Trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều khó khăn, bức tranh nông nghiệp, nông thôn cũng có những nét trầm. Ở nhiều nơi, nông dân đang phải “thắt lưng buộc bụng” với mức thu nhập và chi tiêu ngày càng sụt giảm bởi họ ngày càng phải chịu nhiều hơn những ảnh hưởng từ thiên tai, dịch bệnh và những biến động khó lường của thị trường.
Tỷ lệ hộ nghèo tăng lên năm sau cao hơn năm trước ở một số tỉnh đã nói lên bức tranh về tình hình khó khăn ở nông thôn, đặc biệt những nơi nông dân chỉ gắn với nông nghiệp, chưa có hướng chuyển đổi sang các mô hình kinh tế mới.
Bà con nông dân huyện Vũ Thư, Thái Bình thu hoạch ngô bị gãy đổ do bão số 8 (Ảnh chụp lúc 15 giờ ngày 30/10/2012).Ngọc Hà - TTXVN |
Xã Bình Định, huyện Kiến Xương (tỉnh Thái Bình) có tới trên 80% dân số làm nông nghiệp, người dân chủ yếu sống dựa vào trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm và thuỷ sản. Vài năm trở lại đây, đời sống của người dân trong xã phải đối diện với rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân thì nhiều, nhưng chủ yếu là do ảnh hưởng của thiên tai cũng như giá cả thị trường.
Gia đình chị Hoàng Thị Hà là một trong những hộ chăn nuôi tương đối lớn của xã Bình Định. Gia đình bắt đầu chăn nuôi từ năm 2005, với số lượng luôn duy trì trên 100 con lợn. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây gia đình chị cũng chỉ dám nuôi từ 20-30 con, chuồng trại gần như để trống. Chị Hà cho biết, năm 2010 trong vùng bị dịch và đàn lợn nhà chị mất trắng trước lúc xuất chuồng. Từ đó đến nay năm nào trang trại nhà chị cũng phải đối mặt với dịch xảy ra, cộng với chi phí các khoản cho thức ăn chăn nuôi tăng cao nên thường bị lỗ vốn. Chị Hà còn cho biết thêm, làm cái nghề này vất vả quanh năm, nhiều vụ chuẩn bị xuất chuồng rồi, mỗi con lợn được 50- 60 kg thì “đùng” một cái lại lăn ra chết cả. 2 năm vừa qua, mỗi năm gia đình chị bị lỗ vốn 50- 60 triệu đồng.
Nông dân xã Liên Hiệp (huyện Hưng Hà) làm đất đổ ải.Thế Duyệt - TTXVN |
Với sản xuất nông nghiệp, nông dân cũng phải đối diện với nhiều rủi ro. Xã Bình Định có trên 483 ha đất nông nghiệp, trong đó diện tích đất cấy lúa chiếm trên 432 ha, còn lại là diện tích nuôi trồng thủy sản và rau màu. Năm nay giá các loại phân bón tăng cao, cộng với sự bất lợi của thời tiết nên sản phẩm của bà con sản xuất ra hầu như không có lãi. Lúa sắp đến ngày thu hoạch thì bão về làm đổ hết cả, số còn lại bị chuột phá hoại gần như mất trắng.
Tại xã Hiệp Sơn, huyện Kinh Môn (tỉnh Hải Dương), vùng đất có thêm nghề nuôi ong lấy mật. Ông Nguyễn Thắng Đấy, một người chuyên nuôi ong cho biết: “Cách đây 6 năm, xã tôi còn là xã thuần túy nông nghiệp. Khoảng 5 năm trở lại đây, doanh nghiệp, công ty tư nhân vào đầu tư. Đất nông nghiệp cũng bị thu hẹp. Ảnh hưởng của công nghiệp đến đời sống và sản xuất nông nghiệp rất rõ. Hồi trước, tôi nuôi ong lấy mật, mỗi mùa ong tôi thu hoạch được 15 thùng mật tương đương 100 lít mật nhưng nay thì chỉ được vài thùng”.
Ông Nguyễn Văn Quynh (xã Kim Tân, huyện Kim Thành, Hải Dương) cho biết huyện ông là một trong những địa phương được thí điểm thực hiện dự án đầu tư duy trì đất lúa. Đang có rất nhiều biện pháp, chủ trương ưu đãi, hỗ trợ nhằm tạo điều kiện cho nông dân, ví dụ, trợ giá các giống cây, con, tạo điều kiện cho vay ưu đãi, xây dựng các mô hình điểm và gần đây, đầu tư hỗ trợ 500.000 đồng/ha cho nông dân. Ấy thế nhưng rồi ruộng đồng vẫn cứ bị bỏ hoang. Nguyên nhân có nhiều nhưng cơ bản là hiện nay, dù cây lúa năng suất đã cao (từ 60- 70 tạ/ha) nhưng giá thóc không tăng, giá vật tư lại liên tục tăng. Càng cấy nhiều thì càng lỗ. Thêm vào đó, tình trạng cung cấp dịch vụ tưới tiêu đảm bảo nước cho dân cấy lúa rất khó khăn. Hầu hết được xây từ năm 1960, bây giờ đã bị xuống cấp.
Trước những khó khăn, rất nhiều nông dân dời làng quê để kiếm việc làm thêm, tuy nhiên cuộc sống của họ cũng không sáng sủa hơn là bao. Theo tìm hiểu của phóng viên, tại một một số xã, hầu như nhà nào cũng có người di cư, người thì di cư tạm thời, rất nhiều người đã quyết định di cư lâu dài.
Ông Đinh Công Mấn, Chủ tịch UBND xã Bình Định (huyện Kiến Xương) cho rằng, thu nhập bình quân từ việc làm của người di cư là 43,5 triệu đồng một năm. Đây là mức thu nhập thấp và với mức thu nhập này người dân khó lòng tích luỹ, chứ đừng nói đến việc giúp những người ở lại đầu tư vào nông nghiệp.
Lê Sơn - Hữu Vinh
Bài 2: “Làm ruộng không đem lại tương lai gì”