Cứu chữa người bệnh, khôi phục y tế sau lũ
Lào Cai là tỉnh thiệt hại lớn cả về người và cơ sở hạ tầng sau cơn bão số 3. Cả hệ thống chính trị, trong đó có ngành Y tế đang căng mình chống chọi thiên tai, cứu chữa người bệnh và tập trung xử lý môi trường tại các địa phương bị ngập nặng sau lũ.
Tính đến 14 giờ ngày 12/9, ngành Y tế Lào Cai đã ghi nhận 2 trường hợp cán bộ y tế thương vong do thiên tai. Vào khoảng 17 giờ 30 phút ngày 9/9, trên đường đi làm về từ Trạm Y tế xã Tả Củ Tỷ, huyện Bắc Hà, ông Thào Seo Pao (sinh năm 1982, Phó Trưởng Trạm Y tế xã Tả Củ Tỷ, trú tại thôn Bản Già, xã Tả Củ Tỷ) bị nước cuốn trôi. Các lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể ông và bàn giao cho gia đình lo hậu sự. Cùng với ông Pao, ông Đỗ Văn Triển (sinh năm 1976, viên chức Trạm Y tế xã Tả Củ Tỷ) cũng bị thương.
Bên cạnh những mất mát về người, thiệt hại về cơ sở vật chất tại các cơ sở y tế cũng khá nặng nề. Theo thống kê, có 13 trạm y tế tại Lào Cai bị ảnh hưởng sau bão số 3; 3 bệnh viện bị ảnh hưởng, gặp nhiều khó khăn trong khám, chữa bệnh cho người dân. Trong đó, vào đêm 9/9, tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên, nước lũ ngập vào sàn tầng 1 bệnh viện cao khoảng 1 mét. Bệnh viện đã phải tổ chức sơ tán người bệnh, di chuyển trang thiết bị; bảo vệ các thiết bị y tế có giá trị. Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Thắng bị ngập xung quanh bệnh viện. Phòng khám Đa khoa khu vực Nghĩa Đô và Bảo Hà, huyện Bảo Yên cũng bị ảnh hưởng do mất điện. Hiện tại, các đơn vị y tế đã khắc phục và tổ chức hoạt động khám, chữa bệnh bình thường tại các bệnh viện.
Công tác cứu chữa bệnh nhân do thiên tai cũng được triển khai tích cực. Tính đến 12 giờ ngày 12/9, các cơ sở y tế của Lào Cai đã tiếp nhận 128 người bị thương nhập viện, chủ yếu đến từ huyện Bắc Hà với 40 bệnh nhân. Trước tình hình diễn biến phức tạp của thiên tai, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các bộ phận chuyên môn bao gồm Cấp cứu, Hồi sức tích cực, các chuyên khoa Ngoại chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị cấp cứu, hồi sức, phẫu thuật, cơ số thuốc và bố trí nhân lực đón người bệnh trên đường, hỗ trợ hồi sức để vận chuyển và điều trị người bệnh tại bệnh viện. Bên cạnh đó, bệnh viện đảm bảo đường truyền telemedicine được kết nối thông suốt với các bệnh viện tuyến Trung ương để kịp thời hội chẩn tư vấn, hỗ trợ xử lý qua hệ thống khám chữa bệnh từ xa.
Ngày 12/9, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường đã yêu cầu Sở Y tế tổ chức giám sát, phát hiện kịp thời và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra trong và sau cơn bão số 3, vùng bị mưa lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất như: tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nấm kẽ chân, cúm, sốt xuất huyết, nhất là cần đề phòng các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn....
Để bảo đảm thuốc, hóa chất, trang thiết bị và cơ sở vật chất phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm tại các địa phương trong vùng bị mưa lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất, ngành Y tế Lào Cai đã đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ thêm 2.700 kg hóa chất phun khử khuẩn môi trường Cloramin B; 1.000.000 viên khử khuẩn nước ăn uống sinh hoạt (Aquatab 67mg); 40 cơ số thuốc phòng, chống bão lũ...
Tính đến ngày 12/9, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có khoảng hơn 15.800 hộ bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, Lào Cai đã triển khai phun khử trùng tại các trường học, chợ, các hộ dân và các khu vực bị ngập lụt. Hiện, các đơn vị đang tích cực triển khai công tác vệ sinh môi trường đảm bảo không phát sinh các dịch bệnh sau bão lũ.
* Bắc Giang: Làm tốt xử lý rác thải Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ô Pích, thời gian tới, tỉnh tập trung thực hiện tốt công tác thu gom, xử lý rác thải ra môi trường trên địa bàn.
Để đảm bảo môi trường xanh - sạch - đẹp, Bắc Giang sẽ duy trì thường xuyên hoạt động ra quân vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý rác thải; Xây dựng thói quen cho người dân; Kêu gọi sự vào cuộc tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội và hưởng ứng của nhân dân...
