Trước tình hình đó, các địa phương trên địa bàn đang thắt chặt kiểm soát nguồn gốc, thành phần, khối lượng chất thải tập kết tại các điểm trung chuyển rác để hạn chế ô nhiễm.
Nhiều trạm trung chuyển rác gây ô nhiễm
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, hiện mạng lưới thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt từ các điểm hẹn về trạm trung chuyển và vận chuyển đến các khu liên hợp xử lý trên địa bàn do ba đơn vị cùng thực hiện, đó là: Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Môi trường đô thị Thành phố Hồ Chí Minh (CITENCO), Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Dịch vụ công ích quận, huyện và Hợp tác xã Vận tải công nông. Để vận hành hệ thống thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt, Thành phố có khoảng 908 điểm hẹn tập trung rác (cả nội thành và ngoại thành); 27 trạm trung chuyển để tập kết tạm thời chất thải rắn sinh hoạt thu gom tại nguồn để vận chuyển đến các khu xử lý tập trung của thành phố (trong đó có 6 trạm trung chuyển đạt chuẩn về trạm ép rác kín, có hệ thống thu gom và xử lý môi trường, có hệ thống phun xịt chế phẩm khử mùi; 13 trạm đã cải tạo, nâng cấp nhà xưởng kín và lắp đặt bổ sung các hệ thống thu gom, xử lý môi trường, có hệ thống phun xịt chế phẩm khử mùi; 8 trạm trung chuyển đang hoạt động tạm theo nhu cầu quản lý trên địa bàn của quận, huyện).
Kết quả giám sát của Ban Quản lý các khu liên hợp xử lý chất thải Thành phố về đánh giá chất lượng vệ sinh trên địa bàn 6 tháng đầu năm cho thấy, công tác thu gom tại các điểm hẹn, vệ sinh điểm hẹn, vận hành trạm trung chuyển, quản lý rác dân lập tương đối đảm bảo. Tuy nhiên, một số khu vực vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần được khắc phục. Cụ thể, Trạm trung chuyển rác đường Tân Hóa, Phường 3, Quận 11 (Thành phố Hồ Chí Minh) thường xảy ra tình trạng các xe trung chuyển vào đổ rác trong trạm làm rò rỉ nước thải và chất bẩn ra đường, gây mùi hôi thối nồng nặc, làm ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe người dân sinh sống xung quanh. Nơi tập trung rác nằm lộ thiên, không có mái che, rác được tập kết ngay dưới nền đất, không qua các bô chứa rác, khiến nước thải chảy lênh láng. Mặc dù mỗi ngày, Trạm trung chuyển này đều dùng thuốc khử mùi xịt khuẩn 3 lần nhưng vẫn không khắc phục được mùi hôi.
Được biết, Trạm trung chuyển rác đường Tân Hóa là điểm tập trung rác sinh hoạt lớn nhất tại địa bàn Quận 11, với khoảng 400 tấn rác chuyển đến mỗi ngày. Trạm đang trong quá trình cải tạo, nâng cấp nên không có bô chứa rác. Bên cạnh đó, nhiều xe chuyên dụng trung chuyển rác đậu nối đuôi nhau lấn chiếm lòng đường khiến nhiều xe gắn máy khi lưu thông phải lấn sang phần đường ô tô, dẫn đến nguy cơ tai nạn giao thông.
Trạm trung chuyển rác đường Kha Vạn Cân tại thành phố Thủ Đức là điểm trung chuyển rác chính nhưng thực tế không có cơ sở vật chất, chỉ là một khoảng đất trống sát lề đường để thu gom và tập kết rác sinh hoạt của người dân sống tại địa bàn. Đến cuối ngày, xe tải của công ty môi trường sẽ đến để gom rác và chở về các bãi chôn lấp, xử lý tại các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi. Do Trạm trung chuyển tập trung rác nằm ngay giữa đường, không có hệ thống khử mùi, gần khu dân cư và thời gian vận chuyển quá lâu dẫn đến tình trạng ô nhiễm nặng nề. Không chịu đựng được mùi hôi thối và tình trạng ô nhiễm môi trường, nhiều gia đình đã phải chuyển đi nơi khác để sinh sống. Chính quyền địa phương dù đã tích cực đề ra phương án nhưng phải đến năm 2025, Trạm trung chuyển rác này mới có thể được giải tỏa. Điều này đồng nghĩa với việc người dân phải tiếp tục sống chung với ô nhiễm thêm một thời gian nữa.
