Khắc phục tình trạng trên, nhiều trường học tại TP Hồ Chí Minh đã có những giải pháp khơi gợi niềm đam mê, hình thành thói quen đọc sách trong học sinh, góp phần thúc đẩy phát triển văn hóa đọc trong xã hội.
Thư viện – trái tim của trường học
Với vai trò là trái tim của trường học, hiện nay thư viện học đang được các trường chú trọng đầu tư và đổi mới hoạt động nhằm tạo sức hấp dẫn với học sinh. Từ năm học 2017-2018, Trường Trung học cơ sở Nguyễn Hiền (Quận 7) đã xây dựng kế hoạch phát triển thư viện thành “Trái tim của nhà trường”. Theo đó, trường tập trung đầu tư trang thiết bị, trang bị các đầu sách mới, đa dạng hóa hoạt động giới thiệu sách nhằm thu hút học sinh. Đặc biệt, Tổ Ngữ văn của trường đã tổ chức các tiết đọc sách cho học sinh các khối lớp tại thư viện với 1 tiết trong tháng. Đây là một hoạt động trải nghiệm mới mẻ, đưa tiết học ra ngoài không gian lớp học, đa dạng hóa hoạt động học tập, phong phú kiến thức tiếp nhận ngoài sách giáo khoa.
Cô Trần Thụy Ngọc Trân, giáo viên môn Ngữ văn Trường Trung học cơ sở Nguyễn Hiền (Quận 7) cho biết, học sinh vô cùng thích thú với tiết đọc sách và cảm nhận về sách. Qua khảo sát và kết quả các bài kiểm tra, học sinh đã có vốn từ phong phú hơn, diễn đạt trôi chảy, mạch lạc hơn trong văn viết, bước đầu tự tin trong kỹ năng nói. Qua sách, những câu chuyện trong cuộc sống mang đến vốn sống, sự cảm nhận phong phú cho các em học sinh. Đây là chất liệu quý để học sinh thực hành các dạng bài nghị luận xã hội với các dẫn chứng được trích dẫn từ sách.
Nhiều năm kinh nghiệm trong hoạt động thư viện, cô Nguyễn Thị Ánh Tuyết, cán bộ Thư viện Trường Tiểu học Trần Văn Ơn (Quận 11) cho rằng, việc bổ sung những loại sách phù hợp với lứa tuổi, sở thích của học sinh là điều rất cần chú trọng. Ban đầu, các em cần được đọc những quyển sách mà mình yêu thích một cách tự nhiên nhất. Sau đó, từng bước giúp các em đọc những quyển sách bổ ích khác.
Không chỉ thường xuyên bổ sung các đầu sách hay, phù hợp, hoạt động giới thiệu sách mới cũng cần được thực hiện một cách sinh động mới có thể tạo ấn tượng với học sinh, lôi cuốn học sinh đến thư viện tìm đọc. Cùng với hoạt động đọc sách thường xuyên, thư viện nhà trường cũng tổ chức đọc sách theo chuyên đề. Một số chuyên đề đã được thực hiện có thể kể đến như “Cùng em tìm hiểu Trường Sa” vừa giúp các em hiểu về biển đảo thân yêu, vừa giới thiệu đến các em những quyển sách hay về Trường Sa; chuyên đề “Một góc nhìn” giúp các em hiểu và cảm thông với những hoàn cảnh kém may mắn hơn mình...
Ngoài việc cung cấp tài liệu nhằm đáp ứng yêu cầu của giáo viên, học sinh trong giảng dạy và học tập, với những hoạt động hấp dẫn, thú vị, thư viện trường học còn là nơi khơi nguồn cảm hứng giúp học sinh đam mê đọc sách. Vì vậy, cùng với việc chú trọng đầu tư nhiều hơn cho thư viện, nhiều trường đề xuất nên có tiết học thư viện chính thức (không phải là giờ ra chơi) để các em có một khoảng thời gian cố định tập thói quen đọc sách, được hướng dẫn đọc những nội dung có ích, cách đọc sách như thế nào cho hiệu quả.
Nên đưa tiết đọc sách vào chương trình chính khóa
Cô Hoàng Thị Diễm Trang, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Đinh Thiện Lý (Quận 7) cho rằng, duy trì và phát triển văn hóa đọc của một xã hội cần được bắt nguồn từ lứa tuổi nhỏ nhất và là nhiệm vụ của cả gia đình lẫn nhà trường, xã hội. Tại trường học, học sinh cần được rèn luyện hai điều quan trọng là thói quen đọc sách và kỹ năng đọc hiểu. Vì vậy, góp phần hình thành thói quen đọc sách cho học sinh, nhà trường đã tổ chức tiết đọc đầu ngày từ thứ 3 đến thứ 6 hàng tuần. Mặt khác, để rèn luyện kỹ năng đọc cho học sinh, nhà trường dành 1 tiết học trong tuần để giảng dạy môn đọc và diễn đạt nhằm tập trung rèn luyện kỹ năng đọc hiểu, hỗ trợ phát triển các kỹ năng nghe, nói, viết. Đây là một môn học chính thức, có đánh giá, ghi nhận kết quả rèn luyện của học sinh.
Cô Hoàng Thị Diễm Trang cũng bày tỏ mong muốn cùng với việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có những hướng dẫn cụ thể trong việc xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra, đánh giá, tiêu chí đánh giá các trường… sao cho việc đọc sách, phát triển kỹ năng đọc hiểu sẽ trở thành hoạt động không thể thiếu trong nhà trường.
Là một giáo viên, cô Đỗ Thị Hoàng Mai, Trường Tiểu học Trần Văn Ơn (Quận 11) luôn đau đáu một điều tại sao học sinh ngày nay ít thích đọc sách hơn thế hệ trước? Một trong những nguyên nhân được cô Mai đề cập đến là do thời gian cho việc đọc ở trường còn quá ít. Đơn cử, ở chương trình lớp 3 cô đang giảng dạy, chỉ có 3 tiết tập đọc, kể chuyện trong tuần là quá ít ỏi, thời gian ấy chỉ đủ cung cấp vốn từ cần thiết trong làm văn, viết câu. Vì vậy, trong trường học mỗi tuần nên có một tiết đọc sách, ở đó giáo viên sẽ là người hỗ trợ, khơi gợi, kích thích niềm đam mê đọc sách cho các em học sinh. Tuy nhiên, để hình thành thói quen đọc sách cho học sinh cũng không thể thiếu vai trò của gia đình trong việc hỗ trợ, hình thành thói quen đọc cho con em mình từ nhỏ.
Theo ông Trần Tiến Thành, chuyên viên Phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo Dục Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, chương trình học chính thức của các khối lớp hiện nay chưa có tiết hay giờ đọc sách. Trong khi đó, nội dung kiểm tra đánh giá các môn học, đặc biệt là các môn học thuộc lĩnh vực khoa học xã hội chưa gắn với hoạt động tự học, tự tìm tòi từ sách của học sinh. Mặt khác, các loại hình giải trí nghe, nhìn phát triển hấp dẫn và phong phú hơn khiến học sinh không tìm đến thư viện để đọc sách.
Thực tế tiện nay có một số trường vận dụng tiết tự học, hay dành thời gian đầu giờ mỗi ngày làm tiết đọc sách nhưng tùy thuộc vào sự năng động của mỗi trường mà chưa có sự đồng bộ hay kiểm tra đánh giá. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, muốn tạo thói quen đọc sách cho các em một cách đồng bộ và cơ bản, tiết đọc sách cần được đưa vào nhà trường như một tiết học chính khóa.