Vào lúc 2 giờ 45 phút ngày 1/11, công dân thứ 90 triệu của Việt Nam đã chào đời tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Đây là sự kiện đặc biệt, có nhiều ý nghĩa trong lịch sử phát triển nhân khẩu học cũng như trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam. Từ dấu mốc quan trọng này đã mở ra những cơ hội mới, vận hội mới cho đất nước, dân tộc bên cạnh những khó khăn, thách thức không nhỏ. Người dân thành phố Hồ Chí Minh tham gia cuộc diễu hành. Ảnh: Phương Vy-TTTXVN
|
Ngày 26/12/1961, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký Quyết định số 216-CP về việc hướng dẫn sinh đẻ có kế hoạch. Với Quyết định này, chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình chính thức được triển khai và Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đầu tiên ở châu Á triển khai chương trình.
Sau Tổng điều tra dân số năm 1989, các nhà khoa học đã dự báo vào năm 2010, dân số Việt Nam sẽ đạt 105 triệu người; dựa vào dự báo đó, Việt Nam lẽ ra đạt 90 triệu người vào năm 2002. Tuy nhiên, nhờ những nỗ lực trong chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, đến ngày 01/11/2013, dân số Việt Nam mới đạt 90 triệu người, chậm hơn so với dự báo 11 năm.
Như vậy, trong vòng hơn 20 năm qua, Việt Nam đã tránh sinh được 20,8 triệu người. Đây là thắng lợi hết sức to lớn của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân, nâng cao thu nhập bình quân đầu người và tạo đà cho kinh tế xã hội phát triển.
Với dân số 90 triệu người hiện nay, dự kiến dân số Việt Nam năm 2015 khoảng 92 triệu người, chắc chắn đạt được chỉ tiêu quy mô dân số dưới 93 triệu người vào năm 2015 như Chiến lược Dân số - Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011-2020 đã đề ra.
Khi phụ nữ sinh ít con đã làm giảm các nguy cơ ốm đau, bệnh tật, tử vong do mang thai và sinh nở; đồng thời nâng cao cơ hội về giáo dục đào tạo, lao động việc làm, thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao vị thế người phụ nữ trong gia đình và xã hội, thực hiện bình đẳng giới. Thành công của chương trình dân số không chỉ mang đến các cơ hội cho phụ nữ mà còn cho nam giới, cho người già và trẻ em trong việc tiếp cận và thụ hưởng các chính sách của Đảng và Nhà nước trên mọi lĩnh vực.
Tỷ suất chết của trẻ em dưới 1 tuổi đã giảm ngoạn mục từ 42,3 phần nghìn năm 1989 xuống còn 15,4 phần nghìn năm 2012. Tỷ số tử vong bà mẹ cũng giảm đi nhanh chóng trong thời gian qua. Tuổi thọ người Việt Nam đã tăng lên, đạt 73 tuổi năm 2012, đặc biệt là kỳ vọng sống của nhóm dân số 60 tuổi đã tương đương với các nước phát triển (21,5 năm).
Thành công trong chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình sẽ tạo đà cho Việt Nam thực hiện thành công các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc vào năm 2015.
Nhờ mức sinh giảm trong hàng thập kỷ trước đó, từ năm 2007, Việt Nam đã chính thức bước vào thời kỳ cơ cấu “dân số vàng”, tức cứ 2 người trong độ tuổi lao động (15-64) mới có 1 hoặc ít hơn 1 người trong độ tuổi phụ thuộc (<15 tuổi và 65+ tuổi).
Đây là cơ hội có một không hai trong lịch sử phát triển nhân khẩu học của bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Lịch sử đã cho thấy, một số nước ở Đông Nam Á trở thành con hổ, con rồng kinh tế cũng nhờ thời kỳ cơ cấu “dân số vàng”. Các nhà khoa học dự báo, thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” của Việt Nam sẽ kéo dài khoảng 30-35 năm. Đây là cơ hội hiếm có, duy nhất để Việt Nam có thể đi tắt, đón đầu và cất cánh bay lên.
Việt Nam hiện có hơn 62 triệu người (69% dân số) trong độ tuổi lao động, là một nguồn nhân lực khổng lồ cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cho sự chấn hưng và phát triển của dân tộc Việt Nam.
Việt Nam đang đứng thứ 14 trên thế giới và thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á về quy mô dân số. Với 90 triệu người, chúng ta có 90 triệu người tiêu dùng. Điều đó cho thấy, Việt Nam là một thị trường rất lớn, rất tiềm năng và hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.
Việt Nam đang có nhiều cơ hội để liên kết quốc gia, khu vực trong chuỗi giá trị toàn cầu khi nền kinh tế của đất nước ngày càng hội nhập sâu, rộng với khu vực và thế giới. Điều đó sẽ tạo đà cho Việt Nam khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm sao Việt Nam tận dụng được lợi thế cơ cấu dân số vàng cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước khi mà chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế. Hiện chỉ có 13,4% dân số 15+ tuổi được đào tạo chuyên môn kỹ thuật (thành thị: 25,4%, nông thôn: 8%). Trong nhóm dân số 25+ tuổi thì chỉ có 18,9% có trình độ học vấn bậc trung và chưa đầy 5,5% có trình độ học vấn bậc cao. Tỷ lệ này thua rất xa các nước trong khu vực. Lao động Việt Nam còn hạn chế về sức bền, kỹ năng quản lý. Bên cạnh đó là bài toán về tạo công ăn việc làm, giảm tình trạng thất nghiệp, lao động dôi dư, nông nhàn… Với thị trường trên 62 triệu lao động và 90 triệu người tiêu dùng, nhưng việc lồng ghép công tác dân số vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, ngành, lĩnh vực chưa thực sự được chú trọng và phát huy hiệu quả.
Dân số Việt Nam tròn 90 triệu người là dịp để chúng ta nhìn lại chặng đường đã qua, bức tranh hiện tại và có những định hướng cho công tác dân số nói riêng, cũng như những quyết sách cho công tác kế hoạch, quy hoạch ngành, lĩnh vực, địa phương nói chung. Mặc dù còn có những khó khăn, thách thức, nhưng những tác động từ thành công của chương trình dân số đối với phát triển kinh tế - xã hội là rất lớn.
Phát biểu tại đêm sự kiện “90 triệu trái tim yêu Việt Nam” nhân dịp Việt Nam tròn 90 triệu người, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã khẳng định: Liệu “Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu” như mong ước của Bác Hồ hay không, chính là việc chúng ta có tận dụng cho được lợi thế của thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” hay không?
Lương Quang Đảng (CTV)