Giải pháp thu gom rác đảm bảo vệ sinh môi trường
Trước thực trạng trên, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện tăng cường giám sát hoạt động của những đơn vị cung ứng dịch vụ vệ sinh môi trường trên địa bàn; yêu cầu các đơn vị chấp hành đúng, đầy đủ quy định, quy trình kỹ thuật để duy trì liên tục chất lượng vệ sinh môi trường và sử dụng hiệu quả ngân sách Nhà nước. Các đơn vị thực hiện các phương án bố trí thời gian thu gom rác tại nguồn và tập kết, vận chuyển tại các điểm hẹn, trạm trung chuyển phù hợp để tránh ùn ứ rác, đảm bảo mỹ quan đô thị.
Sở Tài nguyên và Môi trường yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra và xử lý các trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm thải bỏ chất thải không đúng nơi quy định; tăng cường xử lý các trường hợp, đơn vị cung ứng dịch vụ vệ sinh môi trường không tuân thủ quy định, quy trình kỹ thuật, hợp đồng cung ứng dịch vụ đã ký kết, tiếp nhận thành phần chất thải không đúng quy định, chất thải từ tỉnh, thành khác vận chuyển về Thành phố.
Thực hiện yêu cầu của Sở Tài nguyên và Môi trường, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Môi trường đô thị Thành phố Hồ Chí Minh (CITENCO) đã áp dụng công nghệ hiện đại để đảm bảo vệ sinh môi trường, quá trình vận hành được kiểm soát nghiêm ngặt, không để phát tán mùi hôi ra bên ngoài, gây ô nhiễm môi trường. Công ty cùng Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Thủ Đức triển khai thí điểm dán logo nhận diện các xe gom rác dân lập đổ về các trạm trung chuyển Hiệp Bình Chánh, Long Hòa, Long Trường thuộc thành phố Thủ Đức; giúp quản lý lực lượng thu gom rác, điều phối khối lượng rác tại các trạm trung chuyển tốt và thuận lợi hơn, công suất xử lý tại các trạm trung chuyển được đảm bảo. Việc này cũng tránh được trường hợp các xe rác ở địa bàn khác đổ không đúng nơi quy định.
Đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường Quận 3 cho hay, do biết các điểm trung chuyển, tập trung rác sẽ gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, quận đã thực hiện chuyển đổi lấy rác ban đêm thay vì ban ngày như trước, đồng thời trang bị xe ép rác hiện đại. Quận còn quán triệt lực lượng thu gom rác phải tập kết rác đúng giờ, không quá sớm, tăng cường vệ sinh các điểm lấy rác; giao các phường và Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Dịch vụ công ích Quận 3 tăng cường kiểm tra, nhắc nhở. Địa phương đã thành lập Hợp tác xã môi trường quận để nâng cao chất lượng thu gom rác trên địa bàn.
Quận 1 hiện đang tiến hành chia nhỏ lượng rác tại các điểm tập kết và di chuyển điểm tập kết liên tục nên phần nào đã hạn chế ảnh hưởng đến người dân. Quận Gò Vấp đã chủ động chuyển các điểm trung chuyển rác đến gần các khu vực chợ truyền thống, xa khu dân cư; thời gian lấy rác nhanh, vệ sinh sạch sẽ nên đã giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Đặc biệt, điểm tập kết rác An Sương ở quốc lộ 1A (phường Tân Thới Nhất, Quận 12), đoạn qua Thành phố Hồ Chí Minh tồn tại hơn 30 năm gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Trước tình hình trên, chính quyền phường Tân Thới Nhất đã di dời điểm tập kết rác An Sương về bãi rác Hiệp Thành (phường Hiệp Thành, Quận 12); đồng thời, vận động các ban, ngành, đoàn thể cùng nhân dân dọn vệ sinh, tiến hành lát gạch và trồng cây xanh, đầu tư làm mới các bức tường và vẽ tranh tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường cho người dân. Trong thời gian đầu sau khi xóa bãi rác, phường Tân Thới Nhất tổ chức rào chắn, lắp camera, cử lực lượng chức năng trực, tuyên truyền, vận động người dân không vứt rác tại đây. Đến thời điểm hiện nay, tình trạng vứt rác ở khu vực này không còn.
Theo nội dung định hướng quy hoạch vị trí Trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Ủy ban nhân dân Thành phố chấp thuận, Thành phố sẽ giảm dần các Trạm trung chuyển rác trong khu vực nội đô, tăng vị trí Trạm trung chuyển trên các tuyến vành đai của Thành phố. Tuy nhiên, đến nay, Trạm vành đai chưa có, trạm nội thành lại dần đóng cửa làm phát sinh hàng loạt điểm hẹn tập kết rác trong khu vực nội đô tạo ra nhiều thách thức cho các địa phương trong việc vừa phải đảm bảo vận chuyển, xử lý rác hiệu quả, đúng quy trình vừa phải đảm bảo chất lượng mỹ quan môi trường, giảm ô nhiễm.