Tham dự Lễ Khai mạc Trại hè Việt Nam 2023 ngày 20/7, tại Hà Nội, nhiều kiều bào trẻ đã chia sẻ tình cảm, niềm xúc động khi trở về quê hương; đồng thời đề xuất cơ hội để tham gia các hoạt động trong nước, gắn kết các thế hệ trẻ kiều bào với quê hương, đất nước.
Lan tỏa niềm tự hào
Tham dự Trại hè năm 2023 với chủ đề “Tuổi trẻ kiều bào đồng hành vươn tới tương lai”, em Hà Dương Hải My, kiều bào Ba Lan mong muốn được đi nhiều nơi trên dải đất hình chữ S, được hiểu hơn về văn hóa và con người Việt Nam. Với Hải My, tham dự Trại hè Việt Nam 2023 là cơ hội rất tốt để gắn kết các thế hệ trẻ kiều bào với quê hương, đất nước.
Là một người Việt Nam ở nước ngoài, Hải My luôn muốn giữ gìn những điều tốt đẹp, nét văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Do đó, sau chương trình Trại hè lần này, Hải My tin tưởng mình và các bạn sẽ có thêm nhiều hiểu biết và tự tin giới thiệu với bạn bè trên khắp thế giới về đất nước Việt Nam; đồng thời lan tỏa niềm tự hào về mảnh đất anh hùng.
Còn đối với Trần Hà Phương, kiều bào Lào, cùng tham dự Trại hè với 120 học sinh, sinh viên kiều bào tiêu biểu đến từ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, em cảm thấy như “những người anh em cùng một nhà tụ hội sau những năm đi xa quê hương học tập và giờ đây được trở về quê hương, trở về đất mẹ”.
Bày tỏ sự hào hứng khi tham gia các hoạt động trong khuôn khổ Trại hè sắp tới, Hà Phương tự nhủ sẽ tích cực tham gia các hoạt động để có cơ hội cống hiến, chia sẻ nhiều hơn với bạn bè và những người em sẽ gặp trong đợt này.
“Em cũng mong muốn có thêm nhiều sân chơi để thanh niên sinh viên kiều bào có thêm cơ hội trở về quê hương, tham gia các hoạt động trong nước, đặc biệt là các chương trình liên quan đến giáo dục, khởi nghiệp, đầu tư những dự án nhỏ…”, Hà Phương nói.
Ý thức gìn giữ văn hóa Việt
Tương tự, em Lê Nguyễn Tùng Chi, về từ Malaysia cho biết, Tùng Chi đã được bố mẹ, ông bà dạy tiếng Việt ngay từ khi còn rất nhỏ và đến nay, em có thể sử dụng tiếng mẹ đẻ một cách thành thạo. May mắn theo mẹ đến lớp dạy tiếng Việt cho kiều bào tại Malaysia trong nhiều năm, em cảm nhận rõ hơn về giá trị tiếng Việt cũng như mong muốn gìn giữ tiếng Việt của các bậc phụ huynh cho con cháu sinh ra, lớn lên và học tập ở nước ngoài. Em còn thấy được sự nỗ lực, cố gắng của các bạn nhỏ tuổi đến các anh chị sinh viên, các cô chú lớn tuổi trong việc học và gìn giữ tiếng mẹ đẻ.
“Tiếng Việt giúp em gần gũi với họ hàng, người Việt Nam ở khắp mọi nơi. Người Việt biết nói tiếng Việt chính là cách để thể hiện bản sắc của mình trong mối quan hệ với bạn bè quốc tế. Ngôn ngữ và văn hóa Việt góp phần tạo nên gốc rễ vững chắc để người Việt trẻ vươn xa hơn trong hành trình thực hiện khát vọng của mình”, Tùng Chi nói.
Tùng Chi bày tỏ niềm tin tưởng vào sự phát triển của đất nước trên tất cả các lĩnh vực, nhất là giáo dục. Đồng thời, em cũng mong muốn các kiều bào trẻ trên khắp thế giới nỗ lực học và lan tỏa giá trị của tiếng Việt, từ đó cùng các bạn đồng trang lứa trong nước sẽ bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc.
Đối với Hà Ngọc Khánh Linh, kiều bào Nga, đã rất lâu rồi em chưa có dịp về Việt Nam bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19. “Sau 3 năm, em thấy Việt Nam có rất nhiều thay đổi và phát triển”, Khánh Linh nói.
Tương tự như Tùng Chi, gia đình Khánh Linh cũng duy trì nếp văn hóa và ngôn ngữ tiếng Việt. “Tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ, là thứ ngôn ngữ đầu tiên phải học nên ngay trước khi đi học mẫu giáo tại Nga, em đã thành thạo tiếng Việt”, Khánh Linh chia sẻ.
Cùng với đó, trong gia đình em vẫn duy trì nét văn hóa Việt, nhất là vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Gia đình Linh gói bánh chưng, bày mâm ngũ quả, thắp hương thờ cúng tổ tiên… , để các thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài đều biết và giữ được nét văn hóa của dân tộc.
Lần đầu tham gia Trại hè, Khánh Linh cho biết, ban đầu, em còn hơi lo lắng. Nhưng sau đó, cùng với sự quan tâm của Ban Tổ chức, sự hòa đồng vui vẻ của mọi người, em đã nhanh chóng thích nghi, nhập cuộc và sẵn sàng tham gia các hoạt động cùng mọi người.
“Mục đích tham gia Trại hè Việt Nam của em là có thêm nhiều người bạn Việt Nam sống và học tập ở khắp thế giới. Đồng thời, em cũng muốn tìm hiểu thêm về đất nước, con người, văn hóa Việt Nam, được đi và biết đến nhiều thành phố. Với những kiến thức em tích góp được về văn hóa, lịch sử Việt Nam, những người em được gặp trong chuyến đi, em muốn cùng các kiều bào Nga quảng bá văn hóa Việt Nam”, Khánh Linh nói.
Trại hè Việt Nam 2023 thu hút 120 học sinh, sinh viên kiều bào tiêu biểu đến từ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tham dự. Chương trình Trại hè Việt Nam cũng góp phần khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước “cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam”, đồng thời thể hiện sự quan tâm đối với thế hệ trẻ kiều bào.
Chương trình dự kiến kéo dài 2 tuần (từ ngày 18/7 - 2/8/2023), đi qua 10 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Trong thời gian này, các bạn trẻ sẽ được tham quan, tìm hiểu về văn hóa, lịch sử, đất nước, con người Việt Nam. Những trải nghiệm thực tế đó sẽ giúp các kiều bào trẻ thêm hiểu, thêm yêu thương gắn bó với quê hương, đất nước.
Đặc biệt, hoạt động giao lưu với đoàn thanh niên các địa phương sẽ tạo sự kết nối giữa thế hệ trẻ ở trong và ngoài nước, là nền tảng cho những hoạt động gắn kết và hướng về quê hương của tuổi trẻ kiều bào trong tương lai.