Tình trạng vi phạm bản quyền sách vẫn chưa được đẩy lùi

Ngày 9/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Xuất bản, In và Phát hành tổ chức tọa đàm “10 năm thi hành Luật Xuất bản năm 2012”. Xuất bản điện tử là một trong những nội dung nổi bật được đưa ra trong tọa đàm.

Chú thích ảnh
Tình trạng vi phạm bản quyền sách đang là một vấn đề phức tạp. Ảnh minh họa: TTXVN phát

Theo ông Lê Thanh Hà, Giám đốc Nhà xuất bản Đại Học Sư Phạm Thành phố Hồ Chí Minh, ngành xuất bản có ba lĩnh vực cụ thể là: Xuất bản, in, phát hành nhằm khái quát ba công đoạn nội dung của một sản phẩm. Tuy nhiên, hiện trạng sách điện tử tại Việt Nam vừa qua cho thấy việc thực hiện loại hình xuất bản phẩm này chưa đúng. “Việc cấp phép xuất bản là chức năng mặc định của mỗi nhà xuất bản. Do đó, không cần xin quyền cấp phép riêng cho sách điện tử”, ông Lê Thanh Hà phân tích. 

Ông Lê Thanh Hà lý giải, hai công đoạn phát hành và in (được hiểu là sản xuất sách điện tử) vô cùng quan trọng và phức tạp, đòi hỏi chuyên môn và công nghệ chuyên nghiệp... mà tự thân mỗi nhà xuất bản không đảm đương nổi. Thế nhưng, các nhà xuất bản không lượng được sức mình nên tham gia luôn cả ba công đoạn dẫn đến thất bại. 

Trong đó, nội dung bản quyền sách cũng là vấn đề được nhiều đơn vị xuất bản đề cập, với mong muốn không chỉ góp ý cho Luật xuất bản, mà còn kỳ vọng những hỗ trợ cụ thể từ phía Cục Xuất bản.

Cùng với đó, hiện vấn nạn vi phạm bản quyền là điểm chung của các nhà xuất bản. Gần đây tình trạng bát nháo phát hành sách lậu qua mạng Internet và mạng xã hội càng làm cho bức tranh vi phạm bản quyền sách thêm nhiều sắc màu phức tạp và đầy thách thức. 

Về vấn đề này, ông Lê Thanh Hà cho biết, từ đầu năm đến nay ông đã từ chối khoảng 300 bản thảo vì có vấn đề về tác quyền. "Có những trường hợp sao chép sách đến xin phép xuất bản, tôi cầm cả sách gốc mà họ đã sao chép ra để từ chối cấp phép, tuy nhiên họ vẫn "cam kết về mặt tác quyền”, ông Lê Thanh Hà nói.

Tương tự, bà Đinh Thị Thanh Thủy, Giám đốc Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, một trong những đơn vị tiên phong thực hiện xuất bản phẩm điện tử chia sẻ, đơn vị đã làm sách điện tử (eBook) từ năm 2012, đến năm 2019 mới được quyền cấp phép sách điện tử. Tuy nhiên, hiện nay Luật còn thiếu các quy định, hướng dẫn để thực hiện eBook, audiobook, cụ thể các vấn đề kỹ thuật như chuyển file, lưu trữ sao cho hợp pháp, thậm chí các khoản phí cho những loại hình xuất bản phẩm này cũng chưa được quy định và có hướng dẫn cụ thể. 

Bày tỏ đồng cảm với các đơn vị, theo ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cho rằng, bản quyền là vấn đề phức tạp, nên một số nước có những tòa án dành riêng cho các vụ liên quan đến bản quyền. Do đó, các vấn đề cần góp ý chỉnh sửa Luật Xuất bản sau 10 năm thực hiện, Cục Xuất bản kêu gọi các đơn vị gửi văn bản về Cục trước ngày 20/8. 

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Nguyên cho biết, trong tương lai sẽ có Trung tâm bản quyền sách thuộc Hội Xuất bản Việt Nam. Trung tâm này có chức năng kết nối với các trung tâm bản quyền khác và hỗ trợ các đơn vị làm sách mua bản quyền nước ngoài.

Thu Hương (TTXVN)
Khẩn trương rà soát, xử lý các vấn đề liên quan đến học phí và sách giáo khoa
Khẩn trương rà soát, xử lý các vấn đề liên quan đến học phí và sách giáo khoa

Văn phòng Chính phủ mới đây ban hành Thông báo số 236/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp về học phí phổ thông và sách giáo khoa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN