Dấu chân voi để lại tại xã Nà Nghịu. Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN |
Mặt khác, cá thể voi này thường xuất hiện vào ban đêm, tiến sát nhà dân gây tâm lý lo sợ, bất an cho bà con nên việc sớm di dời, bảo vệ cá thể voi này là điều cần thực hiện ngay.
Khu vực cá thể voi xuất hiện gần đây nhất, ngày 24/9, là bản Nà Lìu, xã Nà Nghịu. Tại khu vực này, những dấu vết của voi để lại vẫn còn nguyên. Nằm sát đường giao thông là những vết chân voi, rộng khoảng 30cm. Còn tại khu vực ruộng lúa của bản Nà Lìu, khi voi đi qua để lại những vệt hằn dài, cây lúa bị giẫm nát. Anh Lò Văn Piêng ở bản Nà Lìu, người trực tiếp chứng kiến voi rừng xuất hiện kể lại: Khoảng 5 giờ ngày 24/9, voi xuất hiện ở cuối bản. Lúc đó có đông người nên voi không quay lên rừng mà vòng sang bụi cây ven đường. Đến khoảng 14 giờ, khi vắng người, voi mới đi ra và tiến về phía khu rừng trên núi.
Việc voi rừng xuất hiện tại khu vực dân cư đã gây sự tò mò, hiếu kỳ đối với người dân. Theo Hạt Kiểm lâm Sông Mã, cá thể voi này sống ở khu vực rừng Sông Mã từ khá lâu, đã nhiều lần phá hoại hoa màu, cây nông nghiệp của bà con, nhưng đến nay chưa có biện pháp hữu hiệu để xử lý. Ông Cà Văn Nghĩa – Kiểm lâm viên, Hạt Kiểm lâm Sông Mã cho biết: Những lần trước, voi thường từ trên rừng xuống vào ban đêm và quay lên lúc gần sáng, nhưng ngày 24/9 vừa qua, nó lưu lại cả ngày. Vì vậy, người dân mới nhìn thấy voi ngay cạnh đường quốc lộ. Sau khi nghe tin báo, Hạt Kiểm lâm cùng với các lực lượng địa phương dùng loa kêu gọi dân bản không đến gần.
Dấu vết voi đi qua ruộng của người dân xã Nà Nghịu. Ảnh: TTXVN phát |
Chính quyền địa phương và Hạt Kiểm lâm Sông Mã phối hợp với UBND các xã, thị trấn, nơi có voi thường xuyên xuất hiện tuyên truyền, vận động bà con cách phòng tránh và bảo vệ tính mạng cũng như bảo vệ voi với biện pháp xua đuổi bằng tiếng kẻng và đèn pin, không ném đá hay đuổi đánh voi. Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Sông Mã Lò Văn Thiệu cho biết, khi chưa có phương án di chuyển voi, đơn vị sẽ phối hợp với các phòng, ban của huyện và các đơn vị liên quan tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện công tác bảo vệ voi, phòng tránh voi nhằm đảm bảo an toàn tính mạng. Đơn vị đề nghị các cấp có thẩm quyền sớm thực hiện phương án di chuyển voi đến nơi có đủ điều kiện sinh sống, để bảo tồn và phát triển giống nòi.
Qua khảo sát của ngành chức năng tỉnh Sơn La, cá thể voi xuất hiện tại huyện Sông Mã là voi cái, khoảng từ 25 – 30 tuổi, cân nặng khoảng 4 tấn và đang trong độ tuổi sinh sản. Trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến nay, cá thể voi này đã xuất hiện tại nhiều xã của huyện Sông Mã như Chiềng Khoong, Nà Nghịu, Huổi Một. Đặc biệt, trong năm 2017, tần suất xuất hiện của cá thể voi ngày càng nhiều hơn.
Ông Lương Ngọc Hoan - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sơn La cho biết: Đối với cá thể voi xuất hiện ở Sông Mã, từ năm 2016, Chi cục đã báo cáo và đề nghị Tổng cục Lâm nghiệp xem xét các phương án bảo vệ. Sau khi làm việc, Tổng cục Lâm nghiệp đã cho ý kiến và Chi cục đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La trình UBND tỉnh phương án di chuyển voi. Dự kiến, sẽ thực hiện phương án di chuyển voi vào cuối năm 2017. Cùng với đó, Chi cục Kiểm lâm đã liên hệ trực tiếp với Vụ Bảo tồn động vật hoang dã (Tổng cục Lâm nghiệp) để phối hợp, xây dựng phương án di chuyển voi. Tỉnh Sơn La đang chờ Tổng cục Lâm nghiệp xem xét để có phương án cụ thể di chuyển cá thể voi này đến địa bàn khác, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân, đồng thời bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm.