Phát biểu tại lễ phát động, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh Trần Thị Diệu Thúy nhấn mạnh sự kiện lịch sử "Hội nghị Diên Hồng" được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc tới với tất cả sự trân trọng; chỉ rõ vị trí, vai trò to lớn của Người cao tuổi đối với nhiệm vụ cách mạng. Cách mạng thành công, Người cao tuổi Việt Nam tiếp tục có nhiều đóng góp cho công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế. Người cao tuổi là vốn quý, là nguồn lực quan trọng của xã hội, là rường cột của gia đình và cộng đồng; vị thế, vai trò, tiềm năng, sức mạnh, sự đoàn kết, những giá trị về tinh thần và vật chất của người cao tuổi đối với sự nghiệp cách mạng, gia đình và quê hương, đất nước đã được khẳng định trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước.
Trân trọng những góp của từng thành viên, tổ chức Hội Người cao tuổi vào công cuộc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội Thành phố, bà Trần Thị Diệu Thúy khẳng định đạo lý "uống nước nhớ nguồn", "kính lão, trọng thọ" luôn được lãnh đạo và nhân dân Thành phố quan tâm, coi đó là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài và cũng là trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân và toàn xã hội.
Phát động Tháng hành động vì Người cao tuổi, bà Trần Thị Diệu Thúy mong tinh thần “Người cao tuổi được phát huy và chăm sóc đầy đủ” sẽ lan tỏa sâu rộng và luôn trong nhận thức, trách nhiệm, hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, của mỗi người dân và toàn xã hội, để mỗi người cao tuổi, nhất là những trường hợp khó khăn, không nơi nương tựa luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, chăm sóc tận tình, để “không người cao tuổi nào bị bỏ lại phía sau”.
Khái quát Tháng hành động vì người cao tuổi và ngày Quốc tế người cao tuổi, ông Lê Chu Giang, Phó Trưởng Ban đại điện Hội Người cao tuổi Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ những kết quả ấn tượng trong công tác người cao tuổi Thành phố những năm qua. Nổi bật trong hoạt động là luôn nêu gương sáng; tham gia tích cực, có trách nhiệm trong các cuộc vận động, phong trào tại địa phương; cùng các lực lượng tích cực tham gia giữ gìn trật tự xã hội, an ninh chính trị, ổn định xã hội. Bên cạnh đó, các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao, thể dục, dưỡng sinh; mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau; phát triển Quỹ Chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi ở cơ sở đã và đang lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Thành phố cũng đã dành 150 tỷ đồng để tổ chức khám, tầm soát bệnh mạn tính, không lây nhiễm cho người cao tuổi; đời sống vật chất, tinh thần người cao tuổi từng bước được nâng cao.
Tham gia lễ phát động, bà Châu Thị Kim Bích Ngọc, Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã bày tỏ quyết tâm cùng tổ chức Hội, các cấp chính quyền Thành phố thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ, hoạt động “Chung tay bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi”. Đồng thời kêu gọi sự đóng góp của toàn xã hội cùng nhau chăm sóc người cao tuổi, tạo điều kiện để người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích cho gia đình, xã hội, góp phần xây dựng đất nước phát triển nhanh bền vững để luôn xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ “Tuổi già nhưng chí không già, góp phần xây dựng nước nhà phồn vinh”…
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến cuối năm 2023, Thành phố có hơn 1,1 người cao tuổi (chiếm khoảng 11% dân số Thành phố). Chỉ số già hóa của Thành phố là 49,4% (cao hơn số liệu cả nước là 48,8%).