Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng cho biết, tài liệu chỉ có thể tồn tại nếu được bảo quản đúng cách. Việc phát huy ý nghĩa của tài liệu phụ thuộc mật thiết với công tác bảo quản tài liệu lưu trữ. Đây là cơ hội để giá trị văn hóa, dân tộc được chuyển tải đến những thế hệ mai sau. Tọa đàm có ý nghĩa quan trọng khi Luật Lưu trữ sửa đổi sẽ có hiệu lực pháp lý từ năm 2025.
Ban Tổ chức mong muốn thông qua tọa đàm, các đại biểu sẽ thu hoạch được những kinh nghiệm, kỹ thuật phục chế tài liệu phù hợp với điều kiện của từng địa phương, đồng thời tích cực góp ý, tìm ra giải pháp hữu ích cho công tác bảo quản tài liệu lưu trữ để kí ức luôn được hồi sinh.
Tài liệu lưu trữ là kho báu tri thức về mọi mặt của tiền nhân, ký ức của quốc gia và bản sắc dân tộc. Việc bảo vệ an toàn và kéo dài “tuổi thọ” cho các tài liệu, tư liệu có ý nghĩa quan trọng. Tuy nhiên, trải qua dòng chảy thời gian và biến động lịch sử, sự tàn phá của chiến tranh cùng việc bảo quản chưa đúng cách, cơ sở vật chất không đảm bảo… không ít tài liệu, tư liệu quý đã bị hư hại nghiêm trọng, thậm chí mất mát.
Tọa đàm thu hút đông đảo chuyên gia trong lĩnh vực lưu trữ, phục chế; đại diện Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia, Sở Nội vụ của 30 tỉnh, thành phố trên cả nước tham gia. Qua đó, tập trung thảo luận nhiều vấn đề về thực trạng thuận lợi và khó khăn trong việc bảo quản tài liệu, tư liệu tại các khu vực lưu trữ quốc gia, lưu trữ lịch sử địa phương và các cá nhân, gia đình, dòng họ.
Các đại biểu nhận định công tác bảo quản, phục chế tài liệu đang còn nhiều thách thức do tác động của thời gian, chiến tranh, thời tiết khí hậu… Phần lớn tài liệu bị hư hỏng ở các dạng như ố vàng, rách, mủn, tàn mờ. Các bản đồ, bản vẽ bị rách, hư hỏng không thể mở ra để đọc được. Đặc biệt, mộc bản triều Nguyễn xuống cấp do sự “lão hóa” tự thân của nó; điều kiện cơ sở vật chất bảo quản kém và sự thờ ơ, vô tâm của con người.
Bên cạnh 10 tham luận được trình bày, các đại biểu cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm, đưa ra giải pháp đồng thời trao đổi, hỏi đáp về khả năng hợp tác, hỗ trợ công tác bảo quản, tu bổ tài liệu trong thời gian tới.
Một số giải pháp được đưa ra như sử dụng hộp, bìa, cặp chất liệu giấy, vải, phi axit để bảo quản tài liệu; lắp đặt hệ thống camera, phòng cháy, chữa cháy, ngăn chặn côn trùng và điều hòa (nhiệt độ 18-22 độ C, độ ẩm 45-55%) trong kho bảo quản. Các sắc phong nên được bọc bằng giấy dó, bỏ trong ống tre, giấy bằng chất liệu phi axit kèm gói chống ẩm hoặc đặt trên các giá, tủ chuyên dụng. Cần kiểm tra định kỳ, vệ sinh tư liệu kịp thời, tránh tình trạng hư hỏng, mục nát...