Theo đó, ngày 10/6 Chi cục Chăn nuôi và Thú y cùng chính quyền địa phương đã ghi nhận trường hợp đàn lợn nuôi tại hộ Lê Thị Ngọc Cẩm, phường Phú Hữu, quận 9 có triệu chứng điển hình của dịch bệnh tả lợn châu Phi. Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã lấy mẫu xét nghiệm gửi Chi cục Thú y vùng 6 chẩn đoán xác định và triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Ngày 11/6 kết quả xét nghiệm của Chi cục Thú y Vùng 6 cho thấy mẫu bệnh phẩm dương tính với dịch tả lợn châu Phi.
Ông Huỳnh Tấn Phát, Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Hồ Chí Minh cho biết, ngay khi có kết quả, Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với Ủy ban nhân dân quận 9, Ủy ban nhân dân phường Phú Hữu triển khai tiêu hủy đàn lợn của hộ Lê Thị Ngọc Cẩm với tổng đàn 166 con, trong đó có 23 nái sinh sản, 112 con lợn thịt, 28 con cai sữa, (có 3 con chết đã mổ khám lấy bệnh phẩm và tiêu hủy ngày 10/6/2019) và toàn bộ thức ăn thừa tại hộ chăn nuôi tại khu vực cách xa khu dân cư tại phường Phú Hữu, quận 9. Rải vôi bột tại khu vực hộ chăn nuôi, khu vực xử lý và hố chôn, tiêu độc khử trùng liên tục 10 ngày kể từ ngày xử lý lợn bệnh.
Bên cạnh đó, trong thời gian tới thành phố khẩn trương triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh theo tình huống 3. Đối với các hộ chăn nuôi tại phường Phú Hữu có 7 hộ chăn nuôi tổng đàn 506 con lợn, Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp Ủy ban nhân dân quận 9 triển khai cấp thuốc sát trùng cho các hộ tiêu độc khử trùng liên tục mỗi ngày trong 7 ngày kể từ ngày 11/6; tiêu độc định kỳ 3 lần/tuần trong 3 tuần tiếp theo. Tạm thời các hộ này không được xuất bán lợn trong vòng 30 ngày.
Đối với các hộ chăn nuôi thuộc vùng uy hiếp (Bán kính 3 km từ khu vực hộ có lợn bệnh) gồm các phường Long Trường, Trường Thạnh (quận 9), Bình Trưng Đông (quận 2): có 29 hộ chăn nuôi, tổng đàn 2.422 con, Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp Ủy ban nhân dân quận 9, quận 2 triển khai cấp thuốc sát trùng cho các hộ tiêu độc khử trùng định kỳ 3 lần/tuần trong 4 tuần kể từ ngày 11/6.
Ông Huỳnh Tấn Phát cũng cho biết thêm, UBND quận 9 cũng thành lập 2 chốt kiểm dịch động vật tại cầu Ông Nhiêu và cầu Xây Dựng gồm các lực lượng cảnh sát giao thông, thú y, thanh niên xung phong, công an xã và dân quân tự vệ để kiểm soát vận chuyển động vật và tiêu độc khử trùng phương tiện. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Thành phố sẽ tiếp tục cập nhật và thông tin tình hình dịch bệnh tả lợn trên địa bàn đồng thời chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh nhằm kiểm soát tốt dịch bệnh.