Số lượng phương tiện giao thông ngày càng đông, đường giao thông không được mở rộng. Các kế hoạch, giải pháp chống ùn tắc giao thông vẫn bế tắc. Trong khi đó Nghị quyết 88 của Chính phủ đề nghị TP.HCM xây dựng lộ trình hạn chế xe cá nhân đang là một thách thức rất lớn cho ngành giao thông TP.
Bế tắc giải pháp hạn chế xe cá nhân
Trên thực tế, kế hoạch giảm xe cá nhân đã được các chuyên gia đề cập từ những năm 2000, khi mà xe gắn máy giá rẻ từ Trung Quốc tràn vào Việt Nam. Một thời gian sau, các biện pháp hạn chế đăng ký xe gắn máy cũng được ban hành. Tuy nhiên sau đó, biện pháp này phải dỡ bỏ do có nhiều ý kiến trái chiều…
Hậu quả, giao thông TP vẫn phát triển theo lối tự phát, xe cá nhân vẫn tăng ồ ạt, không kiểm soát nổi. Thống kê của CSGT TP, trung bình mỗi ngày, TP có khoảng 1.200 xe máy và 100 ô tô đăng ký mới. TP vẫn thiếu một lộ trình cơ bản để hạn chế xe gắn máy.
Theo nhận định của KTS Khương Văn Mười, TP đang bế tắc trước các giải pháp giao thông và vấn đề quy hoạch đô thị. Các tuyến đường giao thông thì không thể mở rộng thêm nữa, nhưng các công trình trường học, bệnh viện và cao ốc văn phòng vẫn tiếp tục mọc lên trong nội ô. Các nhà đầu tư tập trung các dự án vào khu vực trung tâm, trong khi các đô thị mới như Nam Sài Gòn vẫn chưa đủ sức hút, nên gây ra sức nén về lưu lượng người và xe cộ tại khu vực trung tâm thành phố.
Theo số liệu từ Sở GTVT, đến cuối tháng 6/2011, TP Hồ Chí Minh có gần 470.000 ô tô và hơn 4,7 triệu xe máy, ngoài ra còn khoảng 1 triệu xe máy và 60.000 ô tô biển số ngoại tỉnh lưu thông hằng ngày. Nếu trong giai đoạn 2000-2005, xe máy chỉ tăng 1 triệu chiếc (năm 2000 là 1,7 triệu xe máy, năm 2005 là 2,8 triệu) thì giai đoạn 2006-2010 số xe máy đã tăng gấp đôi, đến gần 4,5 triệu chiếc (vào cuối năm 2010) và gần 4,7 triệu chiếc năm 2011. Trong khi đó, tổng chiều dài đường TP chỉ có 3.800 km, trong đó 70% là đường có bề rộng dưới 7 m. Quỹ đất giao thông thấp, không đủ chỗ cho cả xe gắn máy và xe buýt cồng kềnh lưu thông.
Xe buýt cần được tổ chức lại
Một đô thị lớn gần 10 triệu dân và năng động như TP.HCM, nhu cầu giao thông đô thị là rất lớn nhưng 90% số lượt người đi lại dựa vào phương tiện cá nhân là điều không thể chấp nhận được. PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh cho rằng, khuyến khích người dân đi xe buýt không chỉ là cải tạo xe buýt, mà phải bao gồm nhiều giải pháp, từ quy hoạch xây dựng đến phát triển vận tải.
Hơn 10 năm phát triển mạng lưới xe buýt, dù đã rất cố gắng nhưng phương tiện này vẫn chưa thực hiện được vai trò vận chuyển đối trọng với xe cá nhân. Thạc sĩ Hoàn Thị Kim Chi cho rằng, tỷ lệ 5% người dân TP đi xe buýt là quá thấp so với những nỗ lực đầu tư của TP cho phương tiện và hàng ngàn tỷ đồng trợ giá vé xe buýt. Theo bà Chi, TP cần phải cơ cấu và điều chỉnh lại các luồng tuyến xe buýt, hoàn thiện mô hình HTX, thiết lập trung tâm điều hành xe buýt một cách khoa học, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các dịch vụ xe buýt và các phương tiện khác.
Còn chuyên gia Trịnh Thị Hiền nhìn nhận, TP.HCM nhất thiết cần phát triển hệ thống giao thông công cộng. Trong thời điểm hiện tại, xe buýt là giải pháp tối ưu nhất để giải quyết bài toán giao thông công cộng và từng bước hạn chế xe cá nhân. Thế nhưng, việc quy hoạch và quản lý hai loại phương tiện này lại là chủ đề được bàn cãi hơn cả. Bài toán đặt ra cho TP.HCM là làm sao để quản lý mạng lưới vận tải xe buýt trong tương lai đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân TP. Đây là giải pháp mà các quốc gia phát triển khác cũng đã làm trước khi có hệ thống tàu điện ngầm (metro).
Đề xuất một giải pháp tối ưu hơn, PGS.TS Phạm Xuân Mai (ĐH Bách khoa TP.HCM) nhận định, TP cần phải áp dụng mô hình BRT (Bus Rapid Transit). Đây là hệ thống xe buýt nhanh, chất lượng cả về kỹ thuật và dịch vụ, khối lượng vận chuyển lớn, chạy trên đường dành riêng… Mô hình này đã được áp dụng thành công ở các thành phố lớn, đông dân ở châu Mỹ Latinh, một số thành phố châu Âu, Nhật Bản. Các nước trong khu vực châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Inđônêxia… đã và đang nghiên cứu ứng dụng rộng rãi để thay thế cho việc đầu tư hệ thống tàu điện ngầm. Theo PGS với tốc độ gia tăng dân số như hiện nay, đến năm 2020 TP cần phải triển khai các tuyến xe buýt lớn BRT.
Bài và ảnh: SĨ DŨNG