Chị Hạnh, nhà ở đường Tên Lửa (quận Bình Tân) cho biết, kể từ khi các con được nghỉ hè sớm vì dịch COVID-19, gia đình chị hầu như không ra khỏi nhà trước 17 giờ hằng ngày, công việc kinh doanh của 2 vợ chồng chị cũng chuyển sang điều hành từ xa. Trước đó, khi biết tin mùa mưa năm nay đến sớm, chị Hạnh cảm thấy vui vì nghĩ không khí sẽ dịu mát hơn, thoát khỏi những ngày nóng nực nhưng không ngờ dù mưa liên tục suốt cả tuần qua nhưng nhiệt độ không hạ mà còn có phần nóng bức hơn. Trời nóng kết hợp mưa làm độ ẩm trong không khí tăng cao nên máy lọc không khí và máy điều hoà trong nhà chị Hạnh luôn phải hoạt động hết công suất...
Lý giải cho hiện tượng khí hậu TPHCM oi bức khó chịu dù đã bước vào mùa mưa, chuyên gia khí tượng Lê Thị Xuân Lan cho biết, nguyên nhân chính là do rãnh áp thấp ở phía Bắc nối với áp thấp nóng phía Tây bị áp cao lạnh lục địa nén xuống phía Nam, hệ thống thời tiết này mang không khí nóng, do vậy thậm chí khi trời âm u, không nắng thì thời tiết vẫn oi bức, nhiệt độ cao vào ban ngày, đến chiều tối thì xuất hiện mưa, dông. Bên cạnh đó, hiện nay do gió Tây Nam chưa hoạt động mạnh, mưa chưa đều nên cũng khó làm nhiệt độ giảm.
Theo bà Lê Thị Xuân Lan, việc khí hậu oi bức trong mùa mưa tuy gây khó chịu nhưng trên thực tế, mức nhiệt độ hiện nay về cơ bản không bất thường, so với nhiệt độ tháng 5 trong các năm gần đây không có biến động nhiều nên người dân không nên quá lo lắng. Nếu so với mức nhiệt độ cùng thời điểm cách đây 10 năm thì mức nhiệt hiện nay có cao hơn. Bà Lê Thị Xuân Lan cho rằng, các ngành chức năng nên xem đây là một dấu hiệu từ từ nhưng rõ rệt do tác động của biến đổi khí hậu gây ra, từ đó có hướng ứng phó, giải quyết.
Bà Lê Thị Xuân Lan cũng lưu ý, do thời tiết nóng nực, oi bức dự đoán sẽ tiếp tục kéo dài đến cuối tháng 5 trước khi nhiệt độ giảm mạnh vào đầu hoặc giữa tháng 6, người dân cần lưu ý bảo đảm cung cấp đầy đủ nước cho cơ thể, sử dụng máy lọc không khí nếu có điều kiện để tránh tình trạng kiệt sức vì mất nước hoặc các bệnh về đường hô hấp khác.