Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp và để đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu nhà trường chỉ lấy nguồn thực phẩm từ các đơn vị được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Đồng thời, kiểm soát nguồn gốc thịt lợn khi nhập vào các bếp ăn tập thể, suất ăn công nghiệp và căng tin trường học.
Việc thực hiện kiểm tra thịt lợn trải qua 3 bước, bao gồm kiểm tra nguồn thực phẩm đầu vào, khi chế biến, lúc thành phẩm trước khi cho học sinh ăn. Tất cả các bước đều phải do Ban giám hiệu, bếp trưởng hoặc nhân viên y tế giám sát nhận xét vào sổ theo dõi hàng ngày. Tất cả nhân viên làm việc ở bếp ăn và căng tin đều phải tham dự lớp tập huấn về an toàn vệ sinh thực phẩm và khám sức khỏe theo qui định.
Theo bà Bùi Diễm Thu, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, nhà trường cần tăng cường kiểm tra công ty cung cấp suất ăn công nghiệp cho học sinh để đảm bảo nguồn nguyên liệu và chất lượng sản phẩm cung cấp, kiên quyết không để các thực phẩm bẩn, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc được tiêu thụ, chế biến trong khẩu phần ăn của các em học sinh, nhất là trong thời điểm nắng nóng hiện nay.
Song song đó, ngành giáo dục TP Hồ Chí Minh cũng yêu cầu nhà trường tuyên truyền cho học sinh, học viên và phụ huynh không “quay lưng” với thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn. Tuyên truyền để học sinh, học viên và phu huynh hiểu rõ đây là loại bệnh đặc chủng trên đàn lợn, không lây bệnh cho động vật khác và không ảnh hưởng đến sức khỏe và lây bệnh sang con người.
Hiện nay trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có 1.974 trường học từ mầm non đến THPT và 2.314 cơ sở dịch vụ ăn uống trong trường học bao gồm cả bếp ăn tập thể tự tổ chức, bếp ăn tập thể thuê nấu, cơ sở nhận suất ăn sẵn và căng tin trong trường học.