Tiếng Việt đang bị biến dạng

Xem những bình luận trên các trang mạng xã hội như Facebook, Youtube hay những tin nhắn điện thoại mà giới trẻ thường gửi cho nhau, nhiều người không khỏi giật mình vì sự biến dạng của tiếng Việt và không thể hiểu đó là thứ ngôn ngữ gì.


Loạn ngôn ngữ của giới trẻ


“Bùn wá mài nhỉ, lẹi gần hít nem lép 12 roài… thí tụi mìn ko đc zui như hồi nem ngoái, nghĩ vậy thoai mừ teo bùn ghê gúm… nhưng mìn hứa sẽ mãi lè bẹn thân, đeng wên teo dzà mái trừng iu zấu nì nha” - Liệu người trung niên và lớn tuổi hơn có hiểu được đoạn kí tự mà một học sinh lớp 12 gửi cho bạn của mình nghĩa là gì không? (Tạm dịch: Buồn quá mày nhỉ, lại gần hết năm lớp 12 rồi… thế tụi mình không được vui như hồi năm ngoái, nghĩ vậy thôi mà tao buồn ghê gớm… nhưng mình hứa sẽ mãi là bạn thân, đừng quên tao và mái trường yêu dấu này nha). Cách viết này xuất hiện nhan nhản trong các dòng tin nhắn điện thoại hay trên các mạng xã hội, nơi người ta có thể viết bất cứ thứ gì tùy thích mà không phải quan tâm đến chuyện có đúng chính tả, ngữ pháp tiếng Việt hay không.


Mạng Internet là nơi tiếng Việt bị biến dạng nhiều nhất (ảnh minh họa).


Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng Internet toàn cầu và các trang mạng xã hội, số bạn trẻ tiếp cận với công nghệ hiện đại ngày càng nhiều. Theo thống kê chưa đầy đủ của một tổ chức truyền thông xã hội toàn cầu của Anh, hiện nay 1/3 dân số Việt Nam sử dụng Internet, 73% số người sử dụng Internet dưới 35 tuổi và số thời gian mà mỗi người dành cho Internet ngày càng tăng. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng biến dạng của tiếng Việt khi mà giới trẻ có cơ hội tiếp cận với nhiều trào lưu ngôn ngữ trên thế giới; từ đó “biến hóa” tiếng Việt theo cách của riêng mình. Nhiều bạn trẻ lí giải rằng, việc viết như vậy là để tiết kiệm thời gian, thể hiện cá tính của giới trẻ.

Cố GS Hoàng Phê: “Công nghệ thông tin phải uốn mình theo ngôn ngữ chứ không phải là cái khung bắt ngôn ngữ chui vào”.


Lối viết lai căng, “tây không ra tây, ta không ra ta” này phổ biến đến mức nó xuất hiện nhan nhản trên mạng Internet và thế hệ 8X, đặc biệt là 9X đều dễ dàng hiểu được. “Quy tắc chung” của lối viết này là đơn giản hóa các âm tiết trong tiếng Việt bằng cách quy các âm gần giống nhau về một âm. Chẳng hạn, chữ b được viết thành p (pùn quá nghĩa là “buồn quá”), c được viết thành k (ăn kơm nghĩa là ăn cơm), v, d và gi được viết thành z (zui zẻ, cơn zó nghĩa là “vui vẻ”, “cơn gió”)… Tuy nhiên cũng có những trường hợp “bất quy tắc” phải “học thuộc lòng”, chẳng hạn “hok” là “không”, “cx” là “cũng”, “ck” là “chồng”…

Đọc những dòng này trên mạng xã hội Yahoo, liệu có mấy người hiểu?


Dường như để thể hiện cá tính của mình nhiều hơn nữa, các bạn trẻ đã “sáng tạo” ra nhiều từ lóng để thay thế cho các từ ngữ vốn được sử dụng quen thuộc như “bánh bèo” để chỉ con gái, “củ” để chỉ tiền triệu, “xe ôm” để chỉ bạn trai, “giải ngố” để chỉ đi chơi, “bão” để chỉ đua xe… Cô Hương, phụ huynh của một học sinh lớp 12 ở Hà Nội đã ngán ngẩm khi đọc tin nhắn trong máy điện thoại của con trai: “Tôi chả hiểu chúng nó đang nói gì với nhau nữa”.


Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược


Theo PGS. TS Bùi Hiền, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, trên thực tế, tiếng Việt đang bị giới trẻ làm cho vẩn đục đến mức nhiều người phải lên tiếng cứu lấy tiếng Việt. “Lắm khi nghe tiếng Việt đó, đọc chữ Việt đó mà cứ ngờ ngợ, nghi ngờ, hoang mang rồi buồn bực vì tiếng nói đó, chữ viết đó giờ lai căng quá, nhí nhố quá. Cách nói, cách viết đó đang đánh mất cả trí tuệ, linh hồn và tâm hồn dân tộc Việt”, ông Hiền than thở.


Tiếng Việt biến dạng trong những lời bình luận trên trang Youtube.


