Giá nhà đất tại TP.HCM đang quá cao so với mức thu nhập trung bình của đại bộ phận người dân lao động. Vì vậy, dù giá có giảm nữa thì họ vẫn khó có khả năng mua được nhà. Một chương trình phát triển nhà ở mang tính chiến lược mà UBND TP.HCM vừa đề xuất Bộ Xây dựng hy vọng sẽ giải quyết phần nào nhu cầu bức bách về nhà ở của người dân thành phố.
Thiếu sản phẩm dành cho người thu nhập thấp
Thị trường nhà ở tại TP.HCM nhiều năm qua dường như nằm trong tay những “người giàu”, mà nguyên nhân chính là tình trạng đầu cơ bất động sản đã đẩy giá nhà lên rất cao so với thực tế và chủ yếu chỉ là “đầu cơ” - mua đi bán lại để kiếm tiền chênh lệch. Tuy nhiên, trước thực trạng “đóng băng” của thị trường bất động sản như hiện nay, các nhà đầu tư đã bắt đầu chuyển hướng đầu tư vào phân khúc thị trường nhà ở giá trung bình, diện tích nhỏ để đáp ứng nhu cầu của thị trường, tuy nhiên phần lớn các dự án vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu nhà ở thực sự của đại bộ phận người dân.
Phân khúc nhà ở cho đối tượng thu nhập trung bình vẫn luôn khan hiếm do giá bị đẩy quá cao. |
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, trong số 143 dự án nhà ở đã hoàn thành và đưa vào sử dụng (tương đương hơn 35.160 căn hộ chung cư và 2.112 biệt thự) thì đa phần các căn hộ chung cư tập trung vào phân khúc hạng cao cấp (chiếm 35,8%) và trung bình (chiếm %), phân khúc dành cho người thu nhập thấp chỉ chiếm 24,9%. Mặc dù hiện giá tất cả phân khúc có giảm nhưng vẫn quá cao so với túi tiền của người dân. Cụ thể, phân khúc nhà ở trung bình là 19,3 triệu đồng/m², nhà thu nhập thấp 14,1 triệu đồng/m², nhà cao cấp 36,8 triệu đồng/m² và nhà hạng sang 85,8 triệu đồng/m2.
Cũng theo Sở Xây dựng, nhu cầu về nhà ở cho người thu nhập thấp trên địa bàn thành phố rất lớn, tuy nhiên nguồn cung của loại hình nhà ở này chưa phát triển tương xứng với nhu cầu. Bên cạnh những bất cập khiến mô hình đầu tư này chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp địa ốc tham gia, thì những khó khăn về quỹ đất, công tác giải phóng mặt bằng và khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay là những vấn đề khiến các doanh nghiệp địa ốc chưa mặn mà đầu tư vào loại hình nhà ở này. Với các dự án nhà cho người thu nhập thấp, các chủ đầu tư khó huy động vốn ứng trước của người mua, trong khi đó, nếu áp dụng hình thức cho thuê, thuê mua (mua trả góp) thì thời gian thu hồi vốn kéo dài.
Phát triển mạnh nhà ở xã hội
Báo cáo với Bộ Xây dựng và UBND TP.HCM về tình hình thực hiện chính sách nhà ở và chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2006 - 2010, ngày 17/6 vừa qua, Sở Xây dựng cho biết TP.HCM đã xây được 33,34 triệu m² sàn xây dựng với tổng diện tích nhà ở 102,84 triệu m² (tăng 4% so với kế hoạch đề ra), nâng diện tích nhà ở bình quân đầu người lên 14,3 m²/người.
Trong giai đoạn 2011-2016, UBND TP.HCM đã đưa ra chỉ tiêu phát triển nhà ở với tổng diện tích sàn xây dựng phát triển trong 5 năm là 39 triệu m2; diện tích bình quân đầu người là 17 m²/người; phấn đấu nâng tỷ lệ nhà ở kiên cố đạt 75%, cơ bản xóa nhà đơn sơ trên địa bàn TP; hoàn thành cơ bản, di dời và tái định cư cho 13.000 hộ dân còn lại sống trên kênh rạch; đáp ứng cơ bản quỹ nhà tái định cư cho các dự án trọng điểm và chương trình di dời các hộ dân sống trên và ven kênh rạch. Để cụ thể hóa, thành phố đã lập kế hoạch phát triển các chung cư với quy mô khoảng 30.000 căn hộ để giải quyết nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp trên địa bàn thành phố; đồng thời đặt mục tiêu sẽ phát triển 7 dự án chung cư trên diện tích 22,6 ha đất với quy mô 10.000 căn hộ. Bên cạnh đó cũng kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng 20.000 căn hộ phục vụ đối tượng này. Hiện đã có 33 doanh nghiệp tham gia chương trình đầu tư xây dựng nhà cho người thu nhập thấp với quy mô khoảng 14.000 căn hộ. Bên cạnh đó, thành phố cũng đã chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng cho 6 chủ đầu tư với khoảng 8.760 căn hộ.
Nhiều năm qua, TP.HCM rất nỗ lực trong việc phát triển các dự án nhà ở xã hội, khẳng định chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước chăm lo chỗ ở cho các đối tượng chính sách và người lao động, góp phần cải thiện bộ mặt đô thị, cải thiện điều kiện sống của người dân. Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân cho biết: Việc chăm lo, giải quyết nhà ở cho người dân TP là cả một sự nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành TP trong giai đoạn 2006-2010. Trong 5 năm tới, TP.HCM tiếp tục coi trọng việc phát triển chương trình nhà ở như là một trong những chương trình phát triển kinh tế-xã hội chủ yếu của TP.
Bài và ảnh: Sĩ Dũng