Cục Quản lý lao động ngoài nước cập nhật thông tin về các chính sách mới về xuất khẩu lao động tới các doanh nghiệp. |
Nhằm cung cấp các chính sách, quy định mới trong lĩnh vực đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và thông tin về chính sách, nhu cầu thị trường lao động ngoài nước, trong ngày 7-8/5, Cục Quản lý lao động ngoài nước phối hợp với Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức lao động - xã hội (Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội) tổ chức khóa “Bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng” tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Đợt tập huấn lần này nhằm thông tin về chính sách mới lớn nhất từ trước đến nay của Cục Quản lý Lao động ngoài nước cho hơn 1.000 cán bộ của 280 doanh nghiệp tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Các chuyên gia về lĩnh vực đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài cung cấp thông tin hệ thống theo các chuyên đề như: Luật và các văn bản hướng dẫn hoạt động đưa người lao động việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Quy trình và thủ tục đối với các doanh nghiệp trong quá trình đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài; thông tin về các thị trường; quy trình thanh kiểm tra và khiếu, giải quyết tranh chấp; các quy định về tài chính trong lĩnh vực đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài; công tác thông tin truyền thông trong lĩnh vực này; và bộ quy tắc ứng xử (COC) đối với các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Nguyễn Gia Liêm, năm 2018, ngành LĐTBXH đặt mục tiêu đưa 110.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài (lao động nữ chiếm 40%), giữ vững được một số thị trường truyền thống như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc). Năm 2017, hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch đề ra, cả nước đã đưa được 134.751 lao động đi làm việc (vượt 28,3% kế hoạch). Một số thị trường xuất khẩu lao động chính tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng lao động Việt Nam cao như thị trường: Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản. Các thị trường khác vẫn có nhu cầu tiếp nhận ổn định, riêng thị trường Nhật Bản nhu cầu tiếp nhận lao động Việt Nam ngày càng tăng, đa dạng về ngành nghề.
Bà Trần Thị Vân Hà (Cục Quản lý lao động ngoài nước) cho biết: Điểm đáng chú ý là hầu hết các doanh nghiệp không có bộ phận chuyên trách thông tin, tư vấn và quảng cáo... là yếu tố cần thiết nhưng chưa đc dn quan tâm phát triển. Đó là một trong những nguyên nhân khiến thông tin chưa hiệu quả. Các hình thức truyền thông, thông tin xuất khẩu lao động trực tiếp tới người lao động hạn chế, hầu như sử dụng facebook nên độ tin cậy kém. Bên cạnh đó, việc thông tin tạo nguồn xuất khẩu lao động phụ thuộc nhiều vào cộng tác viên nên thông tin ban đầu về thị trường thường không chính xác. Vì vậy, khi xảy ra các “sự cố” tại nước ngoài, thì người lao động bất hợp tác với doanh nghiệp.