Theo ông Hiền, có ba nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng biến dạng tiếng Việt: Thứ nhất, xu thế hội nhập và toàn cầu hóa khiến tiếng Việt có nhiều cơ hội tiếp thu các yếu tố mới, nhưng cũng phải đối đầu với nguy cơ hòa tan mất bản sắc, mất linh hồn dân tộc. Thứ hai, đến nay, không có một bộ quy chuẩn nào về tiếng Việt được công nhận cấp nhà nước, do vậy nhiều hiện tượng ngôn ngữ cho đến nay vẫn còn gây tranh cãi chưa có hồi kết. Thứ ba, một số cơ quan chức năng chưa nhận thức được thiên chức thiêng liêng của tiếng Việt là công cụ sắc bén để đấu tranh bảo vệ nền văn hóa dân tộc và thậm chí cả vận mệnh dân tộc.


Còn theo PGS. TS Phạm Văn Tình, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam, trước đây, người dân thường sử dụng báo chí làm chuẩn mực cho chính tả tiếng Việt, để soi vào đó mà biết mình viết đúng hay sai. Tuy nhiên hiện nay, vẫn còn xảy ra tình trạng báo in sai, in lỗi. Ngôn ngữ trên mạng thì bát nháo, tùy hứng, mỗi nơi mỗi phách. Theo ông Tình, số lượng học sinh phổ thông hiện nay là hơn 20 triệu, chiếm số lượng lớn trong xã hội. Nếu việc sử dụng ngôn ngữ của nhóm đối tượng này không được định hướng rõ ràng thì không hiểu tiếng Việt sẽ đi về đâu.


“Nhiều bạn trẻ nhầm lẫn giữa việc sử dụng ngôn ngữ lệch lạc với sự sáng tạo. Những cái lạ thường dễ lây lan, khi đã lây lan rồi thì nó như một con đỉa bám rất chặt, khiến người trẻ khó dứt bỏ. Theo một số khảo sát tại các trường THPT trên địa bàn Hà Nội, chúng tôi phát hiện rất nhiều lỗi “nằm ngoài kiến thức”. Đó là việc viết tắt, viết hoa, viết kèm tiếng nước ngoài không theo quy tắc, viết theo ngôn ngữ biến dạng….”, ông Tình nói. Đáng tiếc là hiện nay nhà trường, giáo viên, bố mẹ lại ít quan tâm và nhắc nhở con em, học sinh của mình. Các em cũng ít chịu đọc sách mà chỉ mải mê với game, chat, Internet. Do đó, việc định hướng ngôn ngữ cho các em ngày càng trở nên khó khăn hơn.


Cần bộ chuẩn ngôn ngữ


Theo nhà giáo Lê Xuân Mậu, trong sự phát triển của đời sống xã hội, ngôn ngữ các dân tộc nói chung đều trong sáng và đáp ứng được nhu cầu diễn đạt. Sự mất trong sáng của ngôn ngữ diễn ra khi có “bước ngoặt” nào đó trong sự phát triển của đời sống xã hội. Hiện nay, tiếng Việt đang mất dần sự trong sáng vì sự hội nhập diễn ra trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội… Và tiếng Anh với vai trò là “ngôn ngữ toàn cầu” đang tràn vào ngôn ngữ Việt.


Các nhà nghiên cứu đều thống nhất rằng, cần có một bộ chuẩn ngôn ngữ để bảo vệ tiếng Việt trước sự “tấn công” ồ ạt của những “cơn bão” ngôn ngữ ngoại lai. GS. TS Nguyễn Minh Thuyết cho hay, chính tả và nói rộng ra là các vấn đề ngôn ngữ, chữ viết không thể chỉ giải quyết bằng các giải pháp chuyên môn mà rất cần những giải pháp về chính sách của Nhà nước.


Tuy không nóng như các vấn đề kinh tế hay an ninh quốc phòng nhưng những chính sách ngôn ngữ như phát triển tiếng Việt, tiếng dân tộc thiểu số và ngoại ngữ có ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, bảo vệ độc lập, chủ quyền của quốc gia. Bên cạnh đó, sự thống nhất về chính tả còn thể hiện trình độ văn minh của đất nước và năng lực quản lí xã hội của các cơ quan nhà nước.


Ông Thuyết đề nghị, Chính phủ cần sớm ban hành quyết định chính thức về bảng chữ cái tiếng Việt và tiếng các dân tộc đã có chữ viết, một số quy tắc chính tả còn thiếu hoặc chưa thống nhất. GS Thuyết cũng kiến nghị cần phải có một văn bản quy phạm pháp luật về ngôn ngữ chữ viết để tạo cơ sở lâu dài cho công tác quản lí nhà nước và sự phát triển của ngôn ngữ dân tộc.


Trong thời đại bùng nổ về công nghệ như hiện nay, việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt cấp bách hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, việc giữ gìn không hẳn cứ phải đóng khung vốn ngôn ngữ cha ông ta truyền lại. Bởi thế hệ sau cũng có nhu cầu bổ sung, sáng tạo làm cho ngôn ngữ tiếng Việt ngày càng thêm đẹp trong quá trình hội nhập.



Bài và ảnh:Hoàng Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN