Trước thực trạng công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ còn bộc lộ những hạn chế, nhiều vụ cháy lớn xảy ra, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, hoạt động sản xuất, kinh doanh, môi trường đầu tư và cuộc sống của người dân…, ngày 20/6, Thủ tướng đã có Công điện số 967/CĐ-TTg yêu cầu tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Để chủ động phòng ngừa, giảm thiểu đến mức thấp nhất các vụ cháy, nổ, nhất là các vụ cháy, nổ lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng tăng thời lượng đưa tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, các biện pháp, giải pháp thoát nạn, cứu người, biện pháp khắc phục vi phạm về phòng cháy, chữa cháy để các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân biết, tự giác thực hiện. Công khai phê phán các hành vi thiếu trách nhiệm, các vi phạm nghiêm trọng về phòng cháy, chữa cháy của các cơ sở, cá nhân có liên quan trên các phương tiện thông tin đại chúng để giáo dục phòng ngừa chung.
Cháy tại Xí nghiệp bản đồ ở Đà Lạt. Ảnh: TTXVN |
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố tăng cường chỉ đạo điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về phòng cháy, chữa cháy. Đối với những cơ sở vi phạm nghiêm trọng, gây mất an toàn về phòng cháy, chữa cháy phải kiên quyết tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động những vụ cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản do thiếu tinh thần trách nhiệm và những trường hợp vi phạm khác có dấu hiệu tội phạm phải khởi tố điều tra, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Thủ tướng cũng yêu cầu thành lập các đoàn liên ngành do lãnh đạo Bộ, ngành, ủy ban nhân dân các cấp làm trưởng đoàn tiến hành đợt tổng kiểm tra toàn diện công tác phòng cháy, chữa cháy tại các đơn vị, cơ sở từ nay đến ngày 30/8, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ (qua Bộ Công an) trước ngày 15/9. Trong đó, tập trung vào cơ sở trọng điểm có nguy cơ cháy, nổ cao, như: các chợ, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất lớn có nguy cơ cháy, nổ cao và các loại hình thuộc ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự...
Quá trình kiểm tra cần tập trung phát hiện những sơ hở, thiếu sót, vi phạm nghiêm trọng về phòng cháy, chữa cháy và nguyên nhân đồng thời, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức và cơ sở trong việc để xảy ra các vi phạm, kiên quyết yêu cầu các cơ sở khắc phục ngay tồn tại, thiếu sót về phòng cháy, chữa cháy.
TTXVN/Tin tức