Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì phiên họp thứ ba Ban chỉ đạo Tổng kết 40 năm đổi mới
Sáng 12/6, tại Phủ Chủ tịch, Ban Chỉ đạo Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam đã tổ chức phiên họp thứ ba.
Tại phiên họp, Ban Chỉ đạo đã nghe công bố quyết định của Bộ Chính trị về kiện toàn, bổ sung thành viên và lãnh đạo của Ban Chỉ đạo; nghe báo cáo tình hình triển khai nhiệm vụ tổng kết 40 năm đổi mới, đánh giá về nội dung, tiến độ và những kết quả đạt được cho đến nay.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch nước Tô Lâm đánh giá cao tinh thần làm việc trách nhiệm, sáng tạo và hiệu quả của các thành viên Ban Chỉ đạo tổng kết và các bộ phận liên quan. Để bảo đảm chất lượng và tiến độ của công tác tổng kết 40 năm đổi mới, Chủ tịch nước đề nghị tiếp tục quán triệt các nguyên tắc, yêu cầu: Kiên định và vận dụng phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, bám sát các quan điểm và nội dung Cương lĩnh chính trị của Đảng, tuân thủ những quy định của Hiến pháp. Nghiên cứu, tham khảo, tiếp thu có chọn lọc, vận dụng phù hợp, sáng tạo những thành tựu lý luận và kinh nghiệm thực tiễn của các quốc gia trên thế giới, nhất là những quốc gia tiên tiến và những quốc gia có sự tương đồng với Việt Nam vào việc phát triển, hoàn thiện lý luận về xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Theo Chủ tịch nước, cần phải kế thừa kết quả các lần tổng kết 20 năm, 30 năm đổi mới, tổng kết quá trình thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; bám sát các nghị quyết các kỳ đại hội Đảng, nhất là các kỳ đại hội gần đây và các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ XII, XIII; bám sát tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong kết luận tại Hội nghị Trung ương lần thứ 9 và trong các sách, bài viết, bài nói gần đây.
Chủ tịch nước yêu cầu cần tiếp tục huy động sự tham gia nhiều nhất để phát huy trí tuệ của các nhà khoa học, các chuyên gia, các cán bộ lãnh đạo quản lý có nhiều kinh nghiệm, các tầng lớp nhân dân, đóng góp vào công tác tổng kết.
Đoàn Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng làm việc tại các địa phương
Tuần 10-16/6, các Đoàn Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng đã làm việc trực tiếp tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Thanh Hoá và tại Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Thanh Hoá ngày 13, 14 và 15/6/2024, Đoàn Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng do đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Thường trực Tiểu ban Văn kiện làm Trưởng đoàn nghe báo cáo của các địa phương về tình hình, kết quả 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng tại địa phương; việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nhiệm kỳ Đại hội XIII (2021-2025); công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; định hướng tiếp tục đổi mới của địa phương trong thời gian tới và các ý kiến trao đổi tại buổi làm việc.
Thay mặt Đoàn công tác, đồng chí Phan Đình Trạc đã ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực, cố gắng và những kết quả đạt được của Đảng bộ và nhân dân các địa phương qua 40 năm thực hiện đường lối đổi mới và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tại địa phương; nhất là những bài học kinh nghiệm rút ra. Đồng chí Phan Đình Trạc cũng chỉ ra một số hạn chế, khó khăn của các địa phương trong một số lĩnh vực hoạt động chủ yếu, gợi mở một số vấn đề mà lãnh đạo địa phương cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; ghi nhận và tổng hợp những kiến nghị của địa phương để báo cáo Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng.
Trong ngày 14/6, tại Hà Nội, Đoàn Tiểu ban Văn kiện đại hội Đảng XIV do đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Thường trực Tiểu ban Văn kiện, Tổ trưởng Tổ Biên tập Văn kiện Đại hội XIV, làm Trưởng đoàn đã làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tại buổi làm việc, Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng ghi nhận và đánh giá cao những sáng kiến đột phá, mô hình phát triển rất năng động, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn qua gần 40 năm đổi mới, trong đó có hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và gần 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lần thứ III (nhiệm kỳ 2020-2025). Đoàn công tác ghi nhận và tổng hợp những kiến nghị của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn để báo cáo Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng.
Tưng bừng “hành trình đỏ” và tôn vinh tấm gương tiêu biểu hiến máu cứu người
Nhân dịp ngày Thế giới tôn vinh những người hiến máu (14/6), từ ngày 13-15/6, Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện đã tổ chức Chương trình thường niên “Tôn vinh người hiến máu tình nguyện tiêu biểu toàn quốc” năm 2024.
Tại Hà Nội, Hà Nam, Lai Châu, Quảng Nam, Tiền Giang, Đồng Tháp…, các địa phương đã tổ chức các Ngày hội hiến máu và tôn vinh người hiến máu tiêu biểu năm 2024.
Đặc biệt, ngày 14/6, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã gặp mặt, động viên 100 đại biểu là người hiến máu tình nguyện tiêu biểu toàn quốc năm 2024. Chủ tịch Quốc hội biểu dương toàn thể những người tình nguyện hiến máu trong cả nước, cảm ơn những tấm lòng nhân ái, đầy tình yêu thương trong cộng đồng. Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao vai trò tham mưu của Bộ Y tế, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; hoạt động của Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện các cấp, các cơ quan, đơn vị. Đặc biệt là sự tiên phong, sáng tạo và tâm huyết của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, nhân viên, tình nguyện viên của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã phối hợp với các đơn vị cùng gây dựng, duy trì và phát triển được phong trào hiến máu tình nguyện đầy sức sống, mang đậm tình yêu thương và góp phần quan trọng trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân…
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện các cấp, các cơ quan, đơn vị tăng cường hơn nữa sự quan tâm, lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với hoạt động hiến máu tình nguyện; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội đối với công tác vận động và tổ chức hiến máu; lan toả những tấm gương hiến máu cứu người, ứng dụng chuyển đổi số, tạo liên thông giữa các trung tâm máu, bệnh viện có tiếp nhận máu; rà soát lại hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động truyền máu, đến người hiến máu…
Tại Việt Nam, sau 30 năm chính thức phát động phong trào hiến máu (24/1/1994 – 24/1/2024), toàn quốc đã vận động và tiếp nhận trên 21,3 triệu đơn vị máu..
