Cùng với trận địa của lực lượng chính quy tham gia chiến dịch Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không, trận địa dân quân tự vệ cũng có vai trò quan trọng góp phần làm nên chiến thắng trên bầu trời Hà Nội. Trong đó, trận địa pháo cao xạ 14,5 ly của những chiến sỹ sao vuông Nhà máy cơ khí Lương Yên, Nhà máy cơ khí Mai Động, Nhà máy gỗ Hà Nội tại Vân Đồn, ngoài bãi sông Hồng đã làm nên kỳ tích: bắn rơi máy bay F111 cánh cụp cánh xòe trong trận chiến 12 ngày đêm cuối năm 1972.
* Vẹn nguyên giây phút hạ máy bay
Đến giờ, nguyên xạ thủ số 1 Nguyễn Văn Hùng, tự vệ Nhà máy cơ khí Lương Yên vẫn còn vẹn nguyên cảm xúc giây phút hạ máy bay F111 đêm 22/12 năm 1972. Ông nhớ rất rõ, gần tới thời điểm 12 ngày đêm, Trung đội tự vệ Nhà máy cơ khí Lương Yên được lệnh không bắn đêm mà chỉ bắn ban ngày. Thấy máy bay vọt qua đầu mình cũng chỉ tiếc nuối đứng nhìn, nóng ruột hỏi lại cấp trên thì được trả lời: “Rồi các đồng chí cũng được bắn nhưng bây giờ chưa phải lúc”. Khi đó, trận địa Vân Đồn mới chỉ có một khẩu đội của Cơ khí Lương Yên. 5 giờ chiều ngày 22/12, hai khẩu đội của Cơ khí Mai Động và hai khẩu đội của Gỗ Hà Nội mới được điều về chuẩn bị cho chiến đấu. Trận địa này do Trung úy Hoàng Minh Giám, Bộ Chỉ huy quân sự thành phố Hà Nội trực tiếp chỉ huy.
Khẩu đội Cơ khí Lương Yên có hai người, ngoài xạ thủ số 1 Nguyễn Văn Hùng trực tiếp bắn còn có xạ thủ số 2 Bùi Ngọc Mai thực hiện nhiệm vụ kéo đạn, nhắc lại lời chỉ huy. Đúng 21giờ 45 phút, khi máy bay F111 bay vào Hà Nội từ khoảng cách 100 km ta phát hiện mục tiêu nhưng lúc tới gần, nó hạ rất thấp nên mục tiêu bị mất. Bất ngờ, chỉ huy trưởng Hoàng Minh Giám hô to “Hướng 14, điểm xạ dài. Bắn”. Đồng loạt ba khẩu đội của ba đơn vị cùng rung lên, hai khẩu đội còn lại bị hóc đạn. Xạ thủ Nguyễn Văn Hùng đạp chân vào bàn cò, bắn hết 10 viên đạn; hai khẩu đội bạn bắn hết 9 viên đạn. Lúc đó, máy bay F111 vẫn tiếp tục rẹt qua đầu. Ngay sau đó, chỉ huy trưởng yêu cầu các khẩu đội báo cáo thao tác chiến đấu và được đánh giá thực hiện đúng lệnh chỉ huy. Rồi tất cả cùng xuống hầm trú ẩn vì B52 chuẩn bị thả bom đánh phá Hà Nội.
Người dân Thủ đô chăm chú theo dõi tin chiến thắng qua báo chí hàng ngày và các bảng thông tin, trong những ngày Mỹ đánh phá ác liệt cuối tháng 12/1972. Ảnh: Tư liệu TTXVN |
Tin vui bay về cả trận địa vào sáng 23/12. Chiếc máy bay F111 bị rơi tại Hòa Bình, du kích địa phương bắt được hai phi công và cả khoang lái. Cũng trong ngày hôm đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Trân và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Duy Hưng đã tới thăm dân quân tự vệ trận địa Vân Đồn đồng thời khen ngợi: “Các đồng chí chiến đấu rất dũng cảm. Đó là niềm tự hào đối với dân quân Hà Nội”. Ngày 1/1/1973, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng tới thăm anh chị em và tặng lẵng hoa cho các tự vệ ngay tại trận địa.
* Lúc thì cầm búa, khi thì cầm súng
Nhớ lại thời gian chiến đấu trong 12 ngày đêm bảo vệ Hà Nội, ông Nguyễn Văn Hùng bồi hồi: “Lúc đó tinh thần chiến đấu cao lắm. Tôi là trung đội phó nên thường xuyên ra vào trận địa, theo dõi, đôn đốc anh chị em thực hiện tốt nhiệm vụ. Vì vậy, việc ăn ngủ, thức trắng đêm tại trận địa là thường xuyên”.
Cả Nhà máy cơ khí Lương Yên có 500 người thì tới trên 100 người biên chế ở trung đội tự vệ, lập thành 4 khẩu đội. Mỗi tháng có một tuần trực chiến, thời gian còn lại tham gia sản xuất bình thường.
Thời gian đó, Nhà máy cơ khí Lương Yên có nhiệm vụ sản xuất các mặt hàng phục vụ chiến tranh như: đường ống dẫn dầu ZK dùng để dẫn dầu từ miền Bắc vào miền Nam , sản xuất cầu phao, xà lan, xaquay (dùng để thả bóng cản máy bay địch). Ngoài ra, Nhà máy còn sản xuất các loại máy mài hai đá, máy dệt, máy cán, máy ép nhựa PVC, bể xăng…Thời gian Mỹ đánh phá ác liệt, các chiến sĩ sao vuông thực hiện chiến thuật đêm làm ngày nghỉ. Để chủ động đối phó với máy bay địch, Nhà máy lắp cụm đèn xanh đỏ báo hiệu cho công nhân: Khi an toàn bật đèn xanh, lúc máy bay đến bật đèn đỏ báo động xuống hầm. Nhưng rồi, mọi người không quản ngại hiểm nguy, vẫn hăng say lao động và trực chiến bên trận địa.
Ngày nay, do đáp ứng yêu cầu mới, Nhà máy cơ khí Lương Yên đã sáp nhập với Công ty Kim Khí Thăng Long. Tuy vậy, dấu ấn về một thời oanh liệt vẫn được người ta ghi nhớ như một lời tri ân với quá khứ hào hùng đã qua. Khẩu súng do xạ thủ Nguyễn Văn Hùng tham gia hạ chiếc máy bay F111 hiện đang đặt ở Bảo tàng Chiến thắng B52 cùng với 19 vỏ đạn.
Đinh Thị Thuận