Xu hướng chung
Theo ông Phạm Quang Hưởng, Phó Chủ tịch Công đoàn Thông tin và Truyền thông Việt Nam, ngày 27/9/2019, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, trong đó xác định nội dung cốt lõi của chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của nước ta là "thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên tất cả các ngành, lĩnh vực và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, trọng tâm là phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số".
Đặc biệt, trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, những khái niệm như chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số đã được nhấn mạnh nhiều lần trong mục tiêu, quan điểm phát triển và đột phá chiến lược. Về định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu rõ "đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo". Đây là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với quy luật phát triển cũng như các nguồn lực và thế mạnh của Việt Nam. Phát triển kinh tế số, xã hội số sẽ là con đường tạo ra những bứt phá quan trọng để Việt Nam đạt mục tiêu đến năm 2030 trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về chuyển đổi số quốc gia, Chính phủ đã tích cực xây dựng hành lang pháp lý, ban hành nhiều chính sách đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia. Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó xác định: “Đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp; Chương trình chuyển đổi số Quốc gia nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu; nền kinh tế số đến năm 2030 chiếm 30% GDP”.
Theo ông Phạm Quang Hưởng, để thực hiện thành công Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đòi hỏi các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương phải quyết tâm thực hiện để tạo bước đột phá. Công đoàn Việt Nam không thể nằm ngoài xu thế đó, phải từng bước thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động của tổ chức Công đoàn góp phần phát triển Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, đồng thời nâng cao vị thế của tổ chức Công đoàn trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.
Quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhiệm kỳ qua, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Công đoàn các cấp đã nhận thức rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với sự thịnh vượng của một quốc gia. Tổ chức Công đoàn các cấp đã cùng các bộ, ban, ngành, đoàn thể, địa phương lan tỏa nhận thức và tinh thần này đến các đoàn viên và toàn xã hội. Việt Nam muốn trở thành nước phát triển, có thu nhập cao thì bắt buộc phải chuyển đổi số. Chuyển đổi số là phát triển bền vững vì tiêu tốn ít tài nguyên, lại sinh ra tài nguyên mới là dữ liệu. Chuyển đổi số làm tăng sức chống chịu của nền kinh tế vì môi trường số thì không khoảng cách, không tiếp xúc. Chuyển đổi số là phát triển bao trùm vì bất kỳ ai, ở bất kỳ đâu, nếu có sóng di động và điện thoại thông minh thì đều có thể tiếp cận được mọi dịch vụ số, không ai bị bỏ lại phía sau.
Chính vì vậy, việc xây dựng “Đề án chuyển đổi số của Tổng Liên đoàn giai đoạn 2022- 2025, tầm nhìn đến năm 2030” và xác định việc ban hành “Chương trình chuyển đổi số toàn diện trong hoạt động công đoàn” là chuyên đề để triển khai các khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ 2023-2028 trong Văn kiện Đại hội đã thể hiện quyết tâm của các cấp Công đoàn cũng như của hơn 11 triệu đoàn viên đối với Chương trình chuyển đổi số Quốc gia. Đây được xem là một trong những giải pháp mới, tối ưu; không những chăm lo mà còn phục vụ tốt hơn và đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của đoàn viên, người lao động.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động Công đoàn thời gian qua ở các cấp còn một số tồn tại, hạn chế như: Nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyển đổi số trong một số cán bộ Công đoàn các cấp còn hạn chế dẫn đến thiếu quyết tâm, quyết liệt trong triển khai thực hiện. Chưa xây dựng được đội ngũ cán bộ có trình độ, am hiểu về công nghệ thông tin trong các tổ chức Công đoàn để làm hạt nhân triển khai thực hiện chuyển đổi số. Công tác tuyên tryền, tổ chức tập huấn, đào tạo về chuyển đổi số cho cán bộ làm công tác Công đoàn chưa được thường xuyên, liên tục.
Công đoàn chưa xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung đủ lớn để phục vụ công tác chuyển đổi số. Hệ thống tổng hợp số liệu cơ bản vẫn làm thủ công, khó kiểm soát. Việc xây dựng và sử dụng phần mềm quản lý đoàn viên, phần mềm kế toán… vẫn còn chưa đồng bộ, thống nhất trong tất cả các cấp Công đoàn. Chưa sử dụng các công cụ như App Công đoàn, sử dụng trí tuệ nhân tạo AI, trợ lý ảo, phần mềm đào tạo trực tuyến… để hỗ trợ các hoạt động Công đoàn.
