Chương trình do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam phối hợp tổ chức.
Tham dự chương trình có Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam Đào Ngọc Dung; Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương.
Phát biểu tại chương trình, chia sẻ với khó khăn, vất vả mà những thanh niên khuyết tật nói riêng, người khuyết tật nói chung phải trải qua trong cuộc sống, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, nghị lực sống, ý chí khắc phục hoàn cảnh khó khăn, cùng truyền thống “tương thân, tương ái” là nét đẹp làm nên bản sắc văn hóa và cốt cách con người Việt Nam.
Bộ trưởng khẳng định 64 thanh niên khuyết tật được vinh danh là đại diện cho hàng ngàn thanh niên từ nhiều vùng, miền, nhiều dân tộc, tôn giáo, đang học tập, công tác ở các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, thể thao, khoa học…, không cam chịu hoàn cảnh của người yếu thế, không chấp nhận những rào cản khiếm khuyết thể chất và khó khăn của hoàn cảnh sống, bền bỉ vượt qua nỗi buồn, sự bi quan, vươn lên khẳng định giá trị bản thân và đóng góp cho xã hội những điều tốt đẹp.
“Những tấm gương chân thực và không quá cao xa này sẽ khơi gợi, lôi cuốn, trở thành động lực để nhiều người còn đang mặc cảm, tự ti, yếu thế vì hoàn cảnh khuyết tật, can đảm hơn, mạnh dạn hơn bước ra khỏi sự bi quan, hòa nhập với cộng đồng”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung kêu gọi, với tâm huyết, trách nhiệm của mình, trong thời gian tới, các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân tiếp tục quan tâm sâu sắc và phối hợp chặt chẽ để nâng cao hiệu quả trợ giúp xã hội toàn diện đối với người khuyết tật, thanh niên khuyết tật trên cơ sở tiếp cận quyền con người theo tinh thần Công ước quốc tế về người khuyết tật, Luật Người khuyết tật, Chỉ thị số 39 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030.
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2020 nhằm tìm kiếm và tôn vinh các tấm gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu, giàu nghị lực, vượt qua hoàn cảnh và tích cực đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng; góp phần bồi đắp lý tưởng sống tốt đẹp, thúc đẩy sự vươn lên của thanh niên Việt Nam. Chương trình cũng mong muốn tạo sự lan tỏa và quan tâm, kêu gọi cộng đồng xã hội tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng thanh niên khuyết tật Việt Nam. Thông qua Chương trình, Ban Tổ chức mong muốn tìm ra các mô hình phù hợp, bền vững để hỗ trợ thanh niên khuyết tật hòa nhập cộng đồng bình đẳng, tự tin và hiệu quả.
Số liệu của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho thấy, cả nước hiện có khoảng 6,4 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên, trong đó có khoảng 2 triệu thanh niên khuyết tật. Do tác động của già hóa dân số, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, tai nạn giao thông, tai nạn lao động và nhiều vấn đề xã hội khác, dự báo trong những năm tới, số lượng người khuyết tật sẽ tiếp tục gia tăng.
Nhiều năm qua Đảng và Nhà nước không ngừng chăm lo, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cho người khuyết tật, thanh niên khuyết tật bằng việc huy động trách nhiệm cả hệ thống chính trị và sự đóng góp của xã hội trên cơ sở phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Song, so với nhu cầu của người khuyết tật, thanh niên khuyết tật và đòi hỏi của xã hội, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước. Tuy hoàn cảnh khó khăn như vậy nhưng trong cộng đồng thanh niên khuyết tật đã nổi lên những tấm gương nghị lực sống, truyền cảm hứng mà tiêu biểu là 64 thanh niên được tôn vinh trong chương trình.
Trong buổi Lễ tôn vinh, các đại biểu rất xúc động khi được nghe những câu chuyện vượt khó vươn lên cùng những thông điệp truyền cảm hứng từ các gương thanh niên người khuyết tật tiêu biểu như: Hoa khôi vẻ đẹp Vầng trăng khuyết Bế Thị Băng, đam mê khởi nghiệp và phụng sự cộng đồng. Nhà văn Trần Thị Trà My, người truyền lửa cho thanh niên bằng tấm gương vượt qua nghịch cảnh của bản thân. Bạn Lê Thanh Tùng đến từ Yên Bái không những vượt qua khiếm khuyết về thể chất, hăng say, sáng tạo trong lao động mà còn hỗ trợ nhiều thanh niên có việc làm và thu nhập ổn định. Hay bạn Lê Hương Giang, người con của Thủ đô đã vượt qua bóng tối để trở thành người dẫn chương trình tài năng, trí tuệ và duyên dáng của Đài Truyền hình Việt Nam. Bạn Nguyễn Thị Ngọc Tâm đến từ Nam Định, căn bệnh xương thủy tinh với những cơn đau nhức dày vò đã không thể ngăn cản khát vọng của bạn giúp đỡ trẻ em nâng cao kiến thức, tạo điều kiện cho những mảnh đời bất hạnh có cơ hội đến trường, mang tri thức đến với trẻ em nghèo....
Chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” được phát động từ năm 2013. Thông điệp “Sống trung thực, sống trách nhiệm, sống nghị lực” của chương trình đã được lan tỏa đến toàn thể thanh niên Việt Nam, đến từng cơ sở Hội, trở thành một hoạt động thường xuyên, nhân văn, ý nghĩa, chạm đến trái tim của mọi người. Chương trình năm nay diễn ra trong 2 ngày (27-28/12) tại Hà Nội với nhiều nội dung như tham quan Khu di tích Phủ Chủ tịch, gặp mặt lãnh đạo bộ, ngành Trung ương, Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam; Đêm hội vinh danh “Tỏa sáng nghị lực Việt”.