Ghi nhận của phóng viên TTXVN, dọc bờ sông Hiếu xuất hiện nhiều đoạn sạt lở, hàm ếch ăn sâu vào sân sau của nhà dân. Vùng sạt lở có chiều dài khoảng 800 m, lở sâu vào đất liền 10 m, đặc biệt, có nơi sạt lở chỉ cách Quốc lộ 48 khoảng 30 m. Dọc sông Hiếu qua bản Minh Tiến có gần 50 hộ dân sinh sống thì có 22 hộ bị ảnh hưởng trực tiếp của sạt lở.
Nhiều bụi tre trước kia trồng gần bờ nay đã nằm hẳn ra dòng sông. Dòng chảy của nước lũ khu vực này xoáy vào hai bên bờ mỗi khi nước dâng lên cao. Sau bão số 3 vừa rồi kết hợp với thủy điện Châu Thắng xả lũ, một số nhà dân đã bị sập. Các hộ dân phải thức trắng đêm để đối phó, di chuyển đồ đạc và lo sợ nhà có thể đổ sập bất cứ lức nào, nguy hiểm đến tính mạng.
Thiệt hại nặng nhất là gia đình bà Nguyễn Thị Lục. Vào đêm 27/7, nước lũ dâng cao khiến phần sau của nhà bà Lục đổ sập. Diện tích sạt lở lên đến 180 m2, vết nứt dài cách móng nhà 0,5 mét, hàm ếch khoét sâu vào móng nhà. Còn nhà ông Phan Văn Nhâm gần nhà bà Lục sạt lở vào đến móng nhà.
Ông Lương Trung Thay - Phó Chủ tịch UBND xã Châu Tiến cho biết, ngay trong đêm 27/7 sau khi xảy ra sạt lở nghiêm trọng tại một số hộ ở bản Minh Tiến, UBND xã đã chỉ đạo các lực lượng xuống giúp dân vận chuyển đồ đạc và di dời các hộ dân có nguy cơ sập nhà cao, đồng thời lập biên bản kiểm tra, xác minh sự việc, báo cáo lên lãnh đạo huyện Quỳ Châu. UBND xã đề nghị ngành chức năng nhanh chóng đánh giá nguyên nhân sạt lở, để có biện pháp khắc phục, bảo đảm cuộc sống của người dân.
Theo một số hộ dân ở đây, nguyên nhân chính gây sạt lở là do từ khi vận hành nhà máy thủy điện Châu Thắng vào tháng 5/2017. Nhà máy thủy điện này có công suất thiết kế 14MW, chỉ cách bản Minh Tiến 300 m đường chim bay. Đợt xả lũ gần đây nhất là từ ngày 19/7 đến đêm 27/7, hiện tượng sạt lở xuất hiện. Bà Nguyễn Thị Lục cho biết: Chúng tôi ở đây hàng chục năm dù có bị lụt thì nước cũng rút rất nhanh và không xảy ra sạt lở. Nhưng bây giờ mỗi lần thủy điện xả lũ là xảy ra sạt lở. Tình trạng này đã kéo dài nhiều tháng nay. Ông Trần Huy Lạc, Trưởng bản Minh Tiến thông tin thêm, đa phần các hộ dân ở đây định cư đã hơn 40 năm. Từ khi nhà máy thủy điện Châu Thắng đi vào hoạt động, mỗi lần xả lũ là dọc sông Hiếu bị sạt lở, đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Hồ Ngọc Thiết, Giám đốc thủy điện Châu Thắng cho rằng, chưa thể kết luận sạt lở là do thủy điện Châu Thắng xả lũ. Các nhà khoa học cần kiểm tra và giám định. Nếu có kết luận sạt lở là do thủy điện xả lũ, chúng tôi sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm. Đại diện nhà máy đã cùng các đoàn liên ngành kiểm đếm thiệt hại để hỗ trợ cho những hộ dân bị ảnh hưởng, riêng nhà bà Nguyễn Thị Lục bị thiệt hại nặng nhất, công ty đã hỗ trợ 100 triệu đồng theo yêu cầu của gia đình.
Trước đó, theo kết luận tại công văn số 1409SCT-QLĐN của Sở Công Thương Nghệ An gửi UBND tỉnh ngày 7/8/2017 đã đề ra một số giải pháp khắc phục sạt lở tại bản Minh Tiến như: Nạo vét nắn dòng, làm chệch dòng chảy về phía bờ hữu bên xã Châu Thắng; hỗ trợ kinh phí xây dựng bờ kè chống sạt lở ở bờ tả sông Hiếu đoạn chảy qua bản Minh Tiến với chiều dài khoảng 600-700 m; thủy điện điều tiết xả lũ trước khi có mưa bão, nước lũ đổ về.