Tín dụng cho học sinh, sinh viên: Cơ hội tiến thân cho người nghèo

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 853/QĐ-TTg ngày 3/6/2011 điều chỉnh mức cho vay và lãi suất cho vay đối với học sinh, sinh viên áp dụng từ 1/8/2011. Cụ thể mức tối đa cho học sinh, sinh viên vay sẽ nâng từ 900.000 đồng lên 1.000.000 đồng/tháng. Cùng với đó, lãi suất cho vay cũng nâng từ 0,5% lên 0,65%/tháng.

Đây là một tin vui, tạo một tâm lý an tâm, phấn khởi cho đông đảo phụ huynh học sinh, sinh viên, nhất là những gia đình nông dân hộ nghèo và cận nghèo. Đặt trong bối cảnh nền kinh tế đất nước nói chung vẫn chưa thoát khỏi tình trạng suy giảm, lạm phát và nhất là lãi suất còn ở mức rất cao thì Chương trình Tín dụng ưu đãi cho học sinh, sinh viên này thực sự là “chiếc phao” giúp những học sinh nông thôn có thêm điều kiện và sự quyết tâm để thực hiện mơ ước của mình.

Một quyết định hợp lòng dân

Chị Nguyễn Thị Tám ở xã Duy Hải - Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, thuộc diện hộ nghèo, để nuôi được 4 người con học đại học phải nhờ ngân hàng xét duyệt cho vay hơn 122 triệu đồng, nói: “Trong mấy năm gần đây, 4 lần nhận được giấy báo con đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, nhà tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì công lao mười mấy năm ăn học nay con mình đã thi đỗ, cơ hội tiến thân của người dân nghèo bao đời đã mở ra... Song ngay sau đó vợ chồng tôi lại lo làm sao đủ tiền bạc chu cấp cho con đi học xa suốt cả quá trình dài. May sao có Chương trình Tín dụng ưu đãi cho HS, SV của Nhà nước, gia đình tôi không còn phải chạy đôn, chạy đáo, vay của tư nhân lãi gấp bốn, năm lần ngân hàng thương mại mà thời hạn trả nợ lại rất ngắn”.

Một phụ huynh đến làm thủ tục xin vay vốn cho con học đại học tại bộ phận Một cửa của tỉnh Bình Định bất ngờ gặp gỡ Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và đoàn công tác về kiểm tra cơ sở này ngày 10/6/2011 đã chạy đến để "xin được trực tiếp nói lời cảm ơn thầy Nhân" . Ảnh: Từ Lương


Cũng giống như chị Tám, ông Tô Văn Hòa (thị trấn Tân An - Hiệp Đức, Quảng Nam) và bà Phan Thị Thâm (xã Bình Quế - Thăng Bình, Quảng Nam) được vay 64 triệu đồng để cho 3 người con đi học, ông Nguyễn Đình Thân (xã Tam Phước – Phú Ninh, Quảng Nam) vay 57 triệu đồng cho 2 người con học đại học. Những người cha, người mẹ này đều có chung tâm trạng: Con nào cũng là mình dứt ruột đẻ ra và nuôi khôn lớn, không lẽ vì thiếu tiền mà “đứa được đi học, đứa bắt nghỉ thì tội lắm, mà lo cho cả 3 – 4 con cùng ăn học một lúc thì quá sức đối với bất cứ một gia đình nào ở nông thôn”.

Còn hàng nghìn trường hợp khác mà nếu không có nguồn vốn tín dụng đối với HS, SV thì có lẽ các em đã phải buộc lòng ngậm ngùi dừng bước trước ngưỡng cửa trường đại học.

Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội cho biết: Tính đến 30/4/2011, Chương trình Tín dụng ưu đãi cho HS, SV có tổng dư nợ đạt 30.040 tỷ đồng, giúp cho 2,1 triệu HS, SV của gần 1,9 triệu gia đình có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục đến trường.

