Thông tin ban đầu, sáng cùng ngày, chị H.T.P (trú tại xã Phong An, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế), có dấu hiệu trở dạ nên gia đình thuê thuyền đưa đến cơ sở y tế. Khi đi đến khu vực nước chảy xiết, thuyền bị lật, chị P rơi xuống nước và bị nước lũ cuốn trôi. Phát hiện vụ việc, một số người dân gần đó chạy đến ứng cứu nhưng do lũ lớn, không có phương tiện cứu hộ nên đành bất lực.
Nhận được tin báo, các lực lượng chức năng địa phương đã vào cuộc tìm kiếm, tuy nhiên nước lên cao, chảy xiết nên việc tìm kiếm gặp nhiều khó khăn. Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế tăng cường 4 xuồng cứu hộ, 6 thợ lặn cùng các phương tiện tìm kiếm nạn nhân. Sau nhiều giờ nỗ lực tìm kiếm trong điều kiện thời tiết khó khăn, đến khoảng 13 giờ ngày 12/10, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể của chị P cách vị trí gặp nạn 100m.
Thực hiện các biện pháp khẩn cấp ứng phó với mưa lũ kéo dài
Ngày 12/10, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức họp trực tuyến với các sở, ban, ngành, địa phương về công tác ứng phó lũ lụt trên địa bàn tỉnh.
Biểu dương sự cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc nhanh chóng, kịp thời của lực lượng vũ trang, lực lượng các địa phương, các ban, ngành trên địa bàn tỉnh để hạn chế thấp nhất những thiệt hại do mưa lũ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ yêu cầu các cấp, các ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, tiếp tục thực hiện các biện pháp khẩn cấp ứng phó với mưa lũ kéo dài, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, không để một ai bị thiếu đói. Các địa phương chủ động thông tin kịp thời, bố trí lực lượng hướng dẫn giao thông, đặc biệt là tại các khu vực thường xuyên ngập sâu, chảy xiết khi mưa lũ; hướng dẫn người dân chủ động dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu đề phòng mưa lũ gây ngập úng, chia cắt kéo dài.
Tại các hồ chứa thủy lợi, thủy điện xung yếu, nhất là các hồ đập vừa và nhỏ đã đầy nước, có nguy cơ mất an toàn cao, cần bố trí lực lượng trực canh, có phương án chủ động sơ tán dân cư ở hạ lưu để bảo đảm an toàn khi có tình huống; rà soát bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để sẵn sàng triển khai ứng cứu khi xảy ra sự cố. Các ngành điện, nước, viễn thông cần đảm bảo kết nối, nhu cầu của người dân trong mọi tình huống.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, tính đến 14 giờ ngày 12/10, mưa lũ đã làm 4 người người chết, 1 người mất tích, 7 người bị thương; gần 63.000 ngôi nhà bị ngập lụt từ 0,5 - 1,8m. Hầu hết các tuyến đường tỉnh đã ngập sâu, tắc giao thông, ngành giao thông đã rào chắn hạn chế đi lại. Hệ thống đường ở các huyện, thị xã hầu hết cũng ngập úng, bị cô lập. Toàn tỉnh có 332 ha hoa màu,150 ha sắn, 1 ha cây ăn quả, 10 ha trồng đất và 10.000 chậu hoa các loại bị hư hại. Bờ biển tiếp tục bị sạt lở nặng với chiều dài hơn 10 km tập trung tại thị xã Hương Trà và huyện Phú Vang. Điện lực Thừa Thiên - Huế đã xuất tuyến 60% nguồn trên địa bàn, những vùng cao có điện; các huyện ngập nặng gồm Phong Điền; Quảng Điền, Phú Vang, thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy và một số khu vực thành phố Huế bị mất điện hoàn toàn.
Những ngày qua, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh đã huy động lực lượng hàng ngàn người, hàng chục phương tiện phục vụ công tác ứng phó với lũ lớn, đảm bảo an toàn cho người dân, tìm kiếm người bị mất tích, khắc phục khẩn cấp các thiệt hại. Hiện, chính quyền địa phương các cấp cùng lực lượng chức năng đã sơ tán 11.608 hộ, với hơn 35.435 nhân khẩu từ các vùng xung yếu, thấp trũng ven sông, ven suối đến nơi trú ẩn an toàn. Ngoài hỗ trợ khẩn cấp của các địa phương, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chỉ đạo xuất cấp từ nguồn dự trữ lương thực phòng, chống thiên tai cấp tỉnh để cứu trợ khẩn cấp cho hộ di dời phòng tránh mưa lũ trên địa bàn các huyện, thị xã 25.000 thùng mì tôm.
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thiết lập đường dây nóng 19001075 hỗ trợ ứng phó mưa lũ cho cộng đồng; đường dây nóng đã tiếp nhận và hỗ trợ điều phối cứu nạn, cứu hộ 460 trường hợp. Hơn 640.000 thuê bao được tiếp cận thông tin cảnh báo phòng, chống bão lụt.