Nhiều chiến dịch, sự kiện, chương trình hiến máu tình nguyện lớn được triển khai thành công, thu hút sự tham gia, hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo các tầng lớp nhân dân, như: “Chiến dịch vận động hiến máu tình nguyện dịp Tết” và Lễ hội Xuân hồng, Chủ nhật Ðỏ; “Chiến dịch những giọt máu hồng - hè” và Hành trình Ðỏ… Cả nước đã thành lập được 4.530 câu lạc bộ hiến máu tình nguyện với 153.170 thành viên tham gia. Công tác xây dựng lực lượng hiến máu dự bị ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo cũng được quan tâm, triển khai có hiệu quả.
Tăng điểm bán và triển khai bán vàng miếng online
Tuần qua, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) triển khai tiện ích Đăng ký mua vàng miếng SJC trực tuyến cho khách hàng ngay trên website của Vietcombank.
Theo đó, khách hàng có thể đăng ký online mua vàng miếng SJC và nhận xác nhận lịch hẹn thực hiện thanh toán, giao nhận vàng. Từ 12/6, ngân hàng này chỉ cung cấp dịch vụ bán vàng miếng SJC cho khách hàng đã đăng ký trên website. Thời gian đăng ký mua vàng miếng SJC trực tuyến hàng ngày (ngoại trừ ngày nghỉ, ngày lễ theo qui định) là từ 9 – 16 giờ. Thời gian thanh toán và giao nhận vàng là từ 13 giờ 30 phút -16 giờ. Giá vàng là giá được Vietcombank niêm yết tại thời điểm thực hiện thanh toán và giao nhận mua vàng miếng tại địa điểm của Vietcombank.
Sau khi Vietcombank triển khai hình thức mua bán online này, tình trạng người dân xếp hàng từ 3-4h sáng để lấy số mua vàng tại các điểm bán của Vietcombank đã giảm đáng kể.
Đồng thời, trong tuần qua, Vietcombank và Agribank cũng mở thêm một số điểm bán vàng miếng SJC cho người dân tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Cũng trong tuần qua, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với cơ quan công an để xác minh và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, thao túng thị trường và sẽ chủ động triển khai các giải pháp để đấu tranh mạnh mẽ với hiện tượng đầu cơ, gom hàng.
Các địa phương chuẩn bị tốt cho thi tốt nghiệp THPT
Tuần qua, các Đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo do Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và các Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, Phạm Ngọc Thưởng, Nguyễn Văn Phúc, Nguyễn Thị Kim Chi làm trưởng đoàn, đã thị sát làm việc về công tác chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại các địa phương: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Hậu Giang, Long An, Cần Thơ…
Thực tế kiểm tra, khảo sát về công tác chuẩn bị thi THPT cho thấy, tại các địa phương, ngành GD-TT đang khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết đảm bảo cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 diễn ra an toàn, nghiêm túc và đạt kết quả cao. Công tác ôn tập cho học sinh lớp 12 được các nhà trường "tăng tốc" kết hợp với việc tổ chức tập huấn nghiệp vụ coi thi, chuẩn bị chu đáo về cơ sở vật chất cũng như các phương án đảm bảo an ninh, an toàn tại các điểm thi. Bên cạnh đó, các ban, ngành liên quan thực hiện tốt công tác hỗ trợ: Bảo đảm an ninh, an toàn cho đề thi, cung cấp điện, phân luồng giao thông, tiếp sức mùa thi, chuẩn bị chỗ nghỉ cho cán bộ coi thi, chăm lo về y tế cho thí sinh và cán bộ coi thi, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm…
Tại các trường học ở vùng cao, vùng xa, các điểm thi có phương án đảm bảo an toàn trong điều kiện xảy ra mưa, bão, lũ lụt, xây dựng các phương án đưa đón học sinh đến ở trọ khu vực gần trường thi; tổ chức các bữa ăn và nước uống miễn phí cho các thí sinh, hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện tốt nhất để các em yên tâm dự thi.
Tại các địa phương đến kiểm tra, lãnh đạo Bộ GD- ĐT nhấn mạnh, công tác tổ chức ôn thi, động viên các em học sinh cần được đặc biệt coi trọng, làm sao cho việc tổ chức kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, nhưng cũng bảo đảm cho thí sinh có môi trường thi cử thoải mái, tâm trạng tốt để làm bài tốt nhất. Trong tổ chức thi, các địa phương cần bảo đảm an toàn tuyệt đối khâu sao in, vận chuyển, cất trữ đề thi; giám sát tuân thủ quy chế thi, có biện pháp phòng chống các biểu hiện gian lận, đặc biệt là gian lận bằng công nghệ cao; tăng cường tính công khai, minh bạch tất cả các khâu của kỳ thi.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm nay cả nước có 1.071.395 thí sinh đăng ký dự thi, tăng khoảng 45.000 thí sinh so với năm trước. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 26-28/6.