Nghĩ về một cách làm đồng bộ khi xây dựng chính sách

Là người nêu ý tưởng và tâm huyết với chủ trương mang đầy tính nhân văn này, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã trực tiếp chủ trì hàng chục cuộc họp trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương để bàn cách triển khai chương trình hiệu quả nhất. Thời kỳ đầu khi chương trình mới hình thành (năm 2006 - 2007), gần như tháng nào ông cũng tổ chức họp, bất kể ngày nghỉ hay ngoài giờ hành chính. Sau mỗi lần họp ấy, một vấn đề khúc mắc, một “nút thắt” lại được tháo gỡ mà bao giờ kết quả cũng là sự thuận tiện hơn cũng thuộc về người dân. Đó là việc nhiều lần cải tiến quy trình, thủ tục cho vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội như chuyển từ cho vay trực tiếp HS, SV sang cho vay qua hộ gia đình, giải ngân qua thẻ ATM, giải ngân hoặc thu nợ tại các điểm giao dịch xã…

Không chỉ tạo cho người dân nghèo một cơ hội để tiếp tục học lên các bậc học cao hơn, mà những người xây dựng chính sách còn luôn suy xét đảm bảo các điều kiện để chính sách không bị lợi dụng. Cùng với quy định mở rộng đối tượng cho vay từ năm học 2010 - 2011, chương trình quy định chặt chẽ hơn: Các đối tượng mà gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh trong thời gian theo học được cho vay một lần với thời hạn không quá 12 tháng thay vì cả khóa học như trước.

Mới đây, chương trình cũng nâng mức lãi suất cho vay từ 0,5% lên 0,65%/tháng, tránh để mức lãi suất thấp làm tăng gánh nặng đối với ngân sách nhà nước, đồng thời tạo tâm lý bao cấp của Nhà nước, không đảm bảo được mục tiêu chính của xã hội hóa là Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Chính vì luôn coi trọng tính đồng bộ trong xây dựng chính sách nên Chương trình Tín dụng cho HS,SV đã đạt được cả hiệu quả an sinh xã hội và kinh tế, khả năng thu hồi nợ luôn đạt ở mức cao. Ông Trần Văn Tỳ - Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Yên Bái, cho biết: “Việc thu nợ với các đối tượng được vay vốn là khá thuận lợi. Doanh số thu nợ đến hết 31/12/2010 là 11.552 triệu đồng, trong đó năm 2008 thu 297 triệu đồng; năm 2009 thu được 3,5 tỷ đồng; năm 2010 thu được 7,711 tỷ đồng. Nợ quá hạn hiện tại là 271 triệu đồng (chiếm 0,14% tổng dư nợ của chương trình tại tỉnh Yên Bái), trong khi đó dư nợ quá hạn chung của các chương trình tín dụng do Ngân hàng Chính sách Xã hội đang thực hiện là 1,13%.

Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc, ông Nguyễn Kim Thanh cũng cho rằng: Với mức vay từ 4 - 4,5 triệu đồng/ người/học kỳ, tính liên tiếp trong cả quá trình học như hiện nay và kỳ hạn hoàn trả vốn khá dài tùy theo thời gian học, thì HS, SV khá yên tâm để chuyên tâm vào chuyện học tập. Sau này ra trường, các em đi làm cùng giúp gia đình trả nợ ngân hàng là điều đơn giản.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân:
 “Đầu tư cho giáo dục chính là đầu tư cho phát triển bền vững. Tín dụng ưu đãi cho HS, SV còn nhằm đảm bảo không để bất cứ HS, SV nào phải bỏ học vì lý do học phí, đảm bảo cơ hội học tiếp lên cao cho tất cả người nghèo”.

Kết quả kiểm tra liên ngành của các đoàn trong tháng 6/2011 khẳng định: Khả năng thu hồi nợ của Chương trình Tín dụng ưu đãi cho HS, SV là rất khả quan. Bởi đối tượng vay nợ thường không phải diện hộ nghèo mà thường là các hộ cận nghèo hoặc các hộ vốn chưa quá khó khăn nhưng sẽ rơi vào khó khăn ngay nếu phải vay nợ nuôi 2 - 3 con đi học ở thành phố. Họ thường là những gia đình ở làng xóm được đánh giá là có quyết tâm và lòng tự trọng rất cao. Vì thế, thực tế, Tín dụng sinh viên là chương trình mang tính chất đầu tư cho phát triển nhiều hơn là xóa đói giảm nghèo.

Việt Nam vừa thoát ra khỏi nước kém phát triển, các chính sách an sinh xã hội mang tính đầu tư cho phát triển còn mới mẻ nhưng không thể vì thế mà chúng ta lại áp dụng những tiêu chí của các chính sách xóa đói giảm nghèo. Không thể lấy quy định về hộ nghèo để áp dụng cho chương trình này.

Các đoàn kiểm tra cũng nêu kiến nghị: Trong bối cảnh hiện nay, Đảng, Nhà nước đang đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 11 với mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội thì rất cần mở rộng đối tượng cho vay là hộ gia đình có từ 2 con học ĐH, CĐ trở lên.

Huy Bình

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN