Năm nay, tỉnh Yên Bái có kế hoạch trồng mới 15.500 ha rừng tập trung và 4,8 triệu cây xanh phân tán. Để đảm bảo hoàn thành kế hoạch đề ra, ngay từ cuối năm 2022, ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các phòng nông nghiệp, lực lượng kiểm lâm phối hợp với chính quyền địa phương hướng dẫn, đôn đốc người dân khẩn trương tiến hành phát dọn, xử lý thực bì, chuẩn bị cây giống, phân bón, dồn sức tập trung trồng rừng tốt nhất trong vụ Xuân này.
Ông Nguyễn Thái Bình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết, những năm gần đây, việc đánh giá, theo dõi sát sao biến động hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp đã giúp cho ngành lâm nghiệp tỉnh Yên Bái chủ động phân bổ nguồn lực, giao chỉ tiêu trồng mới sớm hơn, với phương châm khai thác đến đâu, quy hoạch trồng mới đến đó, trồng hết diện tích.
Do vậy, trồng rừng tại địa phương được thực hiện chu đáo, bài bản hơn dưới sự giám sát, kiểm tra của cán bộ kỹ thuật lâm nghiệp và kiểm lâm cơ sở.
Việc chuẩn bị được đặc biệt quan tâm đối với việc trồng bổ sung rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng kinh tế bằng cây bản địa có giá trị kinh tế cao, đa mục tiêu, như: quế, măng tre, sơn tra, pơ mu, thảo quả... Vì những loại rừng này đòi hỏi kỹ thuật trồng, chăm sóc cao hơn và chi phí tiêu hao vật tư, cây giống lớn hơn so với trồng rừng kinh tế thông thường, người trồng rừng cần được tập huấn, hướng dẫn chi tiết hơn, trang bị nhiều hơn kiến thức về lâm sinh.
Hơn nữa, việc trồng rừng tại Yên Bái đang được khuyến khích phát triển theo hướng liên kết hợp tác theo chuỗi giá trị, do vậy trồng rừng đã có sự tham gia tích cực, trách nhiệm của các doanh nghiệp chế biến lâm sản, nhất là trong khâu cung ứng phân bón, cây giống và hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật. Đặc biệt, người trồng rừng còn được trợ giá mua cây giống và ứng trước một phần tiền công trồng khi tham gia vào chuỗi liên kết kinh tế này. Nhờ đó, hiệu quả và chất lượng rừng trồng tăng lên rõ rệt.
Ghi nhận không khí trồng rừng tại cơ sở, ông Vũ Đình Trường, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Văn Chấn cho biết, kiểm lâm huyện đã phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền địa phương nhanh chóng tiến hành giao chỉ tiêu xuống đến từng tiểu khu, từng hộ dân. Lực lượng kiểm lâm bám sát địa bàn để thống kê cập nhật hàng ngày diện tích rừng được trồng mới, đồng thời rà soát phần diện tích khai thác và hiện trường trồng rừng tập trung; tuyên truyền, hướng dẫn các hộ trồng rừng chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện cần thiết để chủ động trồng rừng khi thời tiết thuận lợi.
Cùng đó, phân công cán bộ kỹ thuật xuống cơ sở đôn đốc, tập huấn hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng rừng tại thực địa. Từ khâu phát dọn, xử lý thực bì đến đào hố, bón lót được thực hiện đúng quy trình, đúng kỹ thuật, đủ thời gian, nghiêm cấm người dân đốt thực bì hoặc dùng hóa chất diệt cỏ để xử lý thực bì. Khuyến khích cơ giới hóa việc xử lý thực bì, đào hố, vận chuyển phân bón và cây giống trồng rừng.
Bên cạnh đó, lực lượng kiểm lâm đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tăng cường quản lý chất lượng giống cây lâm nghiệp, giám sát các cơ sở sản xuất cây giống, đảm bảo cây giống đưa vào trồng rừng phải có nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng cao theo hướng tăng tỷ lệ sử dụng giống mô, hom và phù hợp với từng loại địa hình thổ nhưỡng đã quy hoạch để trồng rừng.
Tại xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, ông Đinh Trọng Quyết, Chủ tịch UBND xã cho biết, những ngày gần đây thời tiết chuyển mưa, nhiệt độ không quá thấp, độ ẩm trong không khí tăng cao là thời điểm tốt cho người trồng rừng. Tiếp theo lễ phát động phong trào "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ", toàn xã đã đồng loạt ra quân hưởng ứng phong trào trồng cây, trồng rừng. Từ đầu tháng 2 đến nay, toàn xã đã trồng được gần 60 ha rừng, phấn đấu trồng mới trên 180 ha trong vụ Xuân này.
Giờ đây, phong trào trồng rừng được người dân tích cực hưởng ứng, rừng đã mang lại lợi ích thiết thực, người dân được hưởng lợi nhiều hơn từ khâu trồng mới đến khâu khoanh nuôi, chăm sóc và bảo vệ rừng. Trong đó, người dân và doanh nghiệp tham gia trồng rừng cây gỗ lớn còn được hưởng lợi rất lớn từ việc cấp chứng chỉ Quản lý rừng bền vững (FSC) và chứng chỉ bảo vệ môi trường rừng. Do vậy, nhiều hộ dân có thu nhập lớn từ rừng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Với không khí lao động khẩn trương ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2023, người trồng rừng trên toàn tỉnh Yên Bái đang dồn sức, tranh thủ khung thời vụ phấn đấu trồng mới khoảng 6.000 ha ngay trong tháng 2 và đảm bảo hoàn thành việc trồng mới 13.000 ha rừng trong vụ Xuân năm nay.
Đi đôi với trồng mới, tỉnh Yên Bái chỉ đạo các địa phương cần chú ý phòng cháy, chữa cháy rừng và phòng trừ sâu bệnh hại đối với một số loài cây trồng như: sâu ăn lá keo, mỡ, bồ đề, quế; khô cành ngọn bạch đàn; khô lá, đốm lá thông… Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân trồng rừng gỗ lớn, xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ quản lý rừng, tạo vùng trồng rừng nguyên liệu gỗ tập trung, đáp ứng nhu cầu công nghiệp chế biến gỗ, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ lâm sản.
Đánh giá bước đầu về kết quả trồng rừng vụ Xuân năm nay, ông Kiều Tư Giang, Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái khẳng định, nhờ làm tốt khâu chuẩn bị cùng sự phối hợp chỉ đạo chặt chẽ và đồng thuận của người dân, trồng rừng trên toàn tỉnh đang diễn ra suôn sẻ, thuận lợi, không sảy ra hiện tượng thiếu giống, giống cây kém chất lượng. Đến nay, tỉnh Yên Bái đã trồng được trên 3.000 ha, đạt gần 20% kế hoạch; trong đó, trồng rừng tập trung hơn 2.000 ha, trồng cây phân tán quy diện tích đạt gần 1.000 ha, đảm bảo ổn định tỷ lệ che phủ rừng trên toàn tỉnh đạt 63%.