Trao cơ hội cho các nạn nhân da cam

Hiện nay ở Việt Nam có 4,8 triệu người bị phơi nhiễm chất độc hóa học, trong đó có hơn 3 triệu người là nạn nhân chất độc da cam. Tuy nhiên, chỉ có gần 400.000 người được hưởng chính sách trợ cấp của nhà nước. Các nạn nhân rất cần sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng để được chăm sóc sức khỏe và có thêm động lực vượt qua khó khăn trong cuộc sống. 

Chú thích ảnh

Các em là nạn nhân chất độc da cam học may tại Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc màu da cam và Trẻ em bất hạnh thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN

Trao cơ hội cho các nạn nhân

Vũ Kim Xuân Đào ở huyện Phú Tân, tỉnh An Giang, là một trong những tấm gương vươn lên trong cuộc sống đã được nhận học bổng của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Di chứng nhiễm chất độc da cam/dioxin từ cha, nên khi mới chào đời Đào đã không có bàn tay trái. Do khiếm khuyết này nên khi còn nhỏ, Đào thường xuyên bị các bạn trêu trọc nên luôn cảm thấy mặc cảm, tự ti, ít giao tiếp với mọi người. Thầy, cô giáo rất hiểu nên thường xuyên động viên, an ủi Đào và nhắc nhở các bạn. Có thầy cô tiếp sức, Đào dần tự tin hơn và luôn cố gắng học thật giỏi để tránh sự trêu chọc của mọi người. Kết quả, Đào luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi, học sinh xuất sắc. Năm 2007, cô tốt nghiệp Đại học Cần Thơ chuyên ngành Khoa học môi trường. 

Vốn đam mê học tập, Đào tiếp tục nộp hồ sơ thi cao học và trúng tuyển. Nhưng niềm vui lại đi liền nỗi lo vì cô không biết lấy đâu tiền để trang trải học phí, gia đình vốn rất khó khăn, phải lo chi phí chữa bệnh cho cha, nuôi em trai ăn học. Nhờ sự giúp đỡ của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh An Giang, Đào đã hoàn thành việc học và được giới thiệu vào thử việc tại Trung tâm Quan trắc kỹ thuật và tài nguyên môi trường tỉnh An Giang. Cô luôn biết ơn các cán bộ, hội viên Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh An Giang đã tiếp thêm cho cô sinh lực sống và học tập, cống hiến cho xã hội...

43 tuổi nhưng anh Lê Minh Thái, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, chỉ cao hơn một mét, cột sống biến dạng, lưng còng gù, hai chân co rút, chân dài, chân ngắn đi lại khó khăn. Không muốn trở thành gánh nặng của gia đình, anh theo các chú, các anh làm nghề đúc chậu, quyết tâm làm chủ cuộc sống bằng chính sức mình. May mắn, anh được Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh Tây Ninh hỗ trợ vốn chăn nuôi, sản xuất. Từ nguồn thu nhập này, anh mua dụng cụ, nguyên liệu để phát triển nghề đúc chậu. Hiện tại, anh Thái đã mua được mảnh đất để làm vườn và xe “lôi” để chở chậu đi bán, thu nhập mỗi tháng bình quân từ 2,5 – 3 triệu đồng, tháng cao điểm như dịp Tết thu về 4-5 triệu đồng, đủ trang trải cuộc sống cho cả nhà và có dư.

Vượt qua bệnh tật và những cơn đau thường xuyên tái phát từ vết thương trong các cuộc kháng chiến, ông Trần Như Vũ, ở Lý Nhân, Hà Nam, đã vươn lên tìm cách thoát nghèo. Được sự động viên của gia đình, bạn bè, sự giúp đỡ của Hội Cựu chiến binh, Hội Nạn nhân chất độc da cam và được Ngân hàng Chính sách hỗ trợ vốn, ông đầu tư vào sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất gạch nung, nhận các công trình xây dựng, mua sắm trang thiết bị hiện đại phục vụ công trình địa phương và các tỉnh lân cận. Đồng thời, ông cùng các cựu chiến binh khác nuôi cá trắm đen (phục vụ làng nghề cá kho Vũ Đại), trồng sen và quy hoạch trang trại. Hàng năm, từ nguồn thu nông nghiệp và công nghiệp gia đình, ông thu lãi trên 500 triệu đồng. Cơ sở sản xuất của ông đã tạo việc làm cho rất nhiều con cháu nạn nhân da cam và lực lượng lao động nhàn rỗi ở địa phương.

