Chuyên gia nói gì về việc mở lại các đường bay quốc tế bằng "hộ chiếu vaccine"
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa giao các bộ, ngành liên quan chuẩn bị phương án triển khai áp dụng "hộ chiếu vaccine" và mở lại đường bay quốc tế, giao thương có kiểm soát.
Đánh giá về chủ trương này, TS Bùi Doãn Nề, chuyên gia hàng không, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) chia sẻ, đây là vấn đề cần làm ngay, nếu làm muộn sẽ làm mất đi cơ hội. Bản thân VABA đã có văn bản kiến nghị Chính phủ từng bước mở cửa, nối lại đường bay quốc tế, chấp nhận cho khách nước ngoài nhập cảnh khi có chứng nhận tiêm vaccine; đặc biệt từ các quốc gia có lượng khách lớn hoặc tiềm năng, đã kiểm soát được dịch bệnh cho hành trình Việt Nam và ngược lại như châu Âu, Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản...
"Chúng tôi rất mong Bộ Y tế sớm ban hành chứng chỉ tương tự như thế này và quy trình kiểm tra, nhập cảnh với khách quốc tế đến Việt Nam trên các chuyến bay thương mại. Đây là cơ hội để Việt Nam chứng tỏ với thế giới về một đất nước cởi mở, hội nhập và kiểm soát dịch hiệu quả", TS Bùi Doãn Nề nói.
Còn theo PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), sau hơn một năm bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 đã khiến hoạt động giao thương trên thế giới bị ngừng trệ. Hiện nhiều nước đã đẩy mạnh việc triển khai áp dụng “hộ chiếu vaccines” vì vậy chúng ta cũng phải bắt tay vào làm ngay nếu không sẽ bỏ qua cơ hội này.
“Tôi cho rằng "hộ chiếu vaccine" chính là chìa khóa mở đường bay quốc tế và vấn đề với Việt Nam bây giờ là tốc độ triển khai”, PGS. TS Ngô Trí Long chia sẻ.
Cũng theo quan điểm của chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nếu có quy trình cụ thể, sự phối hợp trong việc mở lại đường bay quốc tế, tổ chức du lịch cho khách bay quốc tế đã có "hộ chiếu vaccine" và quản lý phòng chống dịch, hiệu quả mang lại sẽ rất lớn. Đây là cơ hội để chúng ta hồi phục phát triển kinh tế.
“Các bộ được Chính phủ giao chủ trì thực hiện chỉ đạo này; trong đó có Bộ Y tế cần tổ chức đánh giá, triển khai ngay phương án nêu trên. Đừng chậm trễ như năm ngoái, khi đã có chủ trương đồng ý mở bay quốc tế với những quốc gia kiểm soát dịch tốt, nhưng các hãng hàng không mãi không bay được vì các bộ vẫn chưa ban hành quy trình quản lý, kiểm soát khách nhập cảnh”, ông Ngô Trí Long đánh giá.
Một chuyên gia trong lĩnh vực du lịch phân tích ngành du lịch đóng góp lớn cho sự phát triển đất nước với tổng doanh thu đạt 36 tỷ USD năm 2019, song phải đóng băng hơn một năm qua. Do vậy việc dần mở lại đường bay quốc tế là cần thiết. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng lo ngại nếu quy trình nhập cảnh không chặt chẽ, chỉ cần sơ suất nhỏ, một trường hợp mang mầm bệnh vào trong nước, lây ra cộng đồng thì không chỉ ảnh hưởng đến ngành du lịch mà nhiều ngành khác, gây thiệt hại kinh tế rất lớn.
“Vì vậy, Việt Nam chỉ nên công nhận "hộ chiếu vaccine" của các quốc gia, vùng lãnh thổ đã có quy trình kiểm định, cấp hộ chiếu hoặc chứng chỉ tiêm vaccine COVID-19 một cách chặt chẽ. Nghĩa là phải đảm bảo chính xác, an toàn, dù có hộ chiếu vaccine thì sau khi nhập cảnh vẫn phải xét nghiệm bắt buộc", vị chuyên gia này cho hay.
