Đó là ý kiến của ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh tại kì họp thứ 5 HĐND TP Hồ Chí Minh khóa IX diễn ra vào ngày 5/7.
Theo thống kê của Sở Giao thông và Vận tải TP Hồ Chí Minh, hiện thành phố còn 40 vị trí có nguy cơ sạt lở, trong đó 23 vị trí ở tình trạng đặc biệt nguy hiểm, 16 vị trí tình trạng nguy hiểm. Những điểm đen có nguy cơ sạt lở tập trung ở các quận 2, 7, 9, 12, Bình Thạnh, Thủ Ðức, các huyện Bình Chánh, Củ Chi. Trong đó, nhiều khu vực tại các huyện ngoại thành phố như Nhà Bè, Cần Giờ luôn trong tình trạng báo động về sạt lở và có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
TP Hồ Chí Minh còn 40 điểm đen về sạt lở sông ngòi, kênh rạch. Ảnh: Anh Đức |
Một số nơi như phường Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước (quận Thủ Ðức), Thạnh Xuân, Thạnh Lộc (quận 12), Nhị Bình (Hóc Môn) mỗi năm xảy ra hàng chục vụ sạt lở bờ bao ngăn triều, ngăn lũ gây khó khăn cho sinh hoạt và đi lại của dân, làm hư hỏng nhiều diện tích rau màu, cây cảnh, ao nuôi cá của nhiều hộ, thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Theo ông Bùi Xuân Cường, vừa qua thành phố đã triển khai nhiều giải pháp phòng chống sạt lở và bố trí di dời dân cư tại các điểm có nguy cơ để đảm bảo an toàn cho người dân. Thành phố đã và đang tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống và cảnh báo sạt lở để đảm bảo an toàn cho người dân, chẳng hạn như phối hợp chính quyền địa phương cắm biển báo, cảnh báo phân luồng giao thông đường thủy khu vực này, phát hiện sớm đề phòng và di dời hộ dân. Cùng với đó, hiện đã có 39/40 vị trí được giao xây dựng công trình chống sạt lở, xây dựng kè.
“Mỗi năm thành phố dành hàng trăm tỷ đồng cho phòng chống lụt bão, trong đó có phòng chống sạt lở. Chỉ riêng dự án chống sạt lở bờ sông Sài Gòn khu vực bán đảo Thanh Ða (quận Bình Thạnh) đã phải đầu tư gần 600 tỷ đồng. Nhiều dự án phòng, chống sạt lở đã được triển khai xây dựng, bước đầu đã có tác dụng giữ đất, ngăn triều như dự án xây kè bờ sông khu vực cầu Hiệp Phước (huyện Nhà Bè)…”, ông Cường cho biết thêm.