Vừa được nhận Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong Lễ tôn vinh công nhân, lao động tiêu biểu tỉnh Bắc Giang năm 2017, anh Ngô Thế Mạnh, sinh năm 1976, Tổ trưởng Tổ cửa xếp, cửa cuốn - Công ty cổ phần dịch vụ và thương mại Thống Nhất ở cụm công nghiệp Vôi, thị trấn Vôi, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, phấn khởi chia sẻ: "Trong quá trình làm việc, tôi luôn học hỏi, tìm tòi những phương pháp cải tiến kỹ thuật, trước hết là giảm sức lao động cho mình, sau đó góp phần vào sự phát triển của Công ty."
Anh Ngô Thế Mạnh vận hành máy móc. Ảnh: Đồng Thúy/TTXVN |
Năm 2011, sau khi tốt nghiệp Khoa Cơ điện, Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp, anh Mạnh làm công nhân tại Công ty cổ phần dịch vụ và thương mại Thống Nhất. Sau thời gian làm việc, với tinh thần chịu khó, ham học hỏi, anh được lãnh đạo Công ty tín nhiệm giao làm Tổ trưởng Tổ cửa xếp, cửa cuốn.
Trong quá trình công tác, bằng sự khéo léo, ham học hỏi và say mê nghiên cứu, anh đã đề xuất nhiều ý tưởng sáng tạo, góp phần giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cho Công ty. Sáng kiến đầu tay của anh là cải tiến thành công robot phun sơn năm 2013. Khi ấy, Công ty đặt mua thiết bị này nhưng gặp trục trặc và chưa thể vận hành.
Thời gian chờ bổ sung chi tiết phải mất 15-20 ngày dẫn tới nguy cơ chậm hoàn thành đơn hàng theo hợp đồng, chi phí đội thêm 20 triệu đồng. Sau hai ngày mày mò, tìm tòi, suy nghĩ, robot phun sơn cải tiến đã ra đời trên cơ sở tận dụng máy móc cũ, kịp thời giải quyết khó khăn của Công ty.
Mới đây, anh tiếp tục có các sáng kiến: “Sắp xếp lại chuyền, lược bỏ các thao tác thừa trong sản xuất cửa thép chống cháy”; chế tạo thành công “Hệ thống đột lỗ khóa” giúp giảm thời gian thực hiện công đoạn này từ 10 phút xuống còn 1 phút/bộ cửa.
“Hầu hết sáng kiến của anh Mạnh đều được ứng dụng trong sản xuất, giảm chi phí, sức lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, được bạn hàng đánh giá cao”, ông Nguyễn Văn Thống, Giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ và thương mại Thống Nhất cho biết.
Chị Hà Thị Lan, công nhân bộ phận Cắt A, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên quốc tế ViệtPan Pacific (thành phố Bắc Giang) đã có nhiều sáng kiến trong quá trình công tác. Trong 14 năm làm việc, chị có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật được áp dụng vào thực tiễn sản xuất, đem lại hiệu quả cao.
Trong quá trình theo dõi sản xuất, chị Lan nhận thấy việc chuyển từ sản phẩm đã cắt sang dây chuyền may, bộ phận cắt phải cần tới 8 người dán số vào các chi tiết của áo, mỗi áo ít nhất có 50 chi tiết. Khi đưa sản phẩm cắt sang bộ phận may, công nhân may lại phải bóc số đã dán trên sản phẩm, ghi lại số khác vào vải rồi mới may.
Những giấy ghi số dán trên vải khi bóc ra lại phải mất công thu dọn. Ngoài ra, nhiều trường hợp bị mất số, dẫn đến công nhân chắp không đúng các chi tiết, gây lỗi hàng. Suy nghĩ, tìm tòi, chị Lan đưa ra sáng kiến “Đánh số trên sản phẩm may bằng dập số trực tiếp”.
Với sáng kiến này, công nhân không phải mất thời gian bóc số, dọn dẹp giấy ghi số bóc ra, vừa tiết kiệm được thời gian, nhân công và sức lao động, làm lợi cho Công ty mỗi tháng từ 40-50 triệu đồng.
Anh Mạnh, chị Lan chỉ là hai trong số hàng nghìn công nhân lao động ở tỉnh Bắc Giang đã vượt qua khó khăn, dám nghĩ, dám làm, tích cực sáng tạo trong lao động, sản xuất, góp phần làm lợi cho cơ quan, đơn vị, doanh nhiệp.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang Nghiêm Xuân Hưởng cho biết: Hiện tỉnh Bắc Giang có trên 1,7 nghìn công đoàn cơ sở, với trên 148 nghìn đoàn viên công đoàn. Từ năm 2016 đến nay, công nhân viên chức lao động trong tỉnh đã thực hiện hơn 4 nghìn đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong sản xuất, công tác; thực hiện 42 công trình, sản phẩm trị giá trên 500 tỷ đồng.
Thời gian tới, để khuyến khích công nhân lao động tích cực phát huy sáng kiến, cải tiến kĩ thuật trong lao động sản xuất, các cấp Công đoàn tỉnh Bắc Giang tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”... đồng thời quan tâm phát hiện, nhân rộng các điển hình tiên tiến và nhân tố mới qua các phong trào thi đua yêu nước.
Các cấp Công đoàn trong tỉnh tăng cường phối hợp chặt chẽ với chính quyền, cơ quan chuyên môn, người sử dụng lao động bồi dưỡng, phát triển đội ngũ công nhân lao động ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng…, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.