Theo các chuyên gia kinh tế, thời gian đầu, Việt Nam nên mở cửa đón khách quốc tế đến các địa điểm du lịch cụ thể; hạn chế việc di chuyển qua nhiều địa phương của du khách... Mặc khác, người dân ở những nơi mở cửa đón khách du lịch quốc tế cần được tiêm vaccine để tạo miễn dịch cộng đồng. Nếu chưa có điều kiện tiêm cho tất cả thì ưu tiên những người phục vụ trong ngành du lịch.
Nhìn sang các nước thế giới trong việc triển khai “hộ chiếu vaccine”, ngày 17/3 vừa qua, Ủy ban Châu Âu đã thông qua Chứng chỉ xanh kỹ thuật số, dưới dạng ứng dụng cài trên điện thoại hoặc in ra giấy (tương tự Sổ tiêm chủng quốc tế). Chứng chỉ này chỉ lưu giữ những thông tin cá nhân tối thiểu, bao gồm họ tên, ngày sinh và số thẻ căn cước. Phần thông tin y tế sẽ bao gồm ngày tiêm chủng vaccine COVID-19, loại vaccine, kết quả xét nghiệm, hoặc xác nhận đã hồi phục sau khi bị nhiễm virus. Những người có chứng chỉ này sẽ được đi lại, du lịch ở 27 nước châu Âu.
Một số nước đã phát hành "hộ chiếu vaccine" COVID-19, như Trung Quốc. Thái Lan cũng đã công bố kế hoạch cấp hộ chiếu vaccine và giảm thời gian cách ly bắt buộc những người đã tiêm chủng.
Dưới góc độ Hãng hàng không quốc gia, đại diện Vietnam Airlines cho biết, với kinh nghiệm phục vụ nhiều chuyến bay quốc tế trong thời gian dịch bệnh và năng lực phòng, chống dịch dẫn đầu ngành hàng không, Vietnam Airlines sẵn sàng phối hợp cùng các cơ quan chức năng nghiên cứu, xây dựng, thử nghiệm “hộ chiếu vaccine” trong lộ trình từng bước khôi phục mạng bay quốc tế.
“Trong thời gian tạm dừng khai thác các đường bay quốc tế thường lệ, Hãng hàng không Quốc gia vẫn duy trì hoạt động thường xuyên trên mạng bay quốc tế qua các chuyến bay đưa công dân hồi hương, vận chuyển hàng hóa và chở hành khách một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài. Đồng thời, Vietnam Airlines luôn theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch bệnh và bám sát thị trường để có phương án khai thác trở lại mạng bay quốc tế phù hợp. Với mỗi thị trường, hãng đều bố trí tổ nhân lực chuyên trách theo dõi, xây dựng kế hoạch khai thác để sẵn sàng lên lịch bay”, đại diện Vietnam Airlines chia sẻ.
Hiện "Hộ chiếu vaccine" được hiểu là tài liệu kỹ thuật số chứng minh một cá nhân đã được tiêm phòng virus, trường hợp này là COVID-19 (còn được gọi là thẻ sức khỏe kỹ thuật số). Tài liệu này được lưu trữ trên điện thoại hoặc ví kỹ thuật số, dữ liệu hiển thị dưới dạng mã QR.
Việt Nam không ghi nhận có ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua
Tính đến 18 giờ ngày 21/3, Việt Nam không ghi nhận thêm ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua. Tổng số người đang cách ly phòng dịch là 37.174 trường hợp Đến 18 giờ ngày 21/3, Việt Nam có tổng cộng 1601 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay 908 ca.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 37.174 người, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 490 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 17.990 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 18.694 người.
Theo báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), trong số các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính với virus SARS-CoV-2 là 118 ca.
Khởi tố bị can Nguyễn Đức Chung liên quan vụ chế phẩm Redoxy 3C xử lý nước hồ
Ngày 17/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Đức Chung (nguyên Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội) liên quan vụ mua chế phẩm Redoxy 3C để xử lý, duy trì chất lượng hồ trên địa bàn Thành phố Hà Nội trái quy định, gây thiệt hại tài sản Nhà nước.
Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đang điều tra vụ án hình sự "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội và các đơn vị liên quan theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 14/CSKT-P12 ngày 27/4/2020 của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an.
