Không chỉ thiếu trầm trọng về số lượng, UBND thành phố Hà Nội đã thừa nhận, chất lượng nhà ở tái định cư (TĐC) cũng còn nhiều vấn đề. Do chất lượng xây dựng thấp dẫn tới sự xuống cấp nhanh chóng; việc cung cấp các dịch vụ môi trường, phục vụ sinh hoạt, vui chơi, giải trí và quản lý dân cư ở nhiều khu còn quá chậm và thiếu; hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chưa được xây dựng đồng bộ nên ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của người dân tại các khu TĐC.
Bức xúc nhà “mậu dịch”
Do không phải lo khâu tiêu thụ nên nhiều chủ đầu tư các khu TĐC đã không chú trọng đến chất lượng xây lắp; việc bảo trì, bảo hành không được quan tâm nên tại hầu hết các tòa nhà mới xây đã nhanh chóng xuống cấp. Khu nhà nào cũng có tình trạng tường nứt, trần bong, hè lún, thang máy hỏng, điện phập phù, nước máy bẩn, hàng quán la liệt, môi trường ô nhiễm…
Khu tái định cư Thanh Mai, quận Hoàng Mai (Hà Nội) xuống cấp nghiêm trọng. |
Do việc buông lỏng quản lý nên dẫn tới tình trạng cơi nới “chuồng chim”, “chuồng cọp” một cách tùy tiện... Người dân kiến nghị, kêu cứu nhưng việc khắc phục chỉ mang tính hình thức, nửa vời. Người dân TĐC thực sự ngán ngẩm và đến lúc này chỉ biết kêu than: “Đúng là nhà “mậu dịch”, vừa mốc, vừa hôi”. Điển hình của sự xuống cấp, nhếch nhác, gây nhiều bức xúc nhất cho cư dân là ở các khu TĐC tập trung như: Nam Trung Yên, Trung Hòa - Nhân Chính, Đền Lừ 1-2-3, Đồng Tàu….
Tại một số dự án chưa hoàn chỉnh về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội nhưng phải đưa vào sử dụng sớm như khu Nam Trung Yên, các hộ dân cũng rất bức xúc khi gặp khó khăn về đăng ký hộ khẩu, xin học cho con, cấp "sổ đỏ", cấp điện, nước…
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, do tại hầu hết các khu nhà vẫn chưa có sự phân định rõ ràng diện tích sở hữu chung, riêng, quyền lợi, trách nhiệm của các bên dẫn đến trách nhiệm, quyền hạn của các bên trong quản lý, khai thác, vận hành chưa minh bạch. Việc quản lý diện tích tầng 1 và diện tích công cộng trong các khu nhà TĐC còn hạn chế, gây tranh chấp.
Nỗ lực giải bài toán khó
Để khắc phục những bất cập trong việc xây dựng và quản lý quỹ nhà TĐC, UBND thành phố Hà Nội khẳng định, sẽ ưu tiên hoàn thành công trình hạ tầng đô thị ở những khu TĐC; kiểm tra, chống xuống cấp tại tất cả các khu TĐC trên toàn địa bàn. Thành phố sẽ không bố trí người dân đến ở tại các khu chưa đủ điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, đô thị.
Đáng chú ý, tới đây, tại các khu TĐC mới, thành phố dự tính sẽ thực hiện phương châm người dân được quyền chọn nhà phù hợp với nhu cầu và điều kiện của mình. Nếu trước đây, phần lớn các hộ dân trong diện GPMB một dự án cùng được bố trí ở một tòa nhà do thành phố chỉ định thì nay họ được chọn căn hộ thuộc các khu đô thị TĐC quy mô lớn sắp được triển khai với nhiều loại diện tích, vị trí khác nhau. Thậm chí nếu không muốn ở trong các khu đô thị TĐC, người dân hoàn toàn có quyền từ chối quyền mua nhà TĐC và chọn một căn nhà khác theo ý mình. Tuy nhiên, để tạo thuận lợi cho người dân, thành phố vẫn quản lý giá bán loại nhà TĐC theo hướng thấp hơn so với thị trường do các dự án nhà ở này được hưởng một số ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước. Khi chính sách giá bồi thường, giải phóng mặt bằng của Nhà nước thay đổi, thành phố sẽ điều chỉnh từng bước theo hướng thu hồi vốn, tiến dần đến thị trường hóa quỹ nhà này.
Sở Xây dựng cho biết, việc quản lý vận hành các khu nhà TĐC sẽ được giao trực tiếp cho doanh nghiệp chủ đầu tư dự án, gắn trách nhiệm chủ đầu tư trong cả xây lắp và vận hành.
Trước mắt, để giải quyết tình trạng mất cân đối về quỹ nhà TĐC, Sở Xây dựng đã đề nghị UBND thành phố cho phép điều chỉnh quỹ nhà TĐC đã bố trí cho các dự án bị chậm tiến độ 12 tháng, chuyển cho dự án khác đang có nhu cầu sử dụng ngay để giải quyết tình trạng nhà “chờ" dự án.
Dự kiến, từ nay đến năm 2015, thành phố sẽ xây dựng 9 khu TĐC quy mô mỗi khu khoảng 20 ha (đối với khu vực nội thành) và khoảng 50 ha đối với khu vực ngoại thành, với tổng số 50.000 căn hộ. Và theo đề xuất mới đây của Sở Quy hoạch - Kiến trúc, sẽ có 6 địa điểm quy hoạch xây dựng nhà TĐC mới được triển khai tại 4 huyện ngoại thành, với tổng diện tích đất khoảng 157 ha, tập trung ở các huyện Hoài Đức, Đông Anh, Đan Phượng, Chương Mỹ.
Có thể thấy, những tồn tại trong quá trình xây dựng và quản lý quỹ nhà TĐC trên địa bàn thành phố Hà Nội đã và đang gây nhiều khó khăn cho công tác GPMB, khiến nhiều dự án phải chậm tiến độ; đặc biệt từ chất lượng của các tòa nhà TĐC khiến người dân mất dần niềm tin khi phải di dời, bàn giao đất, nhà cho thành phố. Nhưng, trong thời gian tới, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của UBND thành phố Hà Nội thông qua nhiều giải pháp mang tính đồng bộ, cấp thiết, cùng với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành và các chủ đầu tư, Hà Nội sẽ giải được bài toán khó về công tác GPMB, đảm bảo quỹ nhà TĐC luôn đi trước một bước, từng bước ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân tại các khu TĐC.
Minh Nghĩa