Những trường hợp trên cho thấy, nếu được trao cơ hội, các nạn nhân chất độc da cam vẫn có thể vươn lên làm chủ cuộc sống của chính mình, tạo công ăn việc làm cho nhiều người cùng cảnh ngộ.

Chăm sóc nạn nhân da cam là nhiệm vụ hàng đầu 

Chú thích ảnh
Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Thị Xuân Thu thăm, tặng quà nạn nhân chất độc da cam tỉnh Nam Định. Ảnh: Nguyễn Lành/TTXVN

Xoa dịu nỗi đau da cam là việc không của riêng ai. Nhà nước đã ban hành, sửa đổi, bổ sung và đang trong quá trình hoàn thiện nhiều chế độ chính sách dành cho các nạn nhân chất độc da cam nhằm thực hiện công bằng xã hội với những người có công với đất nước và mọi nạn nhân. Đồng thời, các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam những năm qua luôn tích cực, chủ động trong vận động nguồn lực xây dựng quỹ, tạo điều kiện chăm lo và giúp đỡ hội viên. Những hành động thiết thực này đã động viên tinh thần các nạn nhân, giúp họ giảm bớt mặc cảm, vượt qua những đau đớn về thể xác, tinh thần do bệnh tật gây ra, vươn lên trong cuộc sống.

Từ khi Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam thành lập (năm 2004) đến nay, nạn nhân chất độc da cam vẫn thường xuyên nhận được sự quan tâm giúp đỡ, ủng hộ của nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế, nhất là trong “Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam 10/8”, các dịp lễ, Tết… 

Trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn Hội đã huy động được hơn 161 tỷ đồng, riêng dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, toàn Hội vận động được hơn 125 tỷ đồng. Số tiền trên đã được sử dụng để giúp đỡ các nạn nhân thông qua các hình thức như: Trợ cấp, gửi đi học nghề, tổ chức dạy nghề; cấp học bổng văn hóa; điều dưỡng phục hồi chức năng; giới thiệu việc làm; nuôi dưỡng đến cuối đời; hỗ trợ vay vốn để lao động sản xuất; tặng quà trong các dịp lễ, Tết; điều trị xông hơi giải độc…

Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam Nguyễn Văn Khanh chia sẻ, Trung ương Hội luôn đề nghị các cấp Hội đặt công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam là nhiệm vụ hàng đầu, lấy đó làm thước đo chủ yếu để đánh giá năng lực, hiệu quả hoạt động của Hội. Đồng thời, Trung ương Hội cũng yêu cầu các cấp Hội nắm vững quan điểm “kiên trì đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam”; tích cực tham gia các hoạt động ủng hộ cuộc đấu tranh buộc Mỹ phải chịu trách nhiệm tham gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học ở Việt Nam. Hội cũng khuyến khích các cấp Hội có nhiều hình thức, cách làm, biện pháp đa dạng, phong phú để vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước ủng hộ nguồn lực, chung tay xoa dịu nỗi đau da cam.

Nỗi đau da cam không là nỗi đau của riêng ai. Đó là nỗi đau của cả dân tộc, của nhân loại tiến bộ. Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam không chỉ là vấn đề từ thiện nhân đạo, mà là hoạt động "đền ơn đáp nghĩa" với những người có công với nước, thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn", nêu cao truyền thống "thương người như thể thương thân" của dân tộc...

Minh Huệ (TTXVN)
Góp phần xoa dịu nỗi đau da cam
Góp phần xoa dịu nỗi đau da cam

Dù đã trải qua 58 năm kể từ khi xảy ra thảm họa da cam/dioxin ở Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2019) nhưng nỗi đau da cam vẫn hằn lên nỗi đau trong mỗi gia đình nạn nhân. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền, cộng đồng luôn chung tay giúp đỡ, chăm sóc nạn nhân da cam/dioxin góp phần xoa dịu nỗi đau da cam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN