Tìm lời giải cho 'bài toán' bất bình đẳng giới - Bài 1: Những nỗi đau phía sau cánh cửa 

Việt Nam là một trong những quốc gia đạt thành tựu cao về thực hiện bình đẳng giới. Dù vậy tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em ở một số nơi vẫn là vấn đề được cả xã hội quan tâm.

Những năm qua, các cơ quan chức năng đã vào cuộc nhưng kết quả vẫn còn hạn chế. Việc giải quyết tận gốc vấn đề bình đẳng giới vẫn luôn là bài toán khó cần có sự vào cuộc của các cấp, ngành và việc triển khai hiệu quả chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác bình đẳng giới. 

Đa số những nạn nhân của bạo lực gia đình đều thừa nhận, thủ phạm gây ra những nỗi đau về tinh thần lẫn thể xác lại chính là người chồng mà họ đang hoặc đã từng "đầu gối, tay ấp". Nhiều phụ nữ trong số này chọn cách lặng im với hy vọng có thể gìn giữ hạnh phúc gia đình nhưng không ngờ, họ đã tự đẩy mình lún sâu vào những nỗi đau dai dẳng.

Chuyện “nội bộ” nên còn e ngại, trốn tránh

Dù cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bắc Xa vào tận nhà đón, chị Tô Thị Pho (trú tại thôn Bản Quầy, xã Bắc Xa, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn) vẫn chưa hết run khi chia sẻ với chúng tôi tại trụ sở UBND xã. Đã ngót 50 tuổi nhưng chị vẫn thường xuyên bị chồng "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" một cách vô cớ. “Bị đánh nhiều quá, không nhớ nổi nữa. Mỗi khi "nó" say rượu về lại quát mắng, đuổi tôi ra khỏi nhà. Nhiều lúc tôi muốn bỏ đi nhưng biết đi đâu được, đi thì các con ở nhà ăn gì, phải cố gắng mà ở thôi”, chị Pho tâm sự.

Chị Pho lấy chồng từ năm 20 tuổi, có năm mặt con với nhau nhưng chưa bao giờ chị được chồng quan tâm, kể cả lúc ốm đau cũng phải tự mình chăm sóc. Theo suy nghĩ của chồng chị và đàn ông trong thôn Bản Quầy, phụ nữ sinh ra không có quyền được lên tiếng, dù là chuyện nhỏ hay to trong nhà. Biết phận mình, chị Pho chấp nhận cam chịu cho cửa nhà yên ấm, nuôi con khôn lớn. Số chị toàn đẻ con gái và đó cũng trở thành cái cớ để chồng chị uống rượu nhiều hơn. Sau mỗi cơn say, chồng lại lôi chị ra đánh, chửi với lý do không đẻ được con trai.

"Có hôm đi rẫy cả ngày mệt quá, vừa ngủ thiếp đi thì "nó" uống rượu về ngồi chửi. Tôi chưa kịp ra ngoài đã bị "nó" vào giường lôi dậy đánh vì tội không ngồi nghe chồng chửi", chị Pho kể lại. 

Khác với chồng chị Pho, chị Hoàng Thị Sạch (trú tại thôn Tắp Tính, xã Bắc Xa) lại lấy phải người chồng không chỉ yêu thích "ma men" mà còn có máu cờ bạc. “Kiếm được đồng nào "nó" cũng đòi chia để đánh lô đề, nếu không đưa lại bị đánh. Mỗi lúc như vậy, tôi lại chạy sang nhà anh trai ở đầu làng trốn, chờ chồng tỉnh rượu thì quay về", chị Sạch chia sẻ. Người thân trong nhà đã khuyên giải nhiều lần nhưng không ăn thua, thậm chí cán bộ phụ nữ vào nhà nói chuyện cũng bị chồng chị đuổi đi. Chị Sạch đành chấp nhận số phận. 

Chủ tịch UBND xã Bắc Xa Tô Đức Sơn cho biết, đây là tình trạng chung của cả xã do nhận thức của người dân còn hạn chế. Những năm qua, các cấp ủy, chính quyền xã cũng chỉ đạo các đoàn thể, trong đó có Hội Liên hiệp phụ nữ, phối hợp các lực lượng chức năng tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến, giúp phụ nữ nâng cao hiểu biết, mạnh dạn lên tiếng khi xảy ra bạo lực gia đình, làm thế nào hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng này. Tuy nhiên, nhiều chị em vẫn coi bạo lực gia đình là chuyện “nội bộ” cho nên còn e ngại và trốn tránh.

Theo Cục trưởng Cục Bình đẳng giới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Ngọc Tiến, các vụ việc liên quan đến bạo lực đối với phụ nữ ngày càng phức tạp với nhiều hình thức khác nhau. Phụ nữ, trẻ em gái không chỉ là nạn nhân của bạo lực gia đình, mà còn là đối tượng bị mua bán, xâm hại tình dục và chịu nhiều hình thức bạo lực ngoài phạm vi gia đình.

