Sau vụ tai nạn lao động tại Công ty cổ phần xi măng và khoáng sản Yên Bái làm 7 công nhân tử vong và 3 người bị thương, ông có thể cho biết tình trạng vi phạm về an toàn lao động đang diễn ra như thế nào trong ngành sản xuất vật liệu?
Đây là vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, lặp lại những nguyên nhân của hàng chục năm trước đây của ngành sản xuất xi măng cũng như ngành sản xuất vật liệu xây dựng.
Không ngờ những vụ tai nạn như vậy vẫn còn xuất hiện trong bối cảnh ngành xi măng đã chuyển đổi công nghệ từ lò đứng sang lò ngang. Thời điểm đó, ngành này xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động, khiến nhiều lao động thương vong trong những năm 1990. Sau này, những công nghệ tiến bộ, đặc biệt là những quy trình, quy định pháp luật về an toàn đưa ra những yêu cầu với những doanh nghiệp sản xuất ngành này, khi tuân thủ đầy đủ có thể tránh được những tai nạn xảy ra
Theo dõi các hình ảnh, clip cũng như báo cáo về vụ việc, trong sự cố này, có nhiều điều không được thực thi khi một hệ thống công nghệ, thiết bị được bảo trì, bảo dưỡng tại một nhà máy có quy mô vừa. Theo đó, khi một hệ thống công nghệ vận hành phải tuân thủ rất nhiều quy định pháp luật, trước tiên là Luật An toàn vệ sinh lao động, sau đó là quy chuẩn số 05/2012 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) về khai thác và chế biến đá. Tiếp đó là quy chuẩn quốc gia số 06/2020 của Bộ LĐTBXH về an toàn vệ sinh lao động trong không gian hạn chế; các quy chuẩn, tiêu chuẩn về an toàn. Trong vụ việc này, có thể thấy hầu như các quy định trên không được thực thi.
Một công việc trong "không gian hạn chế" bắt buộc phải tập huấn, huấn luyện cho người lao động các phương án, kỹ năng, quy trình thành thạo. Bên cạnh đó, buộc phải có phương án khẩn cấp, có giám sát an toàn đứng bên cạnh, khi xảy ra bất kỳ sự cố nào đều phải khắc phục, kiểm soát được ngay.
Một hệ thống công nghệ được bảo dưỡng với chục người đang làm việc, nhưng lại đột ngột hoạt động, câu chuyện đột ngột do đâu sẽ được cơ quan điều tra xác minh làm rõ. Song, bất kỳ một hệ thống công nghệ nào trong quá trình sửa chữa bảo dưỡng có con người hay không có con người thì đều khó tự động hoạt động được, hoặc để hoạt động lại phải có một quy trình rất nghiêm ngặt. Trong vụ việc này cũng cần điều tra làm rõ đơn vị này có thực hiện các quy trình đó hay không để dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như vậy.
Theo quy định, những lao động làm công việc yêu cầu như ngành này phải được huấn luyện rất kỹ trước khi bắt đầu công việc và huấn luyện định kỳ. Trong đó, trước khi tiến hành công việc đều được tập dượt, các quy định này đã có trong Luật An toàn vệ sinh lao động và các quy chuẩn.
Các quy trình đóng điện, khởi động lại hệ thống đều đã được quy định rõ, khi thực hiện cũng cần có biển báo, những ai có trách nhiệm mới được làm, những ai được cầm chìa khóa phòng điều khiển, ai được cầm chìa khóa để bật các công tắc điều khiển, tất cả đều có trong luật. Trong sự cố tại nhà máy xi măng Yên Bái, các đoàn điều tra cần đánh giá lại toàn bộ quy trình thực hiện việc bảo trì, bảo dưỡng theo đúng quy định.
Thời gian gần đây liên tục xảy ra các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Từ những vụ việc này, trách nhiệm của các đơn vị để xảy ra tai nạn ra sao, thưa ông?
Với một sự cố nghiêm trọng khiến 7 người chết, 3 người bị thương nặng, dù thế nào trách nhiệm của doanh nghiệp, các cấp quản lý không nhỏ.
Hậu quả xảy ra đã thấy rõ và qua đó cũng cần nhìn nhận rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý. Thực tế một doanh nghiệp hoạt động rất lâu năm, trong quá trình kiểm tra, thanh tra, các cơ quan chính quyền đến đánh giá, giám sát cũng đã phải kiểm soát về mặt hiệu quả hoạt động, an toàn vệ sinh lao động. Để xảy ra sự cố này, cần rút ra các bài học nhằm phòng ngừa không xảy ra những việc tương tự.
Vụ tai nạn lao động tại Nhà máy xi măng Yên Bái hay sự việc xảy ra ở Công ty Than Thống Nhất, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) khiến 4 người chết, đặc biệt là vụ việc 6 người chết vì bệnh nghề nghiệp bụi phổi silic tại Nghệ An xảy ra thời gian qua… cho thấy, dù hệ thống pháp luật đã tương đối đầy đủ, tuy nhiên ở đâu đó công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động vẫn chưa có sự chuyển biến tích cực.
Một số doanh nghiệp khả năng tài chính hạn chế, không đủ phương tiện, hệ thống công nghệ chất lượng để đảm bảo an toàn, bảo vệ môi trường lao động, khắc phục được những yếu tố hiểm họa cho người lao động. Sau khoảng 10 - 20 năm, các hệ thống công nghệ sử dụng bắt đầu xuất hiện những rủi ro thường trực. Tuy nhiên, công tác quản lý vẫn đang theo tư duy cũ, nhiều doanh nghiệp đang làm cho hết trách nhiệm, làm cho có, làm cho xong, chưa nghĩ đến hiệu quả thực sự cho doanh nghiệp, đảm bảo an toàn, hiệu quả cho người lao động.
Xin cám ơn ông!