Quá trình điều tra mở rộng vụ án xác định: Ông Nguyễn Đức Chung, nguyên Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội và ông Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Arktic đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, chỉ đạo Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội mua chế phẩm Redoxy 3C của Công ty Watch water - Cộng hòa Liên bang Đức qua Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Arktic do Nguyễn Trường Giang làm Giám đốc để xử lý, duy trì chất lượng hồ trên địa bàn Thành phố Hà Nội trái quy định, gây thiệt hại tài sản Nhà nước.
Căn cứ kết quả điều tra, ngày 17/3/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại UBND Thành phố Hà Nội và các đơn vị liên quan. Đồng thời, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh tạm giam, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với 2 bị can về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, gồm: Nguyễn Đức Chung, nguyên Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội; Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Arktic.
Sau khi Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao (Vụ 3) phê chuẩn, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã thi hành các Quyết định, Lệnh nêu trên đúng quy định của pháp luật.
Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đang tiếp tục điều tra triệt để, mở rộng vụ án và áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi tài sản cho Nhà nước.
YouTuber Thơ Nguyễn bị xử phạt 7,5 triệu đồng
Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Bình Dương vừa phối hợp với Công an tỉnh Bình Dương tiếp tục có buổi làm việc với N.T.H.T - chủ kênh TikTok Thơ Nguyễn về việc đăng tải clip “xin vía học giỏi” được cho là mê tín dị đoan.
Tại buổi làm việc, YouTuber Thơ Nguyễn đã nhận thức được hành vi vi phạm do không cố ý và đã gửi lời xin lỗi tới các cơ quan chức năng, các em nhỏ và cộng đồng mạng về việc đăng tải clip “xin vía học giỏi” gây hiểu nhầm mê tín dị đoan.
Qua làm việc, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương xác định việc đăng tải clip “xin vía học giỏi” của YouTuber Thơ Nguyễn lên mạng xã hội là hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy mê tín dị đoan nên đã lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng đối với YouTuber Thơ Nguyễn. Việc xử phạt được thực hiện theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
Trước đó, vào ngày 27/2/2021, Thơ Nguyễn đã thực hiện đăng tải đoạn video có nội dung “xin vía học giỏi” trên mạng xã hội TikTok gồm có 2 phần. Phần 1 là nội dung video gây tranh cãi, dậy sóng trên cộng đồng mạng, phần 2 là video “đính chính” với các em nhỏ, đây là búp bê thường, không phải là búp bê ma, “muốn học giỏi thì phải siêng học chứ không cầu xin được”.
Theo giải trình của YouTuber Thơ Nguyễn, thì do chính sách của TikTok chỉ cho đăng tải mỗi đoạn video có thời lượng tối đa là 60 giây nên có tình trạng là video nêu trên được đăng tải ở hai thời điểm khác nhau (không liên tục) gây hiểu nhầm cho cộng đồng mạng. Sau sự việc xảy ra, Thơ Nguyễn và ekip đã ẩn hết các clip đã đăng tải trước đó và tạm ngưng làm Youtuber trong thời gian tới.
Bị cáo Đinh La Thăng lĩnh thêm 11 năm tù
Sau một tuần xét xử và nghị án, chiều 15/3, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án phạt các bị cáo trong vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học (Ethanol) Phú Thọ - viết tắt là Dự án Ethanol Phú Thọ.
Bị cáo Đinh La Thăng (sinh năm 1960, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN) bị tuyên phạt 11 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” (theo quy định tại Điều 224, khoản 3 - Bộ luật Hình sự năm 2015). Tổng hợp với bản án 30 năm tù trước đó, hình phạt chung áp dụng đối với bị cáo Đinh La Thăng là 30 năm tù.
