Tập trung mọi nguồn lực đẩy mạnh cuộc chiến phòng, chống lao
Đại dịch COVID-19 khiến tỷ lệ phát hiện bệnh lao giảm mạnh trong 2 năm qua. Nếu không được phát hiện, người mắc bệnh lao sẽ không được điều trị kịp thời; bệnh lao sẽ bùng phát trên diện rộng; mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030 sẽ không thực hiện được.
Thông tin trên được Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương Nguyễn Viết Nhung, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia đưa ra tại sự kiện hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống Lao (24/3), do Bộ Y tế, Bệnh viện Phổi Trung ương, Chương trình Chống lao Quốc gia tổ chức tại Hà Nội, ngày 24/3.
Chủ đề của Ngày Thế giới Phòng chống Lao năm nay trên toàn cầu là "Invest to end TB. Save lives" (Tập trung nguồn lực, chấm dứt bệnh lao, cứu sống triệu người). Tại Việt Nam, chọn chủ đề "Giảm thiểu tác động của COVID-19 - Tập trung nguồn lực - Tăng cường phát hiện bệnh lao".
Trước những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến tiến trình thanh toán bệnh lao vào năm 2021, chủ đề trên nhấn mạnh năm 2022 là lúc để giảm thiểu tác động của dịch bệnh; thích ứng an toàn trong bối cảnh mới, đặc biệt là tập trung, huy động mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống lao, trong đó tăng cường, chủ động sàng lọc, phát hiện sớm bệnh lao là bước đi điển hình, đột phá trong bối cảnh hiện nay.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Nhung, trong hơn 2 năm qua, COVID-19 đã ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng tới đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có công cuộc phòng, chống lao. Ước tính đại dịch đã đẩy lùi thành quả công cuộc chống lao lùi xuống 5 năm.
Tỷ lệ phát hiện ca bệnh lao giảm mạnh qua các năm, từ 3% năm 2020, lên đến 23% năm 2021, riêng lao kháng thuốc giảm 30% ca phát hiện. Nếu không được phát hiện, người mắc bệnh lao sẽ không được chữa trị kịp thời, trong khi căn bệnh này không thể tự khỏi. Người mắc lao trở thành nguồn lây trong cộng đồng với cấp số nhân. Bệnh lao sẽ bùng phát trở lại trên diện rộng, từ đó không thể chấm dứt được bệnh lao.
Ngày 24/3, Việt Nam có 120.000 ca F0 mới, Hà Nội xuống mức hơn 12.000 ca
Tính từ 16 giờ ngày 23/3 đến 16 giờ ngày 24/3, Việt Nam ghi nhận 120.000 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, cả nước có 3.650 ca nặng đang điều trị.
Trong số các ca nhiễm mới, có 8 ca nhập cảnh và 119.992 ca ghi nhận trong nước (giảm 7.886 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 84.819 ca trong cộng đồng).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là: Phú Thọ (giảm 1.030 ca), Bến Tre (giảm 7 ca), Vĩnh Phúc (giảm 690 ca).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là: Bình Dương (tăng 1.400 ca), Đắk Lắk (tăng 984 ca), Ninh Bình (tăng 264 ca).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 137.890 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 8.599.751 ca nhiễm, đứng thứ 14/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 121/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 87.002 ca nhiễm).
Từ 17 giờ 30 ngày 23/3 đến 17 giờ 30 ngày 24/3 ghi nhận 70 ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 66 ca.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 42.145 ca, chiếm tỷ lệ 0,5% so với tổng số ca nhiễm.
Yêu cầu BHXH các địa phương giải quyết kịp thời quyền lợi người lao động bị F0
Nhằm tạo thuận lợi, giải quyết kịp thời, chính xác hồ sơ đề nghị hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động (NLĐ) mắc COVID-19 (F0), Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam vừa ban hành Công văn số 719/BHXH-CSXH gửi BHXH các tỉnh, thành giải quyết kịp thời các chế dộ liên quan đến BHXH cho người lao động là F0.
Qua theo dõi, nắm bắt tình hình giải quyết hưởng chế độ ốm đau đối với NLĐ bị mắc COVID-19 tại BHXH các tỉnh, thành phố thời gian gần đây số lượng hồ sơ gia tăng nhanh và dự kiến tiếp tục tăng cao trong thời gian tới. BHXH Việt Nam yêu cầu Giám đốc BHXH các tỉnh, thành phố bố trí nhân lực, chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện về nguồn kinh phí, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin để tiếp nhận giải quyết kịp thời, chính xác, đầy đủ quyền lợi đối với NLĐ bị mắc COVID-19 có đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 100 Luật BHXH năm 2014; khoản 1, 2 Điều 21 Thông tư số 56/2017/TT-BYT.
