Từng là công nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn TEMA HCM Việt Nam chuyên sản xuất linh kiện điện tử, khi dịch bùng phát ở TP Hồ Chí Minh và sau đó lan sang các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, công việc của anh Nguyễn Đình Hiếu (quê ở xã Tân Hợp, huyện Tân Kỳ, Nghệ An) bị ảnh hưởng nghiêm trọng và sau đó anh phải nghỉ việc. Lăn lộn trong khu nhà trọ được gần 1 tháng, anh Hiếu cùng vợ chưa cưới quyết định đi xe máy về quê. Quãng đường hơn 1.000 km với nhiều vất vả nhưng may mắn anh Hiếu và vợ chưa cưới an toàn về đến quê nhà.
Trải qua 14 ngày trong khu cách ly tập trung hay khi về cách ly tại nhà anh Hiếu luôn nhận được sự quan tâm của chính quyền, các tổ chức đoàn thể. Đặc biệt, biết anh Hiếu là đoàn viên công đoàn, Liên đoàn Lao động huyện Tân Kỳ đã liên lạc để hướng dẫn anh hoàn thiện hồ sơ nhận hỗ trợ. Anh Hiếu cũng là một trong 22 lao động đầu tiên ở xa về của huyện được nhận tiền hỗ trợ với mức hỗ trợ 500.000 đồng. Đây là gói hỗ trợ đoàn viên là người lao động (tại các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp có đóng kinh phí công đoàn) phải nghỉ việc từ 14 ngày trở lên, không có lương và thu nhập, để cách ly y tế, hoặc đang cư trú trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Mặc dù mức hỗ trợ không nhiều nhưng thực sự là nguồn động viên tinh thần to lớn đối với anh Hiếu. Cùng với mức hỗ trợ này, được sự tư vấn của cán bộ công đoàn, anh Hiếu đang tìm hiểu và có mong muốn được vào làm việc trong doanh nghiệp đang tuyển lao động phù hợp với tay nghề, chuyên môn ngay tại tỉnh để sớm ổn định cuộc sống.
Tân Kỳ là một trong những địa phương đầu tiên của tỉnh Nghệ An hoàn thành việc chi trả hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Qua quá trình triển khai, ông Trần Kiên Cường-Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Tân Kỳ cho biết, từ đầu đợt dịch đến nay, toàn huyện có hơn 1.000 lao động trở về và chủ yếu đều cách ly tập trung tại xã. Đây là khó khăn cho huyện trong công tác rà soát, tập hợp và phân loại đối tượng bởi cán bộ công đoàn mỏng nhưng địa bàn lại rộng. Để sớm hoàn thành việc rà soát, Liên đoàn Lao động huyện đã chia nhóm và đến làm việc trực tiếp với tất cả các xã. Những trường hợp đủ điều kiện sẽ được tổng hợp gửi về tỉnh để sớm chi trả chế độ.
Đến tháng 11, thị xã Cửa Lò đã hoàn thành việc rà soát đợt 2 danh sách người lao động trở về từ các vùng dịch. Theo đó, trong số hơn 3.000 công dân đang cách ly thì có khoảng 750 lao động đang làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp có tổ chức công đoàn. Tuy vậy, qua rà soát, số trường hợp đủ điều kiện được nhận chế độ chỉ có hơn 100 người.
Công tác rà soát của thị xã Cửa Lò có những khó khăn riêng bởi Cửa Lò là nơi cách ly tập trung cho toàn bộ công dân trên địa bàn tỉnh tại nhiều khu cách ly khác nhau. Để triển khai hiệu quả, Liên đoàn Lao động thị xã đã sử dụng ứng dụng quét mã QR và in mã QR để nhờ nhân viên dán đến từng phòng của công dân đang thực hiện cách ly tập trung. Thông qua các hướng dẫn cụ thể, từng lao động nằm trong đối tượng được thụ hưởng hỗ trợ sẽ khai báo các thông tin cá nhân. Trong quá trình thực hiện, Liên đoàn Lao động thị xã cung cấp số điện thoại của toàn bộ nhân viên trong liên đoàn để người lao động có thể chủ động liên lạc và được giải đáp thắc mắc.
Ông Nguyễn Hữu Thành-Chủ tịch Liên đoàn Lao động thị xã Cửa Lò cho biết, việc thống kê và rà soát danh sách có những khó khăn, đặc thù riêng bởi trong số lao động trở về có rất nhiều lao động là người dân tộc thiểu số, có thể họ không thông thạo tiếng Kinh. Lại có những trường hợp là đoàn viên công đoàn ở các doanh nghiệp hoặc các khu công nghiệp nhưng không thuộc đối tượng được thụ hưởng nên chúng tôi cũng phải giải thích để công nhân hiểu rõ chủ trương của Tổng Liên đoàn Lao động.
Để giúp người lao động sớm ổn định cuộc sống khi trở lại quê nhà, Liên đoàn Lao động thị xã Cửa Lò đã giới thiệu cho người lao động trên 16.000 việc làm tại 27 doanh nghiệp trong toàn tỉnh. Việc giới thiệu được triển khai ngay tại các khu cách ly thông qua các pa-nô, áp-phích giúp người lao động tiếp cận thông tin một cách nhanh nhất và khi có nhu cầu, Liên đoàn Lao động thị xã sẽ hỗ trợ kết nối lao động với các doanh nghiệp.
Thực tế, gói hỗ trợ theo Quyết định 3022/QĐ -TLĐ ngày 9/8/2021 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về chi hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trong đợt bùng phát lần thứ 4, từ ngày 27/4/ 2021 đã được Liên đoàn Lao động 21 huyện, thành, thị của tỉnh Nghệ An triển khai. Đến nay đã có 175 người được chi trả và tiếp tục sẽ có gần 600 lao động khác sẽ được nhận tiền hỗ trợ trong đợt tới.
Theo bà Hoàng Thị Thu Hương-Trưởng ban Chính sách Pháp luật và Quan hệ lao động, Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An, các cấp công đoàn đã phát hơn 4.000 phiếu khảo sát cho người lao động và đến nay đã thu về hơn 2.000 phiếu đăng ký được hỗ trợ. Tuy nhiên, trong số này chỉ có gần 600 phiếu đủ điều kiện. Các cấp công đoàn sẽ sớm hoàn thiện các thủ tục để chuyển tiền về cho người lao động.
Trong hoàn cảnh hiện nay khi số lượng lao động trở về ngày càng đông và đa phần vẫn đang ở trong các khu cách ly tập trung thì việc kết nối để hỗ trợ cho người lao động sẽ có những khó khăn nhất định. Những nỗ lực của công đoàn các cấp để kịp thời chi trả cho người lao động đang gặp khó khăn sữ giúp lao động có thêm kinh phí sinh hoạt. Từ hoạt động thiết thực này, người lao động sẽ nhận thấy rõ hơn vai trò của tổ chức công đoàn. Dù ở đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào, công đoàn vẫn là lực lượng tiên phong, sát cánh, đồng hành và sẵn sàng chia sẻ khó khăn với người lao động.