8 lần điều chỉnh mức chuẩn nghèo
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, giai đoạn 2016 - 2020, chuẩn nghèo thành phố đặt ra là hộ có thu nhập dưới 21 triệu đồng/năm (chuẩn quốc gia là dưới 10,8 triệu đồng/năm), hộ cận nghèo có mức thu nhập dưới 28 triệu đồng/năm (chuẩn quốc gia là 12 triệu đồng/năm). Sau 26 năm thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo (từ năm 1992) nay là chương trình giảm nghèo bền vững, TP Hồ Chí Minh đã có 8 lần điều chỉnh mức chuẩn nghèo và hiện tiêu chuẩn hộ nghèo của thành phố cao gấp ba lần so với tiêu chuẩn quốc gia.
Thống kê cho thấy, hiện thành phố chỉ còn 3.700 hộ nghèo, chiếm 0,19% tổng hộ dân và khoảng 22.900 hộ cận nghèo. Đặc biệt, cuối năm 2018, TP Hồ Chí Minh chỉ còn 104 hộ nghèo có thu nhập trong chuẩn cận nghèo quốc gia, cơ bản hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo thành phố giai đoạn 2016 – 2020 trước thời hạn 2 năm.
Để đạt được mục tiêu này, trong những năm qua, TP Hồ Chí Minh xác định chủ trương thực hiện chương trình giảm nghèo lồng ghép vào chương trình mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Các sở, ngành thành phố chủ động xây dựng các chỉ tiêu, giải pháp phù hợp theo từng giai đoạn và điều kiện đặc thù của khu vực. Đồng thời đẩy mạnh kêu gọi các nhà đầu tư, các thành phần kinh tế cùng tham gia hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có thu nhập thấp phù hợp với phương thức xã hội hóa nhằm làm giảm áp gánh nặng cho ngân sách thành phố.
Riêng năm 2018, TP Hồ Chí Minh đã huy động được hơn 3.360 tỷ đồng từ nhiều nguồn lực phục vụ cho chương trình giảm nghèo bền vững. Như vậy, toàn bộ kinh phí hỗ trợ Chương trình giảm nghèo năm 2017 là 3.911 tỷ đồng và năm 2018 hơn 4.500 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này được phân bổ, hỗ trợ trên cơ sở đảm bảo kịp thời, đầy đủ và đúng đối tượng.
Chia sẻ một trong những “bí quyết” để đạt được mục tiêu, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho rằng Chương trình giảm nghèo bền vững của thành phố đã thực hiện lâu dài, kiên trì để nâng cao chất lượng đời sống của các hộ nghèo. Muốn các hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững, các hộ này phải có việc làm, tay nghề ổn định, tự nuôi sống bản thân. Nhiều địa phương đã xây dựng đề án đào tạo nghề kết hợp với những ưu đãi, chế độ hỗ trợ như hộ nào thoát nghèo, cận nghèo, hỗ trợ thêm 1 năm dịch vụ cơ bản, 2 năm về vốn… giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo.
Áp dụng chuẩn nghèo đa chiều
Thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững trong giai đoạn 2016-2020, TP Hồ Chí Minh áp dụng chuẩn nghèo đa chiều. Theo đó, cùng với đánh giá tiêu chí về thu nhập còn có tiêu chí đo lường 5 chiều gồm y tế, giáo dục, điều kiện sống, tiếp cận thông tin, bảo hiểm và trợ giúp xã hội, với 11 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các chiều xã hội cơ bản.
Để thực hiện được các mục tiêu của chương trình, thành phố triển khai nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ kéo giảm nghèo và chỉ số thiếu hụt đa chiều của các hộ nghèo, hộ cận nghèo thành phố. Cụ thể, thành phố đã hỗ trợ cả trăm ngàn dự án với tổng số tiền trên 3.000 tỷ đồng, giúp các hộ nghèo, cận nghèo làm ăn, sản xuất, ổn định cuộc sống; giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động trong nước và nhiều người xuất khẩu lao động.
Đồng thời, thành phố thực hiện miễn giảm, hỗ trợ học phí cho hàng trăm ngàn lượt học sinh, sinh viên thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo; cấp phát thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, cận nghèo; vận động xây dựng 1.290 nhà tình thương… Bên cạnh đó, thành phố còn thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ về khoa học công nghệ, đẩy mạnh sản xuất, trợ giúp pháp lý; hỗ trợ các chính sách đối đồng bào dân tộc thiểu số.
Ông Nguyễn Dũng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững TP Hồ Chí Minh cho biết, ngoài sự quan tâm của chính quyền các cấp, các hội, đoàn thể, không thể không nhắc đến sự nỗ lực phấn đấu rất lớn từ các hộ nghèo, hộ cận nghèo, các tầng lớp xã hội thành phố, đặc biệt là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến quận huyện, phường xã. Qua đó, góp phần liên tục hoàn thành và vượt mức chỉ tiêu hộ nghèo trong 3 năm qua và làm giảm đáng kể các chiều thiếu hụt về dịch vụ xã hội cơ bản của thành phố.
Năm 2018, với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, Chương trình giảm nghèo bền vững của thành phố đã kéo giảm hơn 30.523 hộ thiếu hụt chiều y tế (kéo giảm 94,94% số hộ thiếu hụt); kéo giảm 13.048 hộ thiếu hụt chiều tiếp cận thông tin ( kéo giảm 93,72% số hộ thiếu hụt); kéo giảm 25.564 hộ thiếu hụt chiều điều kiện sống (kéo giảm 59,53% số hộ thiếu hụt); kéo giảm 23.364 hộ thiếu hụt về chiều giáo dục và đạo tạo (kéo giảm đạt 41,15% số hộ thiếu hụt) và 22.847 hộ thiếu hụt về việc làm, bảo hiểm xã hội (kéo giảm 41,05% số hộ thiếu hụt).
Bài 2 - Khi chính quyền và người dân “đồng lòng”