Nhân viên Y tế dự phòng địa phương phun thuốc diệt muỗi và lăng quang khi phát hiện trường hợp nhiễm virus Zika tại quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Phương Vy/TTXVN. |
Cụ thể, sau khi xem xét các yếu tố liên quan và đề nghị của Sở Y tế, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định công bố dịch bệnh do virus Zika quy mô cấp xã, phường tại 2 địa phương gồm phường Hiệp Thành, quận 12 và phường An Phú, quận 2.
Trước đó, ngày 15/10 Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện thêm 2 ca mới nhiễm virus Zika tại 2 phường này, nâng tổng số ca nhiễm virus Zika trên địa bàn thành phố lên 4 ca.
Liên quan đến tình hình dịch bệnh Zika trên địa bàn, vào ngày 14/10, UBND Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã công bố dịch bệnh do virus Zika quy mô xã, phường tại phường Phước Long B, Quận 9.
Cùng với công bố dịch, UBND Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu Giám đốc Sở Y tế, Chủ tịch UBND các quận, huyện có trách nhiệm phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Ngay trong chiều 18/10, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thu đã làm việc tại quận 2, địa phương có 2 ca nhiễm virus Zika đến thời điểm này.
Tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Thu yêu cầu quận 2 rà soát lại các dự án xây dựng chưa được triển khai trên địa bàn, sàng lọc các điểm nguy cơ phát sinh muỗi, đồng thời huy động lực lượng thanh niên tổ chức dọn dẹp vệ sinh môi trường trên địa bàn trong các ngày chủ nhật.
Bà Nguyễn Thị Thu cũng lưu ý, vai trò của người dân rất quan trọng trong công tác phòng chống sốt xuất huyết và virus Zika. Bà Thu nhấn mạnh, “điều quan trọng nhất là phải làm sao để người dân tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường trong gia đình và khu vực xung quanh. Phải truyền thông làm sao để thay đổi được nhận thức của người dân chứ không phải là phát được bao nhiêu tờ rơi, tổ chức được bao nhiêu buổi tuyên truyền”.
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thời gian tới ngoài hệ thống giám sát dịch bệnh tại 30 bệnh viện, Sở cũng thực hiện lấy mẫu tầm soát virus Zika tại các phòng khám đa khoa, phòng mạch tư; đồng thời phối hợp với các nhà thuốc tư nhân thực hiện tư vấn cho người dân khi có các triệu chứng nghi ngờ.
“Một trong những thói quen của người dân khi mắc bệnh là đến các nhà thuốc trước khi đến bệnh viện. Vì thế, thông qua kênh thông tin này có thể tầm soát phát hiện virus Zika ở quy mô rộng hơn”, ông Bỉnh cho biết thêm.
UBND Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu 24 quận, huyện phải quản lý, giám sát và theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến dịch bệnh do virus Zika trên địa bàn; tăng cường vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng tại các khu dân cư, hộ gia đình, không để phát sinh các ổ dịch bệnh mới.