"Việt Nam chưa có điều tra lớn về lĩnh vực này nhưng với sự hỗ trợ của Quỹ Dân số Liên hợp quốc, chúng tôi cùng với Tổng cục Thống kê đang tiến hành điều tra mở rộng. Dự kiến, cuộc điều tra sẽ kết thúc trong năm 2019. Chúng ta sẽ có báo cáo nghiên cứu về vấn đề này", ông Phạm Ngọc Tiến cho biết.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng hậu quả đối với nạn nhân của bạo lực gia đình gây tổn hại lớn về sức khỏe thể chất. Phụ nữ bị bạo hành trong thời gian dài dẫn đến tâm lý trầm cảm, buồn rầu, lo lắng, sợ hãi, mất tự tin, hoang mang, căng thẳng và tuyệt vọng. Không ít trường hợp có thể bị khuyết tật suốt đời, thậm chí dẫn đến tử vong. 

Theo Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà, Việt Nam là nước sớm tham gia các Công ước quốc tế và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng bảo vệ quyền con người, trong đó có phụ nữ và trẻ em. Tuy nhiên, môi trường sống còn tiềm ẩn nguy cơ thiếu an toàn, tình trạng bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em gái diễn biến phức tạp nghiêm trọng, gây bức xúc, lo lắng trong xã hội. Cứ 10 vụ ly hôn trong giai đoạn 2008-2018 thì gần chín vụ xuất phát từ lý do bạo lực gia đình.

Nguyên nhân từ nhiều phía

Theo các nhà nghiên cứu xã hội học, tư tưởng trọng nam khinh nữ và sự gia trưởng ăn sâu vào tiềm thức của đàn ông Việt Nam đã quá nhiều năm, rất khó thay đổi được coi là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng bạo lực trong gia đình. Điều này được thể hiện rõ trong đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa. Cùng với những quy định, ràng buộc của phong tục, tập quán, phụ nữ trong gia đình không được coi trọng, thậm chí trở thành "đối tượng" để chồng trút giận mỗi khi gặp chuyện không vui. 

"Đàn ông trong xã hội luôn coi mình là người có quyền năng để giải quyết mọi việc và phụ nữ không được phép phản đối. Đó là một trong những lý do đầu tiên trong vấn đề bất bình đằng giới", Cục trưởng Cục Bình đẳng giới Phạm Ngọc Tiến chia sẻ. 

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Tố Quyên, Phó trưởng Khoa Xã hội học (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), cho rằng tình trạng bạo lực trong gia đình ngày càng phức tạp có nhiều nguyên nhân. Đối với khu vực nông thôn, miền núi, nhận thức còn hạn chế nên những định kiến, tư tưởng nho giáo còn tồn tại nặng nề, trói buộc người phụ nữ phải tuân theo những nguyên tắc vốn đã lỗi thời. Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Tố Quyên, những phụ nữ sống trong môi trường này thậm chí không nhận thức được quyền của mình trong hôn nhân, họ tin rằng người đàn ông có quyền dạy vợ và luôn coi vẫn coi bạo lực gia đình là chuyện riêng của gia đình không muốn để lộ ra bên ngoài.  

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Tố Quyên phân tích, trong môi trường thành thị, mâu thuẫn dẫn đến bạo lực trong gia đình lại chủ yếu đến từ nguyên nhân do bất đồng quan điểm trong khi phải cùng nhau giải quyết quá nhiều vấn đề trong cuộc sống. "Thậm chí, hai vợ chồng được sinh ra ở hai vùng miền, cách nghĩ và lối sống khác nhau nên không tìm được tiếng nói chung trong giải quyết việc gia đình", Phó trưởng Khoa Xã hội học nêu ý kiến. 

Đồng tình với quan điểm này, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển Phạm Thị Hương Giang cho rằng không chỉ có phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa mới bị bạo lực, mà phụ nữ có trình độ học vấn cao cũng là nạn nhân của bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục. "Rất nhiều trường hợp phụ nữ là tiến sỹ, công tác ở nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau cũng đến với Trung tâm nhờ tư vấn tâm lý", bà Phạm Thị Hương Giang cho biết.

Phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển cho rằng việc người chồng rượu chè, hay hoàn cảnh đói nghèo... chỉ là tác nhân. Nguyên nhân căn bản vẫn là do tư tưởng bảo thủ, lạc hậu. Người đàn ông luôn coi họ có quyền lực và được sở hữu khi đã cưới vợ và phụ nữ phải tuân thủ việc này. Nếu nhận thấy quyền lực của mình có nguy cơ mất đi, họ sẽ dùng bạo lực để giải quyết vấn đề trong lúc mất tỉnh táo và đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. 

Bài 2: Giúp phụ nữ tìm lại sự bình yên 

Đỗ Bình (TTXVN)
Bất bình đẳng giới: Sức ì nhận thức và quan niệm xã hội
Bất bình đẳng giới: Sức ì nhận thức và quan niệm xã hội

Tại sao Luật Bình đẳng giới đề ra mục tiêu tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực nhưng trên thực tế vẫn tồn tại sự bất bình đẳng giữa hai giới? Lý do là có nhiều rào cản “lách luật” mà chủ yếu xuất phát từ sức ì nhận thức và quan niệm xã hội...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN