Tuy nhiên, chất lượng sống của người cao tuổi chưa cao. Nhiều người vẫn phải đối mặt với những khó khăn như không có thu nhập, sống nhờ vào con, bệnh tật… Để người cao tuổi được chăm sóc toàn diện, từ đó nâng cao chất lượng dân số, thành phố cần nhiều giải pháp đồng bộ.
Gia tăng số lượng người cao tuổi
Thống kê mới nhất của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ người trên 60 tuổi ở Thành phố tăng với tốc độ khá nhanh trong những năm gần đây. Nếu năm 2019, người cao tuổi mới chiếm khoảng 9,3%, năm 2022 đã tăng lên 11,03%, tương đương khoảng 1,03 triệu người. “Theo mô hình chuyển đổi dân số, người trên 60 tuổi dao động 10 - 20% được gọi là già hóa dân số, vượt qua 20% là dân số già. Căn cứ số liệu thống kê nói trên, có thể khẳng định, dân số Thành phố đang bước vào giai đoạn già hóa”, ông Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Thành phố Hồ Chí Minh cho hay.
Không những gia tăng số lượng người cao tuổi mà tuổi thọ trung bình của người dân đang tăng. Năm 2022, tuổi thọ trung bình của người dân Thành phố Hồ Chí Minh là 76,3, trong khi trung bình cả nước là 73,6 tuổi.
Ở tuổi 69, ông Trần Văn Phùng (ngụ Phường 5, Quận 3) vẫn hàng ngày ra đường Võ Văn Tần bơm vá xe máy để mưu sinh. Ông tâm sự: “Ngày nhiều, tôi kiếm được 100 ngàn, ngày ít được dăm chục. Vợ tôi 65 tuổi nhưng vẫn phải làm giúp việc theo giờ cho một vài gia đình. Thu nhập cũng chỉ như tôi thôi. Hai vợ chồng làm chỉ đủ ăn ngày ba bữa, còn lại vẫn phải trông nhờ vào con cháu”. May mắn hơn ông Phùng, vợ chồng ông Lưu, ngụ Quận 8 đều có lương hưu. Tuy nhiên, cả hai ông bà đều mắc các bệnh mạn tính tiểu đường, cao huyết áp. Thời gian gần đây, ông Lưu còn mắc thêm bệnh xương khớp, đi lại không còn linh hoạt như trước. Đồng lương hưu ít ỏi của hai ông bà đều được dồn vào khám bệnh định kỳ, thuốc thang. Các chi tiêu sinh hoạt khác đều phải tiết kiệm ở mức tối đa. Ở chung với con trai, hàng ngày, ông bà Lưu phụ giúp các con trông cháu, nấu nướng, dọn dẹp.
Nhìn nhận về những khó khăn mà người cao tuổi đang phải đối mặt, Tiến sĩ Huỳnh Thành Lập, Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, mặc dù có tuổi thọ trung bình cao nhưng người cao tuổi tại Thành phố vẫn chưa có được chất lượng sống tốt. Nhiều người không có lương hưu hoặc lương hưu thấp khiến cuộc sống của họ gặp khó khăn. Người cao tuổi khó kiếm được việc làm phù hợp với sức khỏe, một bộ phận còn phải làm công việc nặng nhọc quá sức so với tuổi như giúp việc nhà, làm công việc tay chân… Các cơ sở chăm sóc người già, nhà dưỡng lão vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, hoàn cảnh của người cao tuổi và gia đình. Trong khi đó, đa phần người cao tuổi đều mắc một hoặc vài ba bệnh mạn tính đi kèm. Chi phí khám chữa bệnh là một gánh nặng mà nhiều người cao tuổi phải đối mặt.
Những băn khoăn của Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi Thành phố Hồ Chí Minh cũng thể hiện trong Báo cáo nghiên cứu thị trường các sản phẩm chăm sóc người cao tuổi ở Việt Nam của Quỹ Dân số Liên hợp quốc. Theo đó, có tới 90% người cao tuổi ở Việt Nam không có tích lũy, chỉ có 10% người cao tuổi có tiền tiết kiệm. Hầu hết người cao tuổi sử dụng tiền tiết kiệm để chi trả chi phí chữa bệnh, 10% chi cho con cháu và chỉ có 8,5% chi cho bản thân.
