Phát biểu tại Lễ phát động, ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông nhắc lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Việc trồng cây, trồng rừng hiện nay có vai trò hết sức quan trọng trong bối cảnh ô nhiễm môi trường, tình trạng hạn hán, biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp.
Theo ông Lê Trọng Yên, Đắk Nông là tỉnh có vị trí trọng yếu về an ninh quốc phòng cùng với đó là địa hình đồi dốc, chia cắt mạnh. Do đó, việc trồng cây gây rừng nhằm nâng cao độ che phủ rừng đóng vai trò ngày càng quan trọng trong phòng chống thiên tai, điều hòa khí hậu cũng như gìn giữ môi trường sinh thái, bản sắn văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số vốn hàng nghìn năm nay gắn bó với rừng.
Diện tích rừng ở Đắk Nông đã suy giảm cả về diện tích và chất lượng. Việc trồng rừng, bảo vệ rừng chưa đạt kết quả mong muốn, tỉ lệ che phủ rừng có tăng nhưng không đáng kể. Hiện tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh thấp hơn bình quân chung của cả nước. Do đó, UBND tỉnh mong muốn và kêu gọi các cấp, các ngành cùng toàn thể nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, tích cực trồng và bảo vệ cây xanh, bảo vệ rừng. Ông Lê Trọng Yên nhấn mạnh, UBND tỉnh kỳ vọng lễ phát động sẽ là nguồn năng lượng mới, tốt đẹp cho phong trào trồng cây, trồng rừng trên địa bàn tỉnh. Từ đó, góp phần tích cực để xây dựng tỉnh Đắk Nông phát triển toàn diện, bền vững.
Ngay sau lễ phát động, các đại biểu đã ra quân trồng cây xanh. Khoảng 1.000 cây thông được trồng trong khu vực Tượng đài N’Trang Lơng. Trong sáng 19/5, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh Đắk Nông đã đồng loạt ra quân trồng cây xanh hưởng ứng Lễ phát động. Dự kiến, hơn 163.000 cây xanh sẽ được trồng trong dịp này.
Theo UBND tỉnh Đắk Nông, năm 2023, địa phương đặt mục tiêu trồng gần 2,3 triệu cây xanh gồm cây thân gỗ, lâu năm… tương đương với diện tích gần 3.600 ha. Trong đó, trồng rừng tập trung hơn 460 ha; trồng rừng theo mô hình nông lâm kết hợp hơn 1.700 ha; còn lại là trồng cây phân tán, cây đa mục đích…