Việc vận hành thử (trial run) sẽ được thực hiện theo hai giai đoạn, giai đoạn 1 được chủ trì bởi các chuyên gia tư vấn NJPT của Nhật Bản, giai đoạn 2 sẽ được thực hiện bởi nhân viên của Công ty HURC1.
Trong thời gian diễn ra vận hành thử, MAUR sẽ cho thực hiện 47 kịch bản khác nhau, từ vận hành thông thường cho đến các tình huống khẩn cấp như cháy, nổ, mất điện, ngập nước, mất tín hiệu… ở các vị trí khác nhau trên phạm vi toàn tuyến metro số 1 (bao gồm đoạn trên cao và trong đường hầm).
Trước khi vận hành thử, MAUR cũng đã hoàn thành việc ký kết các thỏa thuận với nhà thầu Hitachi và các nhà thầu xây dựng về việc sử dụng các trang thiết bị của các nhà thầu, nhằm phục vụ cho công tác đào tạo và vận hành thử.
Trong quá trình vận hành thử, các đoàn tàu sẽ chạy giống như vận hành thương mại sau này với khoảng cách giữa các chuyến tàu là 4 phút 30 giây/chuyến.
Nhân viên vận hành của tất cả các vị trí đều được huy động, bao gồm nhân viên lái tàu, điều độ ở trung tâm điều khiển (OCC), nhân viên ở các nhà ga… Tổng cộng, sẽ có 71 nhân viên tham gia vận hành thử trong mỗi ca làm việc. Dự kiến, mỗi ngày có 2 ca làm việc.
Song song với quá trình vận hành thử, các chuyên gia Tư vấn đánh giá an toàn hệ thống BVT (Liên danh Bureau Veritas của Pháp và TEDI của Việt Nam) sẽ tiến hành theo dõi, chứng kiến và đánh giá sự thành thạo của các nhân viên Công ty HURC1 trong các tình huống khẩn cấp.
Dự kiến, từ ngày 18/11 đến ngày 30/11/2024, Tư vấn đánh giá an toàn hệ thống sẽ hoàn thành các báo cáo đánh giá an toàn để trình nộp cho Cục đường sắt thực hiện công tác thẩm định an toàn theo quy định của Luật đường sắt. Trên cơ sở đó, Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng, thuộc Bộ xây dựng sẽ tiến hành nghiệm thu để chấp thuận đưa đự án vào vận hành khai thác thương mại, dự kiến trong tháng 12/2024.