Phát huy cao nhất vai trò của người cao tuổi, thích ứng với già hóa dân số
Ông Phạm Chánh Trung nhìn nhận, già hóa dân số tạo ra những thách thức về kinh tế và văn hóa cho các cá nhân, gia đình, xã hội và cộng đồng. Già hóa dân số không chỉ khiến cho nguy cơ thiếu hụt lực lượng lao động trong tương lai còn làm gia tăng áp lực lên hệ thống y tế và trợ cấp lương hưu. Bên cạnh đó, hệ thống khám chữa bệnh chuyên khoa cho người già chưa phát triển. Các chính sách an sinh xã hội mới dừng lại ở mức trợ giúp, chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu cơ bản của một bộ phận người cao tuổi.
Để ứng phó với quá trình già hóa dân số, ông Phạm Chánh Trung cho rằng, cần có sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng tình, ủng hộ của người dân. Ngành Y tế, trong thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ giải pháp tăng cường truyền thông giáo dục thay đổi hành vi nâng cao nhận thức, tạo môi trường xã hội đồng thuận tham gia chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Trước mắt, năm 2024, Thành phố sẽ khám sức khỏe miễn phí cho toàn bộ người cao tuổi với kinh phí dự kiến trên 150 tỷ đồng. Về lâu dài, ngành Y tế sẽ củng cố, hoàn thiện hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám chữa bệnh cho người cao tuổi, xây dựng và phổ biến mô hình chăm sóc sức khỏe dài hạn cho người cao tuổi.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất nhận xét, Thành phố Hồ Chí Minh đang trong giai đoạn già hóa dân số. Số lượng người cao tuổi đang ngày một tăng lên. Song thực tế, người cao tuổi khỏe mạnh không nhiều, trung bình một người cao tuổi mắc từ 2 - 3 bệnh lý mạn tính cần được chăm sóc, điều trị thường xuyên. Các bệnh lý của người cao tuổi thường có ảnh hưởng đến nhau, bệnh này làm tăng nặng bệnh kia, nếu không được điều trị kịp thời, toàn diện, nguy cơ tàn phế và tử vong ở người cao tuổi tăng. Do đó, Thành phố cần sớm thành lập Trung tâm Lão khoa nhằm điều trị, chăm sóc cho người cao tuổi một cách toàn diện hơn, từ đó nâng cao chất lượng sống cho người cao tuổi.
Ở góc độ cơ quan đại diện, bảo vệ người cao tuổi, Tiến sĩ Huỳnh Thành Lập, Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cần thay đổi quan niệm và thái độ xã hội về già hóa và người cao tuổi: “Cần nhìn nhận người cao tuổi không phải từ góc độ những người nhận trợ cấp xã hội, là gánh nặng của xã hội mà người cao tuổi là những thành viên có đóng góp tích cực trong xã hội”. Tiến sĩ Huỳnh Thành Lập đề xuất, sửa đổi, bổ sung Luật Người cao tuổi với tinh thần phát huy cao nhất vai trò của người cao tuổi, phù hợp, thích ứng với già hóa dân số. Cần xem xét xây dựng một chiến lược tổng thể trung hạn nhằm bảo đảm an toàn thu nhập cho người cao tuổi, bao gồm cả trợ cấp xã hội và lương hưu cho người cao tuổi. Quan trọng không kém là tạo cơ hội việc làm và phát triển kỹ năng cho người cao tuổi như một phương pháp bảo đảm thu nhập và phúc lợi, nhất là với những người cao tuổi không có lương hưu hoặc lương hưu thấp.
“Thành phố nên xây dựng một vài cơ sở chăm sóc người cao tuổi kiểu mẫu và dần nhân rộng trong cộng đồng, khuyến khích tư nhân tham gia bằng các chính sách ưu đãi như phí thuê đất, mặt bằng, thuế… để ngày càng có nhiều cơ sở dưỡng lão cho người cao tuổi hơn trong tương lai”, Tiến sĩ Huỳnh Thành Lập đề xuất.