Việc triển khai hệ thống văn bản điện tử mới chỉ đang triển khai ở cấp Tổng Liên đoàn đến các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, chưa triển khai được đến các tổ chức Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và Công đoàn cơ sở. Nhiều tổ chức Công đoàn vẫn còn điều hành thủ công, sử dụng văn bản giấy.
Hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin chưa đáp ứng được yêu cầu cho việc chuyển đổi số. Việc triển khai họp trực tuyến mới chỉ triển khai được đến Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, chưa triển khai được đến các tổ chức Công đoàn cấp dưới. Chất lượng đường truyền trực tuyến chưa ổn định, hình ảnh không sắc nét, âm thanh đôi khi bị ngắt quãng.
Hệ thống thông tin của nhiều tổ chức Công đoàn chưa được kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin định kỳ. Nguy cơ mất an toàn thông tin, đảm bảo tính toàn vẹn và bảo mật dữ liệu là mối đe dọa lớn, hiện hữu và ngày càng gia tăng.
Cần giải pháp tổng thể
Để thực hiện thành công "Đề án chuyển đổi số của Tổng Liên đoàn giai đoạn 2022- 2025, tầm nhìn đến năm 2030", ông Phạm Quang Hưởng cho rằng: Về mặt nhận thức và quyết tâm chính trị, chuyển đổi số thì 70% là quyết tâm chính trị, là sự vào cuộc và triển khai quyết liệt của lãnh đạo Công đoàn các cấp. Công nghệ chỉ chiếm 30%. Chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức, nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số. Công nghệ chỉ là kỹ thuật, công cụ phục vụ quá trình chuyển đổi số. Do vậy, trong quá trình chuyển đổi số tổ chức Công đoàn thì việc tuyên truyền, quán triệt để có nhận thức đúng đắn về chuyển đổi số phải được quan tâm hàng đầu. Theo đó cần thực hiện chuyển đổi nhận thức về sứ mệnh, sự cần thiết, tính cấp bách của chuyển đổi số trong hoạt động của tổ chức Công đoàn, lan truyền từ lãnh đạo cấp trên đến lãnh đạo cấp dưới, từ lãnh đạo đến đoàn viên, từ những cá nhân nòng cốt đến cộng đồng, từ những mô hình thành công, điển hình đến những cá nhân, đơn vị còn chần chừ, ngại thay đổi.
Về tổ chức triển khai thực hiện, nhiều người lo lắng và thực tế có nhiều cơ quan, đơn vị rất lúng túng khi đã nhận thức rõ chuyển đổi số là quan trọng, là cần thiết, là cấp bách, nhưng làm thế nào? Câu trả lời là: Khi đã có nhận thức rõ ràng và quyết tâm chính trị về chuyển đổi số thì bước tiếp theo là chúng ta chọn một số doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam làm đối tác. Công việc của chúng ta chỉ là đưa ra những yêu cầu, đặt ra những bài toán, hay cụ thể là nói rõ mình cần gì, muốn gì để doanh nghiệp công nghệ số thực hiện, đưa ra lời giải. Như vậy, chúng ta đã biến một việc rất khó, rất phức tạp trở thành việc dễ, việc đơn giản.
Việt Nam là một trong những quốc gia có đội ngũ doanh nghiệp công nghệ số mạnh và có trình độ cao. Đội ngũ doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam hiện nay đủ sức giải quyết các bài toán chuyển đổi số của Công đoàn trong một thời gian ngắn cũng như việc đảm bảo hạ tầng số, đảm bảo an toàn thông tin.
Công đoàn Việt Nam là một tổ chức rộng lớn, với trên 123.000 công đoàn cơ sở và hơn 11 triệu đoàn viên. Nếu không dùng công nghệ thì rất khó quản lý và phát triển. Chúng ta nên bắt đầu chuyển đổi số bằng việc phát triển một nền tảng dùng chung cho tất cả các cấp Công đoàn. Hiện nay, các Công đoàn Ngành, Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố đang sử dụng nhiều phần mềm khác nhau, không đồng bộ nên khó tích hợp đối trong quản lý và cũng khó cho người khai thác. Nếu có một nền tảng số dùng chung thì tất cả các tổ chức Công đoàn từ trung ương đến cơ sở sẽ dùng chung, không phải đầu tư riêng lẻ. Do có dữ liệu tập trung nên không cần cấp dưới phải làm nhiều báo cáo cấp trên nữa. Và vì cùng làm việc trên một nền tảng nên Tổng Liên đoàn cũng nhìn thấy, giám sát online được hoạt động của tất cả hơn 123.000 Công đoàn cơ sở. Đồng thời đây cũng là công cụ để Công đoàn các cấp lắng nghe, tiếp thu, giải quyết những ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên Công đoàn.