Cùng bị tuyên phạt về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” còn có 9 bị cáo khác: Vũ Thanh Hà (sinh năm 1962, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí - PVB) bị tuyên phạt 6 năm 6 tháng tù; Trần Thị Bình (sinh năm 1958, nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN) - 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 60 tháng; Phạm Xuân Diệu (sinh năm 1960, nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam - PVC) - 3 năm 6 tháng tù; Nguyễn Ngọc Dũng (sinh năm 1958, nguyên Phó Tổng Giám đốc PVC) - 3 năm tù; 3 bị cáo: Nguyễn Xuân Thủy (sinh năm 1961, nguyên Phó Trưởng phòng Phòng Đầu tư dự án của PVB), Khương Anh Tuấn (sinh năm 1975, nguyên Phó Trưởng phòng Phòng Thương mại PVB), Hoàng Đình Tâm (sinh năm 1981, nguyên Kế toán trưởng PVB) cùng bị phạt 30 tháng tù; Đỗ Văn Quang (sinh năm 1972, nguyên Trưởng ban Ban Kinh tế kế hoạch - sau là Ban Kinh tế đấu thầu của PVC) bị phạt 28 tháng tù; Lê Thanh Thái (sinh năm 1960, nguyên Trưởng phòng Phòng Kinh doanh của PVB) bị phạt 24 tháng tù.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh (sinh năm 1966, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC) bị kết án 10 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” (theo quy định tại Điều 224, khoản 3 - Bộ luật Hình sự năm 2015) và 8 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” (theo quy định tại Điều 356, khoản 3 - Bộ luật Hình sự năm 2015), tổng hợp hình phạt đối với 2 tội danh này là 18 năm tù. Tổng hợp với các bản án trước đó, hình phạt chung đối với bị cáo Trịnh Xuân Thanh là tù chung thân.
Bị cáo Đỗ Văn Hồng (sinh năm 1967, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và xây lắp Dầu khí Kinh Bắc - PVC Kinh Bắc) bị tuyên phạt 4 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” (theo quy định tại Điều 356, khoản 3 - Bộ luật Hình sự năm 2015). Tổng hợp với bản án 13 năm tù trước đó, hình phạt chung đối với bị cáo Đỗ Văn Hồng là 17 năm tù.
Bản án sơ thẩm nhận định, mặc dù biết PVC không đủ năng lực, kinh nghiệm và chưa từng thực hiện dự án nào về lĩnh vực ethanol, nhưng từ trước khi PVB triển khai lựa chọn nhà thầu cho Dự án Ethanol Phú Thọ, với vai trò là Chủ tịch Hội đồng quản trị PVN, bị cáo Đinh La Thăng đã dùng ảnh hưởng của mình, định hướng việc giao thầu cho PVC theo đề nghị của bị cáo Trịnh Xuân Thanh.
Tại nhiều cuộc họp do bị cáo Đinh La Thăng chủ trì thì bị cáo đều kết luận, chỉ đạo, gây sức ép buộc PVB hoàn tất các thủ tục chỉ định thầu và ký hợp đồng với Liên danh nhà thầu PVC/Alfa Laval/Delta-T.
Thực hiện chỉ đạo của bị cáo Đinh La Thăng, PVB đã không tổ chức đấu thầu theo kế hoạch mà lập hồ sơ để chỉ định thầu cho Liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các thành viên Tổ chuyên gia giúp việc đấu thầu và Tổ chuyên gia giúp việc thẩm định đấu thầu đều biết rõ các tiêu chí về năng lực, kinh nghiệm mà Liên danh nhà thầu PVC/Alfa Laval/Delta-T đã bị đánh giá không đạt.
Nhưng với mục đích chỉ định thầu cho liên doanh nhà thầu này theo chỉ đạo của bị cáo Đinh La Thăng nên Vũ Thanh Hà đã có định hướng, chỉ đạo các thành viên 2 tổ chuyên gia trên không đưa vào hồ sơ yêu cầu tiêu chí đánh giá về năng lực, kinh nghiệm (đã được đánh giá là không đạt trong giai đoạn sơ tuyển trước đó) nhằm chỉ định cho liên danh nhà thầu này được trúng thầu, trái các quy định của pháp luật.
Trong quá trình thực hiện, do Liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T không đủ năng lực nên Dự án Ethanol Phú Thọ liên tục bị chậm tiến độ. PVC sau đó cũng có báo cáo thừa nhận Liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T không đủ năng lực để thực hiện dự án. Tháng 3/2013, PVC đã đơn phương dừng thi công dự án và chưa có hạng mục nào hoàn thành. PVC đưa ra lý do cho việc dừng dự án là đơn vị gặp nhiều khó khăn về tài chính, hoàn toàn chưa có kinh nghiệm quản lý và kết nối các giao diện về công nghệ...
Hành vi làm trái các quy định của các bị cáo trong vụ án này đã gây ra thiệt hại cho PVB tổng cộng 543 tỷ đồng.