Ngày 8/3, tại Hội nghị tổng kết Đề án hỗ trợ gia đình người có công với cách mạng khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, thông tin từ Ban Chỉ đạo Đề án tỉnh cho biết, đến nay, các địa phương trong tỉnh đã giải ngân tổng số tiền gần 65 tỷ đồng để hỗ trợ nhà ở cho 1.821 gia đình người có công với cách mạng khó khăn về nhà ở; trong đó, 761 căn xây mới (mức hỗ trợ 50 triệu đồng/căn) và 1.060 căn sửa chữa (mức hỗ trợ 25 triệu đồng/căn). Huyện Càng Long có số hộ hưởng lợi từ Đề án cao nhất tỉnh với 730 căn.
Đề án hỗ trợ gia đình người có công với cách mạng khó khăn về nhà ở tỉnh Trà Vinh thực hiện từ năm 2021 - 2022, bằng nguồn ngân sách tỉnh được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua vào ngày 13/9/2021 và UBND tỉnh phê duyệt ngày 29/9/2021.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Nguyễn Trung Hoàng, Trưởng ban Chỉ đạo Đề án, chính sách hỗ trợ nhà ở cho gia đình người có công với cách mạng thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc Việt Nam. Chính sách đã giải quyết kịp thời nhu cầu bức thiết về nhà ở cho các hộ khó khăn. Phần lớn các đối tượng được hỗ trợ nhà ở đều phấn khởi, có thêm động lực tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, cải thiện đời sống.
Trước đó, giai đoạn 2013 - 2019, thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Trà Vinh đã hoàn thành việc hỗ trợ nhà ở cho 10.090 hộ; trong đó xây mới 7.206 căn, sửa chữa 2.884 căn.
Để các chương trình, chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng thời gian tới đạt hiệu quả, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Minh Tân, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Đề án đề xuất, các địa phương cần làm tốt công tác rà soát, lập danh sách đảm bảo đúng đối tượng theo quy định, không bị trùng lắp; đồng thời niêm yết công khai danh sách và mức hỗ trợ xây dựng cho người có công tại trụ sở UBND cấp xã, phường, thị trấn để người dân cùng giám sát.
Hiện toàn tỉnh Trà Vinh còn 122/1.943 căn nhà thuộc Đề án chưa triển khai xây dựng được; trong đó 80 căn xây mới và 42 căn sửa chữa. Nguyên nhân là trong quá trình thực hiện, một số đối tượng đi làm ăn xa nên địa phương chưa liên hệ được hoặc một số hộ không nhận hỗ trợ do không có vốn đối ứng. Thêm nữa, trong quá trình rà soát, một số hộ có nhà ở xuống cấp được xây dựng trên đất cho ở tạm của anh, em, dòng họ… nên khi hỗ trợ nhà ở kiên cố theo Đề án thì chủ sở hữu đất không đồng ý.
Cùng với đó, các cấp chính quyền, đoàn thể cần quan tâm huy động thêm nguồn vốn xã hội hóa, vận động thân nhân người thụ hưởng góp thêm kinh phí để sửa chữa, xây dựng nhà ở được khang trang hơn. Các địa phương rà soát lại các hộ có công với cách mạng chưa có đất ở trên địa bàn để có kế hoạch lồng ghép chính sách nhà ở, đất ở theo quy định.