Tiếp đó là sử dụng dữ liệu lớn, dữ liệu tập trung. Với hơn 11 triệu đoàn viên thì phải xây dựng Cơ sở dữ liệu đoàn viên Công đoàn một cách tập trung và xuyên suốt, có sự phân cấp, phân quyền rõ ràng đối với từng cấp Công đoàn. Việc xây dựng Cơ sở dữ liệu đoàn viên Công đoàn có thuận lợi rất lớn là dùng lại được nhiều trường thông tin của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và bảo hiểm. Việc tiếp theo cần làm là cấp thẻ đoàn viên. Để làm nhanh và rẻ thì nên làm thẻ số trên điện thoại di động.
Có được dữ liệu lớn, dữ liệu tập trung là cơ sở để chúng ta dùng công nghệ để phân tích hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng cũng như xu hướng của số đông đoàn viên hay từng nhóm đối tượng cụ thể. Hiện nay, khả năng nhìn, hiểu và tương tác với thế giới xung quanh của máy tính đang phát triển rất nhanh. Và khi lượng dữ liệu lớn mà chúng ta tạo ra tiếp tục phát triển theo cấp số nhân thì khả năng xử lý và phân tích của máy tính cũng sẽ tăng lên tương ứng, đưa ra các dự đoán từ dữ liệu hoặc khám phá ra các thông tin có giá trị.
“Chúng ta chỉ có khoảng 7.000 cán bộ Công đoàn chuyên trách. Như vậy, bình quân mỗi cán bộ phụ trách hơn 1.500 đoàn viên thì rất thiếu lực lượng tư vấn và trợ giúp pháp lý cho các đoàn viên, người lao động. Giải pháp cho bài toán này là sử dụng trợ lý ảo” ông ông Phạm Quang Hưởng đề xuất.
Do đó, Tổng Liên đoàn cần xây dựng một trợ lý ảo. Trợ lý ảo có thể hoạt động liên tục không kể ngày đêm, nhiều người có thể hỏi cùng lúc, bằng ngôn ngữ nói tự nhiên và thông qua điện thoại thông minh. Toàn bộ tri thức hỗ trợ pháp lý của Công đoàn sẽ được đưa vào trợ lý ảo này. Dựa trên các tình huống mà các đoàn viên hỏi, trợ lý ảo sẽ tiếp tục học hỏi và ngày càng thông minh hơn. Với hiện trạng đội ngũ tư vấn viên pháp lý của Công đoàn vừa ít, vừa không đồng đều về trình độ, nếu sử dụng trợ lý ảo thì chỉ cần và chỉ còn một với trình độ xuất sắc nhất, cùng lúc đáp ứng yêu cầu của hàng ngàn người. Và như vậy, với sự trợ giúp của trợ lý ảo, mỗi tư vấn viên pháp lý của Công đoàn có thể hỗ trợ nhiều đoàn viên Công đoàn hơn và chỉ tập trung vào những công việc cuối cùng mà trợ lý ảo không làm được. Đó là phương cách hỗ trợ hiệu quả cho các đoàn viên, người lao động khi có vấn đề tranh chấp cần trợ giúp pháp lý.
Theo ông Phạm Quang Hưởng, công đoàn nên xây dựng nền tảng đào tạo trực tuyến. Việc xây dựng một nền tảng đào tạo trực tuyến, biến nền tảng này thành một mạng xã hội học tập, một mạng xã hội để đoàn viên, người lao động giao lưu, trao đổi, học hỏi nhau, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng; biến nền tảng này thành một sàn thương mại điện tử để đoàn viên, người lao động có thể mua được hàng hóa có xuất xứ, có chất lượng, giá cả phù hợp và lại bán được cả sản phẩm làm thêm của mình… là những gợi mở, những bài toán đặt ra đối với chuyển đổi số của Công đoàn Việt Nam.