Hiện nay, tỷ lệ chết vì đuối nước của trẻ em Việt Nam cao gấp 10 lần các nước phát triển, nhất là vào dịp hè và mùa mưa bão. Vừa qua, tại hội nghị phát động chiến dịch và ký cam kết giảm thiểu tình trạng đuối nước ở trẻ em giai đoạn 2012 – 2015, đại diện của 9 bộ, ngành đã tập trung bàn các giải pháp nhằm thực hiện phòng chống chết đuối ở trẻ em.
Một trong những giải pháp được đại diện 9 bộ, ngành thống nhất là cần tập trung đẩy mạnh trong 3 năm tới các hoạt động phối hợp liên ngành nhằm giảm tới mức thấp nhất tỷ lệ trẻ em bị tử vong và tàn tật do đuối nước gây ra, đặc biệt tại các đại phương có tỷ lệ tử vong do đuối nước cao. Trước đó nhiều hoạt động phòng chống chết đuối ở trẻ em đã được triển khai đồng bộ, đặc biệt là các chương trình truyền thông rộng rãi trên toàn quốc. Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp thì việc sử dụng các trang thiết bị an toàn để phòng, chống đuối nước cho trẻ em nay đã tốt hơn trước. Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (Bộ Công an), Vụ An toàn giao thông (Bộ Giao thông - Vận tải) đã triển khai vận động người đi đò mặc áo phao, tổ chức phát động hưởng ứng ở hơn 20 tỉnh, thành phố và hỗ trợ hàng nghìn áo phao tại các bến đò.
Tập bơi là giải pháp khả quan nhất để hạn chế đuối nước ở trẻ em. Ảnh: CTV |
Ông Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, trong thời gian tới, liên ngành cần rà soát các văn bản pháp luật liên quan đến phòng, chống đuối nước và xác định những khoảng trống cần hoàn thiện. Trong đó, cần xây dựng các văn bản hướng dẫn, thông tư liên tịch về phòng, chống đuối nước trẻ em. Củng cố việc thực thi pháp luật và các quy định liên quan đến phòng, chống đuối nước như: Các quy định về chất lượng phương tiện chuyên chở hành khách bằng đường thủy, quy định cấp phép giám sát cho các đơn vị, địa điểm du lịch, bể bơi, quy định trẻ em khi đi bơi, tắm bể bơi, sông, hồ, biển phải có người lớn đi kèm và có áo phao phù hợp với lứa tuổi. Bên cạnh đó, cần tăng cường triển khai các hoạt động dạy bơi cho trẻ em tại cộng đồng trong dịp hè. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục triển khai xây dựng chương trình “Ngôi nhà an toàn” với chỉ tiêu 5 triệu hộ gia đình đạt tiêu chí “Ngôi nhà an toàn” vào năm 2015.
Ông Vũ Đình Mạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD - ĐT) cho biết, Bộ GD - ĐT sẽ chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai sâu rộng, thường xuyên và hiệu quả về việc xây dựng trường học an toàn phòng, chống tai nạn thương tích. Tăng cường giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho giáo viên, cha mẹ học sinh và sinh viên về phòng chống tai nạn thương tích, trong đó chú trọng đến phòng chống đuối nước trẻ em. Đồng thời, triển khai xây dựng các mô hình “Trường học an toàn, nhà trẻ, mẫu giáo an toàn”. Và phối hợp các ngành liên quan tổ chức tuyên truyền và đào tạo giáo viên dạy bơi cho các địa phương, triển khai các mô hình thí điểm dạy bơi trong trường tiểu học từ đó nhân rộng trong toàn quốc. Nghiên cứu chính sách hỗ trợ để toàn bộ trẻ em lứa tuổi tiểu học được phổ cập bơi.
Là một tỉnh có đặc thù địa hình sông nước, ông Nguyễn Bạch Linh, Phó trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, cho rằng, địa phương đã triển khai thực hiện các tiêu chí của mô hình “Ngôi nhà an toàn” phòng, chống trẻ em chết đuối từ cấp tỉnh đến xã, phường, thị trấn; tổ chức các lớp học bơi an toàn cho trẻ em 6 tuổi, tập huấn cách sơ, cấp cứu trong trường hợp xảy ra đuối nước. Công tác tuyên truyền được lồng ghép trực tiếp tới cuộc họp tổ, hội, nhóm của các ngành, đoàn thể; tổ chức tuyên truyền… Đây là những biện pháp hữu hiệu nhằm giảm tỷ lệ chết đuối trẻ em hiện nay và sẽ tiếp tục được triển khai sâu rộng tới các địa bàn khác.
Đại diện 9 bộ, ngành đã cam kết đến năm 2015, giảm được 1/4 số trẻ em bị tử vong do đuối nước so với mức trung bình của năm 2010 và năm 2009 (trung bình mỗi năm có 35.000 trẻ em dưới 18 tuổi bị tử vong do đuối nước).
Lê Vân