BHXH các tỉnh thành, tuyên truyền đến NLĐ và đơn vị sử dụng lao động khuyến khích chi trả chế độ BHXH trực tiếp qua tài khoản cá nhân của NLĐ để việc giải quyết và thụ hưởng chính sách được minh bạch, nhanh chóng, thuận tiện.
Các đơn vị tổ chức tiếp nhận và giải quyết chế độ ốm đau đối với NLĐ theo quy định mới ngay sau khi cấp có thẩm quyền ban hành quy định sửa đổi, bổ sung về hồ sơ làm căn cứ giải quyết hưởng chế độ ốm đau đối với NLĐ bị mắc COVID-19.
Quỹ vaccine phòng COVID-19 đã huy động được hơn 8.954 tỷ đồng
Theo Ban Quản lý Quỹ vaccine phòng COVID-19, tính đến 17 giờ ngày 24/3, tổng số tiền huy động được là 8.954,73 tỷ đồng đã bao gồm ngoại tệ quy đổi; trong đó có 62,3 tỷ đồng tiền lãi gửi ngân hàng.
Ban Quản lý Quỹ cho biết, đã có 603.731 tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp vào Quỹ. Đến thời điểm này, Ban Quản lý Quỹ vaccine phòng COVID-19 đã chi từ Quỹ 7.672,2 tỷ đồng. Trong số đó, chi mua vaccine 7.667,6 tỷ đồng; chi hỗ trợ nghiên cứu, thử nghiệm vaccine 4,6 tỷ đồng nên số dư cuối ngày 1.282,53 tỷ đồng.
Ban Quản lý Quỹ thực hiện xuất Quỹ để chi theo nội dung chi đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và trên cơ sở đề nghị chi của Bộ Y tế theo quy định tại Quyết định số 779/QĐ-TTg ngày 26/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Quỹ và Thông tư số 41/2021/TT-BTC ngày 2/6/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn về tổ chức, hoạt động, quản lý, sử dụng và kế toán, quyết toán, công khai tài chính Quỹ.
Ban Quản lý Quỹ cũng xây dựng phương án gửi tiền có kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại theo phương thức đấu thầu cạnh tranh lãi suất, đảm bảo công khai, minh bạch và hiệu quả theo đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ. Lãi tiền gửi của Quỹ tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng thương mại được tính vào nguồn thu của Quỹ, được sử dụng để hỗ trợ, tài trợ cho hoạt động mua, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và sử dụng vaccine phòng COVID-19.
Đà Nẵng đã qua đỉnh dịch COVID-19, số ca mắc giảm 6,6 lần
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến cho hay, qua báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng, thành phố đã đạt đỉnh dịch vào ngày 28/2.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến cho hay, qua báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng, thành phố đã đạt đỉnh dịch vào ngày 28/2. Những ngày gần đây, số ca mắc COVID-19 giảm 6,6 lần so với đỉnh dịch (trong đó, ca nặng giảm 3 lần và tỷ lệ tử vong cũng giảm). Tuy nhiên, các địa phương, đơn vị không được chủ quan, do tình hình dịch trên thế giới vẫn có diễn biến phức tạp.
Bà Ngô Thị Kim Yến cho biết, hiện nay công tác tiêm vaccine mũi 3 mới đạt 75%, vẫn còn chậm so với kế hoạch đề ra, mặc dù vaccine được cung cấp đủ. Nguyên nhân chủ yếu liên quan đến tâm lý và người dân vẫn chưa hiểu hết vai trò của vaccine. Vì vậy, các địa phương, đơn vị cần đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích của việc tiêm mũi 3, vận động người dân đi tiêm đầy đủ. Sở Y tế xem xét điều chỉnh kế hoạch tiêm vét, đưa ra thời gian phù hợp, sớm hoàn thành tiêm phủ mũi 3 trong thời gian sớm nhất.
Liên quan đến việc điều hành, sử dụng cơ sở điều trị, Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu, Sở Y tế tạm thời chưa sử dụng một số cơ sở y tế do chưa có nhu cầu, nhằm giảm dàn trải nguồn nhân lực và cơ sở vật chất. Tuy nhiên, các cơ sở này vẫn trong tình trạng sẵn sàng sử dụng để điều trị trong tình hình khẩn cấp.
Theo báo cáo, Đà Nẵng hiện có 845 bệnh nhân mắc COVID-19 đang điều trị tại cơ sở y tế, 18.764 bệnh nhân mắc COVID-19 điều trị tại nhà.