Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, trong tháng 2/2011, trên phạm vi cả nước lượng mưa thiếu hụt trầm trọng. Ở miền Bắc tuy nhiều ngày có mưa nhỏ, mưa phùn nhưng tổng lượng mưa tháng phổ biến dưới 20 mm, thấp hơn trung bình nhiều năm từ 30 - 70%.
Ở miền Nam, đặc biệt ở Nam bộ và Tây Nguyên nhiều nơi cả tháng qua không có mưa hoặc có mưa không đáng kể. Mưa ít, nắng nhiều, lượng bốc hơi rất lớn: Từ 70-200 mm/tháng nên đồng ruộng khô cháy, hồ ao, sông suối cạn kiệt.
Qua 2 đợt xả nước từ các hồ thủy điện, đồng bằng trung du Bắc bộ đã đổ ải xong diện tích lúa gieo cấy lúa xuân. Kết thúc đổ ải, mực nước các hồ thủy điện xuống thấp hơn rất nhiều so với bình thường và so với năm ngoái: Chỉ còn cao hơn mực nước chết từ 5 - 8 m.
Dòng chảy trên các sông suối xuống thấp không thể vận hành các trạm bơm lấy nước vào đồng, các phương tiện giao thông đường thủy cũng gặp nhiều khó khăn trong hoạt động vận tải. Nếu trong thời gian tới không có mưa thì sẽ rất khó khăn trong việc đảm bảo nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt của dân cư.
Ở Trung bộ và Tây Nguyên, dòng chảy trên các sông suối thấp hơn cùng kỳ từ 10 - 71%; khô hạn, thiếu nước diễn ra ở nhiều nơi, nhất là khu vực Bắc Tây Nguyên.
Ở Nam bộ, dòng chảy trên sông Cửu Long thấp hơn cùng kỳ từ 0,3 - 0,35m. Xâm nhập mặn xuất hiện sớm và tiến sâu vào vùng cửa sông tới 40-50 km. Cụ thể, độ mặn đo được tại trạm Nhà Bè (sông Nhà Bè) từ ngày 21 đến 28/2 là 14,4 gam/lít (cao hơn cùng kỳ năm 2010 gần 6 gam/lít); tại sông Vàm Cỏ Đông (Long An) 4,6 gam/lít, sông Vàm Cỏ Tây (Long An) 3,1 gam/lít, sông Cửa Tiểu (Bến Tre) 12,4 gam/lít, sông Hàm Luông (Bến Tre) 6,4 gam/lít, sông Cổ Chiên (Trà Vinh) 4,9 gam/lít, sông Hậu (Trà Vinh) 6,8 gam/lít, đã làm chết hàng chục ngàn hécta lúa và hoa màu, cây trái.
Đáng lo ngại hơn là tình hình xâm nhập mặn trên sông Sài Gòn và sông Đồng Nai, nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho hàng triệu người dân TP.HCM, trong khi mực nước hồ Dầu Tiếng gần tới mực nước chết sẽ khó có khả năng đẩy mặn được.
Khô hạn khiến nguy cơ cháy rừng ngày càng gia tăng. Theo Cục Kiểm lâm, do thời gian dài không có mưa, thời tiết khô hanh nên 15 tỉnh là An Giang, Bắc Giang, Bình Phước, Bà Rịa, Đồng Nai, Đắk Nông, Gia Lai, Hà Nam, Kiên Giang, Kon Tum, Lâm Đồng, Nghệ An, Ninh Bình, Thanh Hóa, Tây Ninh hiện đang có nguy cơ xảy ra cháy rừng cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm; 4 tỉnh khác là Đắk Lắk, Lai Châu, Khánh Hòa, Long An đang có nguy cơ cháy ở cấp 4.
Theo nhận định của ngành khí tượng thủy văn, trong tháng 3/2011, lượng mưa trên phạm vi cả nước vẫn thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm. Sang tháng 4/2011, mưa chuyển mùa sẽ bắt đầu ở Tây Nguyên và Nam bộ nhưng lượng mưa vẫn thấp hơn bình thường.
Từ nửa cuối tháng 3 đến cuối tháng 4, Nam bộ và Tây Nguyên bước vào thời kỳ nắng nóng nhất trong mùa khô, nhiệt độ tăng cao khiến tình hình khô hạn ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Cụ thể, trong tháng 3, dòng chảy trên các sông ở Trung bộ và khu vực Tây Nguyên tiếp tục xuống thấp và có khả năng thấp hơn cùng thời kỳ từ 25 - 80%, khô hạn, thiếu nước có chiều hướng gia tăng; tại các tỉnh ven biển Trung bộ xâm nhập mặn tiếp tục lấn sâu vào đất liền.
Ở miền Bắc tuy ít khả năng xảy ra nắng nóng và nhiều ngày có mưa nhưng chủ yếu là mưa phùn với lượng mưa không đáng kể nên tình trạng thiếu nước tiếp tục gia tăng. Nếu như không sử dụng tiết kiệm nước thì nguy cơ thiếu nước dưỡng lúa xuân sẽ xảy ra vào tháng 4, tháng 5.
BMT