Các huyện, thị xã, thành phố bố trí kinh phí đảm bảo chi trả cho các đơn vị vệ sinh môi trường chuyên trách hoạt động hiệu quả; Đầu tư, mua sắm xe vận chuyển rác chuyên dụng đảm bảo đến hết năm 2025 hoàn thành bố trí cho 100% các đơn vị thu gom rác thải quy mô liên xã; Xây dựng tuyến thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn phù hợp tình hình thực tế của địa phương, tối ưu về cự ly vận chuyển và tình hình giao thông tại khu vực.
Các địa phương ở tỉnh đẩy mạnh hoạt động thu tiền dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải; Mở rộng phạm vi cung ứng dịch vụ, nâng mức thu và tỷ lệ thu giá dịch vụ, đảm bảo đáp ứng nguồn kinh phí chi trả cho các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải hoạt động hiệu quả.
Thời gian tới, Bắc Giang cũng sẽ tập trung cải tạo, nâng cấp, duy trì hoạt động các khu xử lý hiện có nhằm đảm bảo việc xử lý rác phát sinh của các địa phương; Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, sớm đưa các Nhà máy xử lý rác tập trung đi vào hoạt động. Theo đó, các mục tiêu đặt ra là: Thị xã Việt Yên hoàn thành cải tạo, nâng cấp bãi xử lý rác thải tập trung của thị xã; Thành phố Bắc Giang hoàn thành cải tạo, nâng cấp bãi xử lý rác thải tập trung của thành phố; Huyện Lục Nam xây dựng phương án xử lý đối với dự án Nhà máy xử lý rác thải tập trung tại xã Lan Mẫu.
Bên cạnh đó, các sở, ngành ở tỉnh và thành phố Bắc Giang và huyện Hiệp Hòa tập trung đôn đốc, hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các thủ tục pháp lý liên quan, để khởi công xây dựng nhà máy xử lý rác thải tập trung trong năm 2024. Ngoài ra, các địa phương thuộc vùng cung cấp rác về Nhà máy xử lý rác và phát điện thành phố Bắc Giang tổ chức rà soát quy hoạch sử dụng đất, cách thức bố trí các địa điểm, khu vực tập kết trung chuyển, ga rác, đảm bảo thuận lợi cho việc đầu tư xây dựng và thu gom, vận chuyển rác về nhà máy khi đi vào hoạt động…
Hiện nay, tổng khối lượng rác thải phát sinh toàn tỉnh hiện nay là 965,5 tấn/ngày. Sau hơn 3 năm huy động toàn dân tập trung thu gom, xử lý rác thải ra môi trường trên địa bàn, toàn tỉnh Bắc Giang đã thành lập và duy trì hoạt động 171 công ty, hợp tác xã, tổ vệ sinh môi trường chuyên trách thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải cho 100% xã, phường, thị trấn. Các địa phương đã bố trí hơn 1.100 điểm tập kết, trung chuyển rác thải tại các xã, thôn; hơn 7.330 bể chứa thu gom vỏ bao bì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tại các vườn đồi, cánh đồng; Đầu tư xây dựng 12 ga ép rác (thành phố Bắc Giang đang tiếp tục đầu tư 8 ga); Duy trì hoạt động 28 xe ép rác chuyên dụng, 77 xe ô tô, 175 xe tự chế và 3.854 xe đẩy tay.
Nhờ đó, tỷ lệ rác thải được thu gom toàn tỉnh đạt 94,9%, tương đương 916,5 tấn/ngày.
Toàn tỉnh đã quy hoạch và đưa vào hoạt động 72 khu xử lý rác thải (trong đó có 6 khu xử lý vùng huyện tại thành phố Bắc Giang, thị xã Việt Yên, các huyện Yên Dũng, Hiệp Hòa, Yên Thế, Lục Ngạn và 66 khu xử lý xã, cụm xã); 76 lò đốt công nghệ tại các khu xử lý đang hoạt động.
Từ năm 2021 đến nay, Ủy ban MTTQ và các tổ chức đoàn thể tỉnh Bắc Giang phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức giải tỏa các điểm rác thải tồn lưu không đúng nơi quy định với khoảng 8.900 m3 rác thải, nạo vét 40 km kênh mương nội đồng, duy trì và trồng mới trên 100 đoạn đường hoa thanh niên, 300 tuyến đường thanh niên tự quản; Trồng mới gần 90.000 cây xanh các loại; Xây dựng hơn 100 điểm vui chơi giải trí từ vật liệu tái chế; Xây dựng các công trình “Thắp sáng đường quê”; duy trì các mô hình “Chung cư giảm thiểu rác thải nhựa”, “Chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa”…